Người dân biểu tình tưởng nhớ công tố viên quá cố người Argentina Alberto Nisman - Ảnh: Reuters |
Theo AFP, các đám đông biểu tình đã tập hợp tại các thành phố Rosario và Cordoba, khu Mar del Plata và vùng tây bắc tỉnh Tucuman. Có những người đã lội bộ gần 2 cây số với tấm biểu ngữ “Cảm phục công tố viên Alberto Nisman” trên tay.
Trong số những người biểu tình, có 2 con gái nhỏ của công tố viên Nisman và người vợ cũ của ông, thẩm phán Sandra Arroyo Delgado.
Có sự khác biệt đáng kể về số người biểu tình tại Buenos Aires: cảnh sát địa phương nói khoảng 400.000 người tham gia, nhưng cảnh sát liên bang cho rằng chỉ gần 50.000 người có mặt.
Cách đây đúng 1 tháng (18-1), người ta phát hiện thấy công tố viên Nisman nằm chết trong nhà tắm tại căn hộ của ông ở Buenos Aires với một viên đạn xuyên qua thái dương.
Đó cũng là ngày trước thời điểm ông sẽ có buổi điều trần trước quốc hội Argentina về các điều tra phát hiện việc tổng thống đương nhiệm Kirchner và ngoại trưởng của bà có mưu đồ giấu tội cho một số quan chức Iran có liên quan đến vụ đánh bom cộng đồng người Do Thái thuộc Hội tương trợ Israel - Argentina (AMIA) năm 1994.
Đã có 850 người chết và hơn 300 người bị thương trong vụ tấn công này. Đây trở thành vụ thảm sát đẫm máu nhất trong lịch sử Argentina và sau 21 năm vẫn chưa được giải quyết.
Trước khi cuộc biểu tình diễn ra, bà Kirchner đã rời thủ đô Buenos Aires tới thành phố Zarate dự lễ khai trương một nhà máy điện hạt nhân. Giới chức Argentina cáo buộc cuộc biểu tình có ý đồ làm suy giảm quyền lực của chính phủ. Những người ủng hộ tổng thống Kirchner cho rằng, Mỹ và Israel đang cố lôi kéo Argentina vào cuộc xung đột tại Trung Đông.
Về cái chết nhiều nghi vấn của công tố viên Nisman, theo các điều tra viên, nguyên nhân ban đầu có vẻ là tự tử, nhưng cũng không loại trừ khả năng bị ám sát.
Tại Argentina, không mấy người tin vào giả thuyết công tố viên 51 tuổi tự tử. Ngay cả bà Kirchner cũng cho rằng, có thể ông Nisman đã bị hai cựu điệp viên sát hại với mưu đồ bôi nhọ danh dự của bà.
4 ngày trước khi chết, công tố viên Nisman đã buộc tội bà Kirchner gây khó khăn cho công tác điều tra của ông khi bà này cắt một hợp đồng bí mật với Iran về việc trao đổi dầu mỏ.
Năm 2006, được sự ủng hộ của cựu tổng thống Nestor Kirchner (người cha quá cố của tổng thống Argentina đương nhiệm) ông Nisman đã buộc tội quân Hezbollah tiến hành vụ đánh bom AMIA. Vụ việc này cũng liên quan tới một số quan chức cấp cao của Iran, kể cả cựu tổng thống Akbar Hashemi Rafsanjani.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận