31/05/2016 10:45 GMT+7

Biết rồi, khổ lắm, nhưng vẫn phải nói mãi

NGUYỄN VĂN HẢI
NGUYỄN VĂN HẢI

TTO - Mặc dù vấn đề quy hoạch "treo", dự án "treo" là đề tài thuộc vào loại “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, nhưng cứ mỗi lần quay lại thì bạn đọc Tuổi Trẻ lại rần rần theo dõi, phản hồi...

Người dân sống tại khu vực hoa thị của ngã tư Gò Dưa (Q.Thủ Đức, TP.HCM) trong ô nhiễm và nỗi lo tai nạn - Ảnh: Ngọc Dương
Người dân sống tại khu vực hoa thị của ngã tư Gò Dưa (Q.Thủ Đức, TP.HCM) trong ô nhiễm và nỗi lo tai nạn - Ảnh: Ngọc Dương

Câu chuyện Bí thư chỉ đạo, dự án "treo" 45 năm vẫn không nhúc nhích và trước đó là Nhà cửa, ruộng vườn bỏ hoang vì quy hoạch “treo” một lần nữa cho thấy việc xóa quy hoạch “treo”, giải quyết nỗi khổ sở của người dân những năm qua chưa được các cấp chính quyền quan tâm đúng mức và giải quyết rốt ráo, dù ở Hà Nội hay ở TP.HCM.

Mặc dù đây là đề tài thuộc vào loại “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, nhưng cứ mỗi lần quay lại thì bạn đọc Tuổi Trẻ lại rần rần theo dõi, phản hồi...

Luật đất đai 2003, tại khoản 3, điều 29 quy định sau ba năm nếu diện tích đất công bố thu hồi không được thực hiện theo kế hoạch thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt kế hoạch đó phải điều chỉnh hoặc hủy bỏ và công bố.

Luật đất đai 2013 dấn thêm một bước khi quy định tại khoản 3, điều 49 về trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền “không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ thì người sử dụng đất không bị hạn chế về quyền...”.

Thế nhưng, qua hai câu chuyện trên ở Hà Nội và TP.HCM, dễ nhận thấy rằng cấp có thẩm quyền liên quan đã không làm hết chức trách của mình, từ cấp xã, cấp huyện đến thành phố.

Rõ ràng thấy quy hoạch đó, dự án đó đang bị “treo”, cuộc sống của người dân trong khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gặp vô vàn khó khăn.

Từ chuyện không thể xin cấp giấy chủ quyền nhà - đất, không thể chuyển nhượng, không thể xin cấp phép xây dựng hay sửa chữa, đến chuyện điện thắp sáng, nước sinh hoạt, nhập hộ khẩu hay xin học cho con cái... nhưng việc khắc phục, xử lý của các cơ quan theo hướng tạo thuận lợi cho người dân sao mà khó và chậm đến thế.

Một chuyện đình đám như vụ “45 năm sống treo giữa thủ đô” liên quan tới dự án “treo” - quy hoạch “treo” công viên Tuổi Trẻ, báo chí đăng tải rần rần hồi tháng 9-2015, không thể nói phường không biết, quận không hay.

Đích thân bí thư Thành ủy Hà Nội lúc đó là ông Phạm Quang Nghị khi nghe cử tri địa phương bức xúc phản ảnh đã chỉ đạo phải giải quyết dứt điểm.

Vậy nhưng nhìn lại thử xem từ đó đến nay, gần một năm sắp trôi qua, các cơ quan có thẩm quyền của TP Hà Nội đã giải quyết chuyện này như thế nào, đã thực hiện chỉ đạo của bí thư Thành ủy ra sao?

Chỉ có thể thấy một điều: hoặc là hiệu suất làm việc một số cơ quan liên quan quá thấp; hoặc phải chăng là sự việc trên và những sự việc tương tự khác liên quan tới xóa quy hoạch “treo”, dự án “treo” - cho dù được quy định hẳn hoi trong Luật đất đai - luôn là một nhiệm vụ “bất khả thi” trong thực tế?

Một trường hợp điển hình được dư luận quan tâm như thế mà còn xử lý quá chậm trễ, thử hỏi còn hàng ngàn dự án, quy hoạch đang bị “treo” khác không được báo chí, người dân kịp thời theo dõi, giám sát thì số phận sẽ như thế nào?

Giờ đây, người dân đang đếm từng ngày cho hết cái thời hạn “tối hậu thư” 60 ngày mà Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đặt ra cho Sở Quy hoạch - kiến trúc, trong cuộc làm việc với huyện Củ Chi.

Nếu vụ này có hậu, hi vọng sẽ mở ra một hi vọng về một ngày mai không còn khốn khổ vì quy hoạch “treo”, dự án “treo”.

NGUYỄN VĂN HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên