18/11/2004 21:12 GMT+7

Bill Gates - đằng sau một ngai vàng (kỳ 9): Đối đầu với Tối cao pháp viện

Bill Gates
Bill Gates

TT - “Ở Mỹ, không một ai hay bất cứ tập đoàn nào được phép đứng trên pháp luật!” - đó là tuyên bô của chánh án Thomas Penfield Jackson, người trực tiếp cầm trịch vụ xét xử tội độc quyền của Công ty Microsoft.

GHcj609d.jpgPhóng to
Khi tôi nhìn thấy những gì mà công nghệ đang bắt đầu mang đến cho trẻ em, tôi ước gì được trở thành một cậu bé (Bill Gates)
TT - “Ở Mỹ, không một ai hay bất cứ tập đoàn nào được phép đứng trên pháp luật!” - đó là tuyên bô của chánh án Thomas Penfield Jackson, người trực tiếp cầm trịch vụ xét xử tội độc quyền của Công ty Microsoft.

Nước Mỹ bủa vây

Thứ sáu 5-11-1999, Jackson chính thức tuyên bố tội độc quyền, ém nhẹm kỹ thuật, trù dập khách hàng và chà đạp đối thủ của công ty phần mềm khổng lồ Microsoft dưới sự chỉ huy của Bill Gates.

207 trang “cáo trạng” đã được tung ra và cho truy xuất tự do trên Internet khiến không khí bao quanh Microsoft càng ảm đạm. Tuy nhiên, cũng đã có hàng ngàn người xuống đường biểu tình phản đối sự luận tội nhằm vào Microsoft.

Phán quyết của quan tòa Thomas Penfield Jackson dựa vào đạo luật chống độc quyền Sherman năm 1890. Trong đơn kiện của mình, Bộ Tư pháp Mỹ và chính quyền 19 bang cho rằng Microsoft dùng nhiều thủ đoạn bất hợp pháp để độc quyền thị trường hệ điều hành máy tính cá nhân, và dùng thế vượt trội của mình để “băm vằm” thị trường phần mềm trình duyệt Internet của Hãng Netscape, khiến công ty này cuối cùng gần như phá sản và buộc phải sáp nhập vào Công ty American Online với giá 10 tỉ USD vào tháng 11-1998.

Trong bản luận tội của mình, Jackson chấp nhận hầu hết các chứng cứ của “phe chính phủ” (gồm Bộ Tư pháp và chính quyền 19 bang dưới sự chỉ huy của luật sư Stephen Houck) trong khi luôn nhìn Microsoft bằng con mắt hồ nghi, thậm chí còn mang vẻ miệt thị.

“Một trong những thử thách của Công ty Microsoft hiện nay là rất nhiều nhân viên chưa nếm mùi thất bại.

Rất nhiều nhân viên chưa bao giờ tham gia một dự án chưa thành công.

Hóa ra, khi thành công được xem như là chuyện đương nhiên lại ẩn chứa những điều nguy hiểm nhất.

Vì vậy chúng tôi có mục tiêu khi tuyển dụng những nhà quản lý đã có những kinh nghiệm thất bại tại các công ty khác”.

Trong 76 ngày ngồi ở tòa bắt đầu từ 19-10-1998, Jackson đã nghe các viên chức điều hành của các công ty khổng lồ nhất nước Mỹ và cũng là nạn nhân bầm mình bầm mẩy nhất của Microsoft - International Business Machines Corp.

(IBM), American Online Inc., Intel Corp., Apple Computer Inc… - miêu tả lại cách thức mà Microsoft sử dụng để đe dọa nâng giá, đồng thời rút lại kỹ thuật nếu các công ty này không khuất phục trước những đề nghị của Microsoft.

Phe chính phủ cũng cho rằng Microsoft từng tìm kiếm những biện pháp để nghiền nát bất cứ công ty nào có khả năng cạnh tranh trực tiếp với phần mềm Windows hoặc có ý định giúp các công ty phần mềm khác để cạnh tranh với Microsoft. Chứng cứ của phe chính phủ là hàng trăm bức thư điện tử nội bộ của Microsoft mang nội dung cho thấy ý đồ của ban chỉ huy Microsoft.

Theo những gì chánh án Thomas P. Jackson luận tội, Microsoft khó thoát khỏi cái bẫy mà dường như cả nước Mỹ bủa vây. Microsoft thời điểm cuối năm 1999 không đơn thuần là nhà sản xuất phần mềm.

Microsoft Research, thành lập năm 1991, đang thuê 450 nhà nghiên cứu từ các trường đại học và phòng thí nghiệm khắp thế giới (San Francisco, Bắc Kinh, Cambridge…) để nghiên cứu trong 30 lĩnh vực - từ phần mềm nhận giọng nói, xử lý ngôn ngữ, phân tích dữ liệu, đến cả đồ họa…

Sách điện tử cũng là một trong những kế hoạch đầu tư mạnh của Microsoft. Nói tóm lại, Microsoft hiện diện trong đủ lĩnh vực dễ ăn nhất hiện nay, từ truyền hình cáp (MSNBC), giải trí (Hãng phim Dreamworks SKG), cho đến viễn thông…

Với Microsoft, Bộ Tư pháp Mỹ đã tốn 13,3 triệu USD trong thập niên 1990, trong đó có 7 triệu USD dành riêng cho tiến trình điều tra. Ngoài ra còn những chi phí khác như trả cho các nhà kinh tế học cùng nhiều chuyên gia nhằm tìm kiếm những lời khuyên cần thiết. Microsoft tốn càng dữ dội hơn.

Bộ Tư pháp tiết lộ rằng công ty này đã bỏ ra 194.140 USD cho nhiều việc linh tinh kể cả chuyện đăng tải tài liệu tòa án lên mạng để mong nhận được sự cảm thông từ công chúng. Riêng tiền trang trải luật sư, Microsoft có thể chi đến 689 triệu USD trong năm 1999, tăng 59% so với 433 triệu USD vào năm 1998.

Tuy nhiên, các khoản chi phí này chẳng thấm vào đâu so với tài sản của Bill Gates - người đầu tiên trong lịch sử văn minh nhân loại có trong túi hơn 100 tỉ USD.

Thoát hiểm trong gang tấc

Các vụ xử độc quyền thường được giải quyết bằng hình phạt phân rã công ty.

Năm 1911, Công ty dầu Standard Oil bị buộc tội độc quyền khi mua các đối thủ và ép các công ty hỏa xa mua dầu của mình.

Ở thời điểm đó, Standard Oil của ông trùm John D. Rockefeller chiếm đến 90% thị phần Mỹ (gia sản Rockefeller năm 1911 là 900 triệu USD - hơn 2% GNP của Mỹ - trong khi ngân sách liên bang Mỹ năm đó chỉ có 750 triệu USD!).

Cuối cùng, Standard Oil bị chia thành 34 công ty con mà những kẻ sống sót nay đã trở thành các công ty dầu lớn nhất thế giới như Exxon, Mobil, Chevron và Amoco.

Năm 1911, Mỹ cũng xử tội độc quyền Công ty thuốc lá American Tobacco, chiếm 95% thị phần Mỹ.

Kết quả, American Tobacco biến thành 16 công ty mà hai kẻ sống sót hiện nay đã nổi danh là R.J. Reynolds và British American Tobacco.

Hai năm sau, khi mọi người tưởng như giới chức chống độc quyền Mỹ đã tròng được thòng lọng vào cổ Bill Gates, thời điểm mà Bộ Tư pháp và đại diện 19 bang nước Mỹ quyết định rằng không có giải pháp nào tốt hơn là chia vụn công ty.

Tuy nhiên, trong phiên xử ngày 28-6-2001, chiến dịch tập kích Microsoft đã bất thành khi phiên xử gồm bảy quan tòa thuộc tòa phúc thẩm ở Washington DC tuyên bố Microsoft vẫn còn nguyên vẹn (không bị chia vụn) và rằng một phần của vụ xử sẽ lại gửi xuống tòa sơ thẩm thụ lý.

Tòa phúc thẩm đã phẩy tay bác bỏ các cáo buộc tội vi phạm luật độc quyền trong thị trường trình duyệt Internet mà chánh án Thomas Penfield Jackson “cài đặt” cho Microsoft. Tuy nhiên, tòa cũng phán rằng Microsoft đã phạm tội chống độc quyền trong thị trường hệ điều hành máy tính cá nhân, nhưng vụ này chỉ được xử ở cấp sơ thẩm với một chánh án mới chứ không phải Thomas Penfield Jackson.

Tuy phe chính phủ tuyên bố coi như họ đã thắng hiệp một, nhưng ai cũng thấy rằng phe Microsoft có nhiều lý do thích hợp hơn để khui champagne. Tờ The Economist cho rằng việc kiện Microsoft vi phạm luật chống độc quyền trong thị trường trình duyệt Internet thật ra cũng mất thời giờ như việc điều tra xem trùm mafia Al Capone có trốn thuế hay không.

Theo đúng luật chơi, Microsoft chỉ được phép bán phần mềm hệ điều hành và một phần mềm riêng dành cho trình duyệt Internet, cạnh tranh lành mạnh với các công ty chuyên sản xuất trình duyệt Internet (như Netscape chẳng hạn).

Tuy nhiên, Microsoft đã láu cá khi nhập chung hai phần mềm làm một và người tiêu dùng được hưởng lợi vì mua một được hai. Cho đến nay Microsoft Windows vẫn là phần mềm đa dụng nhất thế giới: có hệ điều hành, có phần xử lý ảnh (đáng lý thuộc một phần mềm riêng biệt, như Photoshop chẳng hạn), có trình duyệt Internet (đáng lý thuộc một phần mềm riêng như Netscape hay Opera), có multimedia xử lý âm thanh-hình ảnh (đáng lý thuộc một phần mềm riêng như RealPlayer)…

Với lợi thế Windows đang sẵn chiếm lĩnh thị trường toàn thế giới, việc Microsoft cài thêm các phần mềm khác vào chung Windows, mà họ gọi là những “tiện ích”, rõ ràng là hành động chơi lấn sân và không có lý do nào thích hợp để biện minh rằng họ không vi phạm luật chống độc quyền. Tuy nhiên, cuối cùng, nước Mỹ vẫn thua Microsoft, và “một phần ba dân số Mỹ” trở lên vẫn khoái Windows.

------------------

* Kỳ cuối: Microsoft thời lận đận

Bill Gates
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên