Chủ trì buổi họp báo là ông Nguyễn Hồng Hải - phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận. Dự buổi họp báo có ông Dương Văn An - bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận. Ngoài ra còn có đại diện các sở ngành liên quan, đơn vị quản lý rừng nơi dự kiến làm dự án hồ chứa nước Ka Pét và hơn 50 phóng viên báo chí.
Bí thư Bình Thuận: Dự án hồ Ka Pét nhằm tăng nước ngầm, điều tiết nước
Phát biểu mở đầu buổi họp báo, ông An chia sẻ dự án hồ chứa nước Ka Pét đã được đưa ra lấy ý kiến từ lâu, được Quốc hội phê duyệt vào năm 2019 và điều chỉnh vào năm 2023.
Quá trình đó, dự án nhận được các đóng góp nhưng không có nhiều ý kiến phản đối dự án. Tuy nhiên, mới đây, từ một bài báo, dư luận cả nước lại quan tâm rất nhiều đến dự án này, trong đó có người ủng hộ, người không ủng hộ. Người dân Bình Thuận đang chịu cảnh khô hạn hằng năm ủng hộ cho rằng dự án cần thiết, người không ủng hộ lại cho rằng Bình Thuận phá rừng.
Để rộng đường dư luận, Bình Thuận tổ chức họp báo để thông tin đầy đủ về quá trình chuẩn bị hồ sơ dự án trình các cấp phê duyệt, cũng như quy mô, cách thức khai thác, bảo vệ rừng.
"Tôi mong cuộc họp báo diễn ra thẳng thắn, cởi mở, chân tình, nói rõ và thẳng với nhau. Việc gì nhà báo quan tâm, đề nghị các đồng chí có trách nhiệm trả lời hết. Về những việc chuyên môn sâu nếu chưa trả lời được xin hứa sẽ trả lời bằng văn bản. Tinh thần tỉnh không né tránh và cũng mong báo chí thông tin chân thật, nhiều chiều, đầy đủ. Không chỉ nên ca tụng tích cực, nhưng cũng không chỉ nói tiêu cực. Cả cái gì tốt và không tốt đều nói. Nếu nói một cách phiến diện sẽ đưa bạn đọc đến những suy luận không đúng với thực tế", ông An nói.
Nói thêm về ý nghĩa dự án, bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nói mới đây có đoàn đi khảo sát, nhưng đi vào mùa mưa chỉ mới thấy một nửa thực tế khó khăn của người dân. Nếu đi thêm vào mùa khô sẽ hiểu được nỗi khổ của người dân như thế nào.
"Tôi nhớ VTV có các phóng sự về khô hạn ở các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung, trong đó có Ninh Thuận. Đồng khô, cỏ cháy, ruộng đồng nứt nẻ, ngay cả cừu, trâu, bò cũng chết. Phải nói làm lãnh đạo ở địa phương không lo được cho dân thì cũng là tội lỗi. Giữ rừng cũng cho dân, giữ nước cũng cho dân, dự án này là giữ nước cho dân, tăng nước ngầm, điều tiết nước giữa mùa mưa và mùa khô. Chỉ nói một chiều về rừng thì bao nhiêu người dân, cây trồng chịu cảnh khô hạn. Nên tôi muốn mọi nhận định, ý kiến cần đặt vào vị trí của người dân", ông An chia sẻ.
Người đứng đầu Tỉnh ủy Bình Thuận nói thêm: "Làm lãnh đạo nếu ngại va chạm dư luận xã hội, gió chiều nào theo chiều ấy, đẽo cày giữa đường thì dễ quá. Tôi nhớ lời Bác Hồ nói việc gì có lợi cho dân thì khó mấy cũng quyết tâm làm, việc gì có hại cho dân thì dù nhỏ cũng cố sức tránh. Làm ở đây không phải làm bất chấp, không phải làm không có khoa học, làm theo kiểu phá hoại".
Và ông An khẳng định: "Tỉnh sẵn sàng tiếp thu ý kiến của nhà khoa học, báo chí, nếu có gì bất cập, bất hợp lý ảnh hưởng môi trường, phá hệ sinh thái đến mức nặng nề, không thể khắc phục, tỉnh sẽ sẵn sàng điều chỉnh, không bảo thủ. Tỉnh xác định việc đúng thì quyết tâm làm, sai thì chỉnh sửa, tiếp thu, không bảo thủ".
Diện tích rừng làm hồ Ka Pét chiếm 0,15% rừng tự nhiên của Bình Thuận
Thông tin tại cuộc họp báo, ông Lê Thanh Sơn - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận - chỉ vào màn hình chấm điểm dự án hồ Ka Pét trong tổng thể diện tích rừng Bình Thuận và nói: "So với 360.000ha rừng tự nhiên toàn tỉnh, 600ha rừng dành để làm dự án chỉ là một chấm rất nhỏ trên màn hình, chỉ chiếm 0,15%".
Nói riêng về rừng đặc dụng để làm dự án so với tổng diện tích hơn 24.000ha rừng đặc chủng (do Ban quản lý Khu bảo tồn thiên niên Núi Ông quản lý) cũng chiếm tỉ lệ rất nhỏ nên mức độ ảnh hưởng không quá lớn với tổng thể chung.
"Tôi mạnh dạn ví von một bông hoa hồng rất đẹp khi rơi một cánh thì hoa hồng vẫn rất đẹp", ông Sơn chia sẻ.
Thông tin về hiện trạng điều tra, kiểm kê rừng trong khu vực dự án, đại diện Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Nam Bộ cho biết thực hiện đúng các quy định, quy chuẩn hiện hành. Kết quả sơ bộ, trong tổng số 679,72ha đất rừng có 619,58ha đất có rừng (rừng tự nhiên 612,48ha và rừng trồng 7,1ha) và 60,14ha đất không có rừng.
Phân theo mục đích sử dụng có 149,9ha rừng đặc dụng, 0,86ha rừng phòng hộ, 440,4ha rừng sản xuất và 40,72ha nằm ngoài quy hoạch ba loại rừng.
Về trạng thái rừng, trong số 612,48ha (chiếm 90,11%) có trạng thái rừng gỗ tự nhiên núi đất LRRL giàu là 12,22ha (chiếm 1,80%), trạng thái rừng gỗ tự nhiên núi đất LRRL trung bình là 120,25ha (chiếm 17,69%), trạng thái rừng gỗ tự nhiên núi đất LRRL nghèo là 43,04ha (chiếm 6,33%), trạng thái rừng hỗn giao G-TN tự nhiên núi đất (HG1) là 436,11ha (chiếm 64,16%) và trạng thái rừng hỗn giao G-TN tự nhiên núi đất (HG2) là 0,86ha (chiếm 0,13%).
* Phóng viên Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: Bên cạnh những ý kiến đồng tình, vẫn có những chuyên gia cho rằng có một số cách khác như làm nhiều hồ nhân tạo nhỏ kết nối lại hoặc làm hồ quy mô nhỏ hơn, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp sang công nghiệp dịch vụ (ít sử dụng nước) để hạn chế việc mất rừng. Những vấn đề, giải pháp này đã được tỉnh bàn đến khi lập chủ trương đầu tư dự án này chưa?
Trả lời câu hỏi này, đơn vị tư vấn dự án cho rằng công trình thủy lợi xây dựng phụ thuộc vào khả năng chứa, nguồn nước, lưu vực. Trong đó, lưu vực phải đảm bảo mới xây dựng được hồ.
"Nếu cải tạo hồ mà khả năng sinh thủy không đảm bảo thì thua. Cải tạo hồ còn phải nâng cấp đập tràn, rất khó làm, không an toàn. Muốn kết nối các hồ còn phụ thuộc địa hình, không thể kết nối các hồ từ thấp lên cao.
Hồ Ka Pét được xây dựng sẽ kết nối với các hồ khác, nằm trên cao nhất nên bổ trợ các hồ phía dưới để nâng cao hiệu quả dự án. Chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng. Ban đầu xác định được 2 vị trí có thể xây dựng.
Vị trí đầu tiên có hạn chế là gây ngập tuyến đường độc đạo về trung tâm xã Mỹ Thạnh và ngập trên diện tích lớn hơn. Vì vậy, sau khi so sánh kỹ lưỡng, vị trí thứ 2 (hiện tại) là phù hợp nhất, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu. Khi xác định được vị trí, đơn vị tư vấn cho rằng qua các kịch bản gồm chi phí xây dựng, diện tích tưới thì phương án dung tích chứa 51 triệu m3 là tối ưu".
Về câu hỏi vì sao không làm hồ nhân tạo mà phải là hồ tự nhiên, ông Lê Hữu Phước - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho rằng không chỉ trong nước mà cả thế giới thì hồ tự nhiên là tối ưu. Làm hồ nhân tạo phải móc đất rất lớn, giải quyết vấn đề môi trường còn lớn hơn. Trong nước chưa có hồ nhân tạo nào làm quy mô lớn cả, ví dụ ở miền Tây có vài hồ nhân tạo rất nhỏ đã đầu tư tốn kém. Vì vậy chỉ có hồ tự nhiên mới khả thi.
Sẽ làm việc với tư vấn về việc có tiếp tục lập ĐTM
Tại buổi họp báo, một số phóng viên hỏi về năng lực của đơn vị tư vấn lập báo cáo tác động môi trường (ĐTM) dự án hồ chứa nước Ka Pét. Trao đổi lại, đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết việc lựa chọn đơn vị tư vấn lập ĐTM cho dự án được thực hiện từ năm 2018 theo hình thức đấu thầu rộng rãi.
Thời điểm đó có 4 nhà thầu nộp hồ sơ, nhưng thời điểm mở thầu có 3 nhà thầu dự. Theo đánh giá, đơn vị tư vấn được chọn đảm bảo các điều kiện về năng lực mời thầu. Hiện dự án đang làm giai đoạn điều chỉnh báo cáo ĐTM để trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định.
Phóng viên báo Tuổi Trẻ tiếp tục đặt vấn đề có hay không việc Công ty TNHH Mỏ địa chất Miền Nam (trụ sở tại TP.HCM), đơn vị tư vấn lập ĐTM dự án hồ chứa nước Ka Pét, đang thanh lý hợp đồng tư vấn dự án?
Trao đổi lại, vị này cho hay để hoàn thiện ĐTM dự án theo quy định tại nghị định 08 năm 2022, phải có đánh giá lại về sự cố đập và đa dạng sinh học. Việc này đòi hỏi đơn vị thực hiện ĐTM phải thuê thêm các đơn vị tư vấn để thực hiện các nội dung.
"Qua thông tin của báo Tuổi Trẻ, chúng tôi sẽ sớm làm việc với đơn vị tư vấn để thống nhất. Nếu đơn vị này không đủ năng lực thì làm thủ tục kết thúc hợp đồng, chúng tôi cũng sẵn sàng lựa chọn đơn vị khác đáp ứng yêu cầu dự án", vị này nói.
Kết thúc buổi họp báo, khi được hỏi việc hy sinh hơn 600ha rừng để làm hồ chứa nước có xứng với lợi ích dự án mang lại, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hồng Hải cho biết: "Đầu buổi Bí thư Dương Văn An cũng đã nói rất rõ".
Ông Hải xin dẫn một đoạn trong báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét (tháng 11-2019) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo đó, khi có ý kiến đề nghị đánh giá hiệu quả mang lại cua dự án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu dự án là công trình thủy lợi đa mục tiêu, được xây dựng trên địa bàn thường xuyên bị khô hạn sẽ góp phần giải quyết thêm 30% nhu cầu nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và cấp nước thô sinh hoạt cho trên 120.000 người dân và khu công nghiệp.
Qua phân tích đánh giá, hiệu quả kinh tế, xã hội và tác động môi trường của dự án thì hiệu quả mang lại rất lớn.
Buổi họp báo kết thúc lúc 17h.
Dự án hồ chứa nước Ka Pét
Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, dự án hồ chứa nước Ka Pét được Quốc hội quyết định và điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư ngày 24-6-2023.
Quy mô gồm hồ điều tiết dung tích toàn bộ 51,21 triệu m3 cùng hệ thống kênh và các công trình phụ trợ khác.
Tổng mức đầu tư và nguồn vốn của dự án là 874,089 tỉ đồng, gồm ngân sách trung ương là 519,927 tỉ đồng và ngân sách địa phương 354,162 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2019 đến hết năm 2025.
Khi dự án hoàn thành sẽ cấp nước tưới cho khoảng 7.762ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam, cấp nước thô cho khu công nghiệp Hàm Kiệm II khoảng 2,63 triệu m3/năm, tạo nguồn nước thô để cấp cho sinh hoạt khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và TP Phan Thiết.
Mục tiêu của dự án còn phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực huyện Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận, tăng dòng chảy trong mùa khô, góp phần cải thiện môi trường sinh thái vùng hạ du, nhất là đoạn qua TP Phan Thiết.
Tổng diện tích đất dự án là 697,73ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp là 679,72ha (đất có rừng là 619,58ha, gồm: rừng đặc dụng 137,95ha; rừng phòng hộ 0,51ha; rừng sản xuất 440,4ha, đất nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 40,72ha và đất không có rừng 60,14ha); diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 18,01ha.
Việc dư luận đặc biệt quan tâm nhất hiện nay là vì sao địa phương lại chọn phương án xây hồ chứa nước trên đất rừng mà không phải nơi khác. Việc chuyển đổi mục đích rừng này sẽ tác động tiêu cực ra sao. Việc trồng rừng thay thế sẽ tiến hành và đảm bảo thế nào?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận