![]() |
TS Đặng Kim Sơn - Ảnh: LÊ THANH |
“Người nông dân phải chủ động thay đổi cuộc sống của mình như tầng lớp doanh nhân đang tự vươn mình đứng lên trong phong trào “khởi nghiệp” hiện nay. Đây mới là điều quan trọng nhất |
TS Đặng Kim Sơn |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Đặng Kim Sơn - chuyên gia về nông nghiệp - nói:
- Trước hết phải khẳng định từ khi nghị quyết về “Nông nghiệp, nông thôn và nông dân”, sau đó là Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới được triển khai đã góp phần thay đổi nhận thức và hành động của cả nước.
Ngoài khía cạnh kinh tế nông nghiệp, mọi người chú ý hơn đến xã hội, khía cạnh môi trường, khía cạnh đời sống của 70% dân số cả nước sống ở nông thôn.
Đường làng ngõ xóm, giao thông nông thôn phát triển. Việc dồn điền đổi thửa diễn ra rất quyết liệt ở Bắc Trung bộ và đồng bằng sông Hồng, còn phía Nam xuất hiện những cánh đồng lớn. Điện, viễn thông, y tế, giáo dục... ở nông thôn thay đổi hoàn toàn.
Tuy nhiên, hướng phát triển hầu như chỉ nhắm vào cơ sở hạ tầng, dựa chủ yếu vào ngân sách nhà nước, trông chờ vào quyết định và chỉ đạo của cấp trên thì không vững bền.
Nông dân đang phải đương đầu với những vấn đề rất phức tạp, vượt ra khỏi câu chuyện “điện, đường, trường, trạm...”.
Thực tế cho thấy hễ xảy ra biến cố, không nói đến việc xấu, ngay biến cố tốt cũng làm người nông dân điêu đứng như đẻ thêm con, có con đậu đại học...
Để có đồng ra đồng vào, họ phải ly hương đi làm ăn và chịu rủi ro trăm bề. Vấn đề rộng lớn hơn là người nông dân chưa rõ con đường, chưa rõ cơ hội đi vào xã hội tương lai.
* Cái không ổn ở đây phải chăng là cách làm nông thôn mới 5 năm qua chỉ dựa vào bề nổi là dự án, công trình mà chưa thay đổi về chất là đi vào nâng cao sản xuất, giúp người nông dân tăng thu nhập?
- Mô hình phát triển kinh tế lấy công nghiệp và đô thị làm động lực đi trước thời gian qua đã làm nông thôn bị tụt hậu.
Khoảng cách đó bị khoét rộng ra bởi biến đổi khí hậu, hội nhập toàn cầu. Nói cách khác, cả chiến lược bên trong lẫn hoàn cảnh bên ngoài đều đang đặt nông thôn vào thế yếu, thế bị động.
Mọi người đều thống nhất là phải thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, giữa miền xuôi và miền ngược...
Nếu hi vọng theo cách cũ: dốc sức cả nước đưa thành thị, công nghiệp phát triển mạnh trước rồi dùng thuế, dùng chính sách để điều tiết trở lại cho nông thôn thì khoảng cách chỉ thêm xa hơn.
* Khu vực nông thôn đang rất khó khăn, nếu không hỗ trợ bằng nguồn lực sẽ làm bằng cách nào?
- Nông dân không cần sự bù đắp, họ có thực lực nhưng chưa có điều kiện để phát huy.
Vấn đề chính là phải tạo được cơ hội để bản thân nông dân vượt qua ngưỡng có thu nhập đủ sống hiện nay, vượt lên mức có tích lũy để tái sản xuất mở rộng.
Nông dân và doanh nhân phải thực sự được sản xuất, kinh doanh theo quy luật thị trường lành mạnh. Những vướng mắc trong sử dụng đất đai, trong quản lý khoa học công nghệ, trong xuất khẩu lúa gạo... phải triệt để tháo gỡ.
Nếu nông dân không thiết tha với đất đai, nếu doanh nghiệp không mong muốn đầu tư vào nông thôn chắc chắn chính sách của Nhà nước có vấn đề.
* Vậy theo ông là phải thay đổi tư duy về cách làm nông thôn mới?
- Đúng vậy. Mục tiêu xây dựng nông thôn mà nhiều người cho là mới, là hiện đại hôm nay sẽ lạc hậu ngày mai.
Phát triển nông thôn phải là tạo động lực để nông dân làm giàu, trước hết nhờ đầu tư xúc tác, hỗ trợ của Nhà nước, đầu tư của doanh nghiệp và quan trọng nhất là sự kết nối, phối hợp của toàn nền kinh tế.
Kinh nghiệm phát triển quốc tế, nhất là ở Đông Á, đã chứng minh nông thôn và thành thị chỉ có thể kết nối bằng “phát triển lan tỏa” và “phát triển bao gồm”, tức là kinh tế, xã hội đô thị phải liên thông với nông thôn, sản xuất công nghiệp, dịch vụ phải gắn với nông nghiệp.
Các doanh nghiệp, mỗi gia đình, từng người lao động có được tích lũy ở lĩnh vực này lập tức vốn chảy ngay sang đầu tư thúc đẩy lĩnh vực kia.
Nông nghiệp có vốn mới chuyển được công nghệ, tập trung được đất đai, kinh tế nông thôn mới đủ sức phát triển sang phía phi nông nghiệp.
Lao động mới có cơ hội ly nông mà không ly hương. Nông dân mới có điều kiện tăng thu nhập và có tích lũy để phát triển như người đô thị.
* Nghĩa là Nhà nước phải mở cho người dân nông thôn có con đường đi vào xã hội tương lai?
- Nhà nước và toàn dân phải thay đổi căn bản tư duy. Nông thôn mới không còn chỉ là nông thôn. Đó là đất nước mới.
Chắc tương lai không xa, tỉ lệ người dân nông thôn đang chiếm 70% dân số cả nước sẽ chỉ còn 20-30% thôi. Phần lớn ruộng đất đang trong tay nông dân sản xuất nhỏ sẽ phải giao lại cho người tập trung sản xuất, đồng thời chuyển sang làm những nghề phi nông nghiệp.
Việc làm con đường, xây ngôi trường... có thể cải thiện một phần cuộc sống bây giờ nhưng hoạt động đó chỉ có ý nghĩa thực sự khi trở thành giải pháp để họ tự tin vào chính sức mạnh của bản thân, tin vào sự phối hợp, liên kết với nhau.
Thay đổi bằng được tư duy, nhận thức để đi đến thay đổi hành vi, cách sống, cách làm việc của cư dân nông thôn là biện pháp căn bản để người nông dân đứng lên tự cứu mình và giúp nước.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ (chủ tịch Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam): Chưa bám sát nhu cầu Thực tế ở những địa phương tôi đến làm việc, lắng nghe dân phản ảnh thì thấy rõ chương trình xây dựng nông thôn mới chỉ quan tâm nhiều tới việc xây dựng cơ sở vật chất mà không tính tới các khía cạnh khác như những giải pháp để thay đổi đời sống văn hóa, giáo dục, nâng cao dân trí... Ngay trong việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cũng lãng phí, chưa bám sát nhu cầu thực tế. Cụ thể như ở lĩnh vực giáo dục mới chỉ chú tâm vào việc xây dựng các trường đạt chuẩn quốc gia. Trong đó mỗi xã có 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học và 1 trường THCS. Thay vào chỗ phải xây hai ngôi trường to đẹp, có đủ thư viện, bể bơi, sân chơi... thì ở nhiều nơi chỉ cần xây dựng một trường phổ thông cơ sở, bao gồm cả tiểu học và THCS. Tôi cho rằng để xây dựng nông thôn mới, không thể thiếu những giải pháp để nâng cao dân trí, nâng trình độ văn hóa, tay nghề, hiểu biết về pháp luật, về xã hội cho người dân. Đây là tiêu chí thứ 20 mà tôi đề nghị đưa vào bộ tiêu chí đánh giá nông thôn mới.Vĩnh Hà ghi |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận