![]() |
Có người “đô” mạnh uống một bữa tới 5 - 6 lít mà vẫn không hề hấn gì (?). Có cầu ắt có cung, các quán bia hơi ven đường mọc lên như nấm, trương bảng hiệu hấp dẫn “Bia hơi rẻ rề: 3.500đ/lít” chào mời các bợm nhậu.
Múc bằng thau
Mới mua chiếc xe tải, anh bạn tôi “rửa xe” với bạn bè bằng một chầu bia hơi. Cả bọn rủ nhau ra quán P.T. trên đường Nguyễn Huy Điển (P.6, Quận Gò Vấp TP.HCM). Sau khi niềm nở mời khách ngồi, cô chủ quán mặc áo 2 dây và chiếc quần jeans hở rốn tất tả đi chiết bia. Bia được đựng trong cái bồn inox cao gần đụng nóc nhà, dưới có cái vòi thò ra như vòi nước, đóng mở bằng một cái van hễ vặn là nghe “xì” một cái như khui… lon bia.
Cô chủ mở van cho bia chảy xuống cái bình nhựa loại 2 lít, dưới cái bình còn lót sẵn cái thau, chúng tôi nói với nhau là “để hứng bia đừng rơi rớt”. Điều hơi ớn là khi chiết bia vô cái bình nhựa, nước trong bồn chảy xuống toàn là bọt trắng, cô chủ để cho bọt chảy tràn trề ra cái thau một hồi thật lâu, cho tới khi bọt tan chỉ còn nước bia, cô mới lấy ca múc bia đó đổ vô lại bình nhựa. San sớt một hồi thì nước trong bình không còn bọt, cô mới đem ra bàn cho mọi người.
Hỏi “Sao lâu quá vậy?”, cô cười rồi liếc mắt, giọng õng ẹo: “Dạ, tại hơi gas chưa “nhập” vô bia nên em phải chờ. Với lại bọt hơi nhiều nên cũng phải chờ nó “lóng” lại hết rồi mới san ra cho mấy anh”. Cô nói tỉnh bơ mà không hề để ý thấy tôi đang trợn mắt lè lưỡi vì… ghê. Nhưng “ói” nhất là chỗ rót bia nằm gần đường đi vô… toa-lét. Cái thau múc bia vô bình thì để dưới đất, còn khách nhậu bia thì ra vô toa-lét tấp nập. Thậm chí có bợm quá gấp, cứ nhảy đại qua cái thau bia mà đi, khiến cho cô chủ vừa múc vừa la “oái oái”.
Ráng uống hết một bình, chúng tôi kéo qua quán T.L. trên đường Nguyễn Oanh (P.17, Quận Gò Vấp). Tưởng đâu sạch sẽ hơn, ai dè “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”. Lần này người múc bia là một bà sồn sồn mập mạp. Bà cũng mở van, cho bia xuống bình rồi múc bia tràn dưới thau đổ lại bình cho tới khi đầy.
Chỗ múc bia này thì không gần toa-lét, nhưng coi cách bà múc bia tụi tôi cũng muốn… ói. Bàn tay của bà cầm cái ca sớt bia, nhưng thỉnh thoảng bà lại đưa tay lên mũi hỉ cái “rột” rồi vẩy cái “rẹt” vô vách. Rồi bà chùi tay sơ vô bên hông quần rồi thản nhiên tiếp tục múc bia.
Vậy mà các bợm kế bên vẫn “dzô, dzô” rần rần. Dưới gầm bàn, bình bia quăng nằm lăn lóc chừng chục cái. Một bợm khoe với tôi: “Có bữa em “làm” 3 bình 6 lít rồi mới ngủ được anh à! Ban ngày làm hồ, tối nhậu chơi đỡ buồn”. Rồi anh than thở: “Chỉ có công nhân, chạy ba gác, xe ôm tụi em mới vô mấy quán “cóc ổi” này. Coi vậy chớ về quê cũng “nổ” được lắm nghen: “Lên Sài Gòn làm ăn khá lắm, toàn uống bia không”.
Không riêng các quán nói trên, hiện nay các quận vùng ven như 12, 9, 7, 8, Hóc Môn, Củ Chi, Thủ Đức... các quán bia hơi mọc lên như nấm mùa mưa nhằm phục vụ đối tượng bình dân. Anh Trần Văn Hưng, một chủ quán bia hơi ở phường Phước Long (Quận 9) cho biết: “Bia này dễ bán lắm, chỉ cần hô một tiếng là đại lý đem tới liền. Họ cung cấp bồn, châm bia, nạp gas sẵn, mình cứ rót ra mà bán. Nhưng mà cũng ghê lắm nghen, coi chừng nó nổ bất cứ lúc nào nếu mình nạp gas quá liều!”.
Gas + Nước lã = Bia hơi.
Theo chân một tài xế xe tải đi chở bia ở một cơ sở nằm trên đường Kha Vạn Cân (Quận Thủ Đức), chúng tôi có dịp “nghía” qua qui trình sản xuất ở nơi đây. Khu vực nấu bia là một gian nhà lớn như cái nhà kho, trần cao tới 8m lợp tôn, rộng khoảng 250m2. Từ ngoài vô là thấy ngay một lò nấu malt (một loại nguyên liệu nấu bia gần giống như lúa mạch) có nhiều ống nhôm thông nhau. Nối liền đó là những bồn lớn cao tới 4m dùng chứa bia sau khi nấu.
Bia nấu xong được phân ra 2 loại: Bia hơi thì vô bồn chở tới quán, bia chai thì vô chai nhựa cung cấp cho đại lý. Anh N.T.L., một công nhân sản xuất bia đã giải nghệ cho biết, công thức sản xuất chỉ đơn giản gồm: malt, men bia, gas và… nước lã.
Nhưng nói là malt cho có “hơi” vậy thôi chứ 10 phần chủ hãng chỉ dùng có 2 - 3 hà, còn lại là “tinh” bia mua ở chợ Kim Biên “chích” vô. Ăn tiền ở chỗ nạp gas vô bia. Người uống cứ thấy rót ra có bọt, uống vô ợ đùng đùng, hơi gas nồng lỗ mũi tưởng là bia, hổng phải. Đúng ra đó là nước gas chớ hổng phải là bia!
Nói về cách làm thế nào cho bia có độ cao để uống mau “phê”, cô chủ quán mặc áo 2 dây nói trên ra vẻ rành rọt: “Tùy theo nhu cầu của khách. Nếu quán ở vùng nào muốn tăng “đô” thì tụi em báo với cơ sở sản xuất. Họ sẽ “chích” vô một ít cồn công nghiệp là bảo đảm mau say hơn cả … rượu đế”.
Riêng tụi tôi bữa đó sau khi “rửa xe” của anh bạn xong, lúc về nhà kẻ thì nhức đầu, người đau bụng tùm lum. May mà mỗi người uống có 1 ly, chứ chơi “hết lốc” như mọi khi chắc có người phải đi cấp cứu.
Thiệt là… kinh dị!
Tuổi Trẻ Cười số 344 (ra ngày 15-01-2008) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận