11/03/2008 09:12 GMT+7

Bị thiêu sống - Kỳ 9: Hy vọng lớn nhất

SOUAD (NGUYỄN MINH HOÀNG dịch)
SOUAD (NGUYỄN MINH HOÀNG dịch)

TT - "Mẹ lên nói trên đài phát thanh, hay quá!". Phản ứng của Laetitia vừa làm tôi yên tâm vừa khiến tôi lo lắng. Đó là lần đầu tiên tôi nói chuyện trước một lượng khán giả đông đảo như vậy. Sau khi nghe buổi phát sóng, Laetitia phản ứng dữ dội: "Bây giờ mẹ mặc ngay quần áo và lấy vali đi. Chúng ta ra sân bay và đến làng của mẹ. Chúng ta sẽ lấy diêm và sẽ thiêu họ như họ từng làm với mẹ”.

747qgHe8.jpgPhóng to

Ở Cisjordanie, phụ nữ đang tranh đấu để có một đạo luật không phải là đạo luật của đàn ông

Nghe đọc nội dung toàn bài:

Kỳ 1: Hỏa hình Kỳ 2: Vì tôi là con gái Kỳ 3: Điều bí mật Kỳ 4: Bản án tử hình Kỳ 5: Chết và sống Kỳ 6: Phía sau ngọn lửa Kỳ 7: Xây dựng một ngôi nhà Kỳ 8: Nhân chứng sống

Trả thù trong mơ

Laetitia đã được một bác sĩ tâm lý điều trị trong vòng sáu tháng, nhưng một hôm nó nói với tôi: "Mẹ biết không, chính mẹ mới là vị bác sĩ tâm lý của con. Con rất may mắn được nói mọi điều với mẹ, từ A đến Z. Mẹ đã trả lời tất cả những câu hỏi của con. Vậy nên con không còn muốn đến ngôi làng ấy nữa". Bản thân tôi cũng đã có lúc mơ đến một vụ trả thù không thể có. Tôi thấy mình trở về làng, được che giấu và được bảo vệ cho đến khi gặp được em trai tôi. Chẳng khác nào một thước phim đang quay trong đầu tôi. Tôi đi đến trước nhà nó và tôi nói:

- Assad, em còn nhớ chị chứ? Em thấy đấy, chị vẫn còn sống! Hãy nhìn kỹ những vết sẹo của chị. Đó là do anh rể Hussein đã thiêu sống chị, nhưng chị vẫn còn sống!

- Em còn nhớ em gái Hanan của chị không? Em đã làm gì với nó? Em đã ném nó cho chó xé xác phải không? Còn vợ của em? Cô ấy vẫn khỏe chứ? Tại sao chị lại bị thiêu sống đúng vào ngày cô ấy sinh con trai. Hồi đó chị đang có thai, có cần phải thiêu sống cả đứa con trai của chị không? Hãy nói cho chị biết tại sao em không làm gì để giúp chị, chính em, em là đứa em trai duy nhất máu mủ của chị kia mà!

- Giới thiệu với em Marouan, con trai chị! Nó ra đời sớm hơn dự tính hai tháng tại bệnh viện thành phố, nhưng nó cao to, đẹp trai và rất khỏe! Em nhìn nó mà xem!

- Còn Hussein? Anh ta đã già hay chết rồi? Chị mong anh ta còn sống nhưng mù lòa hay bại liệt để thấy chị vẫn còn sống và đứng trước mặt anh ta! Chị hi vọng ngày trước chị đau đớn bao nhiêu thì bây giờ anh ta cũng phải đau đớn bấy nhiêu!

- Còn cha và mẹ thì thế nào? Cả hai đã chết rồi ư? Em hãy nói cho chị biết họ được chôn ở đâu để chị đến nguyền rủa trước nấm mồ của họ!...

Tôi thường mơ giấc mơ báo thù đó. Nó khiến tôi trở nên độc ác như họ. Tôi có ý định giết người như họ! Tất cả bọn họ đều tưởng tôi đã chết nên tôi rất muốn họ nhìn thấy tôi còn sống!

Tôi nói với Marouan quyết định đưa câu chuyện của chúng tôi vào một quyển sách. "Như thế sẽ giống như một tập ảnh lưu niệm của gia đình, và là một lời chứng về tội ác bảo toàn danh dự" - tôi nói.

- Một ngày nào đó con sẽ về đó.

- Về để tìm gì hả con? Trả thù? Đổ máu? Con được sinh ra ở đấy, nhưng con không hiểu những người đàn ông ở đấy. Chính mẹ cũng mơ ước được trở về, chính mẹ cũng căm thù. Mẹ cho rằng sẽ được nhẹ lòng nếu được cùng con trở về ngôi làng đó và nói to: "Mọi người hãy nhìn đây. Nó là Marouan, con trai của tôi! Chúng tôi bị thiêu sống, nhưng chúng tôi không chết! Hãy nhìn xem nó đẹp trai, khỏe mạnh và thông minh ra sao!".

- Con chỉ muốn gặp lại bố con! Con muốn biết tại sao ông ấy lại bỏ rơi mẹ, trong khi ông ấy biết những gì sẽ xảy đến với mẹ.

- Có lẽ thế. Nhưng con sẽ hiểu rõ hơn khi mẹ kể lại trong một quyển sách. Mẹ sẽ kể tất cả những gì con chưa biết, tất cả những gì người khác chưa biết. Vì có rất ít người được sống sót, và trong số đó, nhiều phụ nữ đang phải trốn tránh và còn phải trốn tránh lâu hơn nữa. Họ đã sống trong sợ hãi và vẫn đang phải sống trong sợ hãi. Mẹ có thể làm chứng cho họ.

- Mẹ có sợ không?

- Một chút con à.

Không thể thù ghét quê hương

Tôi sợ rằng trong tương lai, chuyện của tôi sẽ đè nặng lên các con. Chúng sợ cho tôi và tôi cũng sợ cho chúng. Tôi đợi đến lúc chúng đủ chín chắn để hiểu tất cả những gì mà tôi chưa nói: quãng đời trước đây của tôi với đầy đủ chi tiết, người đàn ông mà tôi muốn lấy làm chồng, cha của Marouan. Tôi rất sợ phải tiết lộ những điều này, sợ hơn tất cả những lần ra làm chứng mà mọi người có thể đòi hỏi ở tôi. Tôi phải giúp chúng để chúng không thù ghét đất nước mà tôi đã sinh ra, và đó cũng là một nửa quê hương của chúng.

Chúng hoàn toàn không biết về những chuyện đã xảy ra ở đó. Làm thế nào để ngăn chúng không thù ghét con người ở đó? Đất nước đó rất đẹp. Ở Cisjordanie, phụ nữ đang tranh đấu để có một đạo luật không phải là đạo luật của đàn ông. Nhưng đàn ông mới là những người biểu quyết các đạo luật.

Tôi sợ các con tôi, đặc biệt là Marouan, phải sống với một mong muốn báo thù. Sợ thói hung bạo, vốn được truyền từ thế hệ đàn ông này sang thế hệ đàn ông khác, sẽ để lại dấu vết, dù rất nhỏ, trong tâm trí nó. Nó cũng phải xây một ngôi nhà, bằng từng viên gạch một. Một cuốn sách sẽ rất có ý nghĩa trong việc xây một ngôi nhà.

Tôi đã nhận được bức thư của con trai viết bằng nét chữ tròn trịa rất đẹp. Bức thư lại một lần nữa làm tôi khóc. "Mẹ. Sau cả quãng thời gian dài sống cô đơn, không có mẹ ở bên, cuối cùng được gặp lại mẹ. Và mặc dù có bao chuyện đã xảy ra, nhưng được gặp lại mẹ, con cảm thấy có thêm hi vọng về một cuộc đời mới. Con nghĩ đến mẹ, nghĩ đến lòng can đảm của mẹ. Cảm ơn mẹ đã cho chúng con quyển sách ấy. Nó tiếp thêm can đảm cho con trong cuộc đời. Con yêu mẹ, mẹ ạ.

Con của mẹ, Marouan".

Tôi hy vọng quyển sách này sẽ đến mọi miền thế giới, nó sẽ đến tận Cisjordanie và những người đàn ông ở đó sẽ không đốt bỏ cuốn sách này.

Cảm ơn.

Souad

Một nơi nào đó ở châu Âu.

Sau khi đọc loạt bài "bị thiêu sống", với một cảm giác đi từ sự hoảng sợ này đến hoảng sợ khác, nhưng tôi vẫn muốn xem kết cục của cuộc đời cô ấy thế nào? Thật tuyệt vời, tôi như thấy phép lạ đến với cô ấy, cầu mong Antonio mang lại hạnh phúc cho cô ấy trong suốt quãng đời còn lại. Một người phụ nữ can đảm và may mắn. Tuy nhiên tôi còn học được ở cô ấy cách yêu và dạy con như thế nào, để chúng trở thành con người thật sự, sống với tình yêu thương và lòng nhân ái. Cảm ơn báo Tuổi trẻ đã đăng bài, để trong mỗi chúng ta được nhìn ngắm lại lòng yêu thương và nhân ái trong mỗi người.

Tôi là 1 người đang mất hết niềm tin vào cuộc sống sau 1 vấp ngã mà tôi cho nó là lớn lao (đối với mọi người nó là chuyện bình thường), sau khi theo dõi loạt bài " Bị thiêu sống", tôi dần lấy lại niềm tin, nghị lực để bước tiếp trên con đường tương lai của chính mình. Tôi ngưỡng mộ cô ấy, so với nỗi đau của cô ấy, nỗi đau của tôi có là gì..., và tôi tự mình đứng lên. Cám ơn Quý báo đã đăng loạt bài này đễ cứu sống tôi. Chúc cho Tuổi Trẻ ngày càng đi xa hơn, phát triển hơn, không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới, đến nơi nào có người Việt Nam sinh sống...Xin cảm ơn!

Tôi vốn là đứa vô cảm, những chuyện xảy ra trên những đất nước khác vốn không tác động nhiều đến tâm hồn tôi. Nhưng loạt bài về người phụ nữ bị thiêu sống và những bi kịch đã diễn ra trong cuộc đời chị, cũng như đang diễn ra xung quanh cuộc đời những người phụ nữ khác trên đất nước chị, làm tôi thực sự rung cảm. Cảm động nhất với tôi vẫn là sự đồng cảm của cậu con trai dành cho bà mẹ. Cầu mong sao trên thế giới này nhiều hơn những sự quan tâm, chia sẻ. Cầu mong sẽ không còn bất cứ người phụ nữ nào chịu nỗi đau giống chị.

Ngay từ kỳ ra mắt đầu tiên trong loạt phóng sự về Hồi ức của Souad, tôi đã cảm thấy bị lôi cuốn vào cuộc đời tưởng chừng như bất hạnh và khắc nghiệt của cô ấy. Tiêu đề bài phóng sự "Bị thiêu sống" khiến tôi có 1 cảm giác khác thường về cuộc đời của người phụ nữ này. Thật đơn giản khi nói lên cụm từ "Bị thiêu sống" nhưng đó là cả một quá khứ đau đớn về thể xác lẫn tinh thần.

Từng ngày, tôi đợi chờ đón đọc kỳ tiếp theo chỉ muốn biết những kẻ sát nhân hiện nay sống như thế nào. Nhưng khi đọc xong kỳ cuối, tôi vẫn chưa thấy đựơc câu trả lời. Tôi cũng muốn biết thêm về sức ảnh hưởng từ quyển sách của cô đến người dân tại nơi cô ở cũng như toàn thế giới. Nếu có thể xin toà soạn hãy đăng thêm 1 vài tin tức về Souad.

Khi bắt đầu đọc kỳ 1 của loạt bài Bị Thiêu Sống, tôi đã sốc. Tuy vẫn biết ở nhiều nơi trên thế giới, phụ nữ phải chịu nhiều hủ tục lạc hậu, bất công và đã từng biết đến có nhiều phụ nữ bị thiêu sống ở các nước vùng Trung Đông, nhưng khi đọc loạt bài với lời kể của nhân chứng sống Souad, tôi thật sự ghê sợ. Khi thấy Souad ngạc nhiên như thế nào khi bắt gặp những người phụ nữ Tây phương trò chuyện với đàn ông mà không bị gì thì quả thật không thể tin nổi.

Cuối cùng tôi đã cảm thấy an lòng khi kết thúc có hậu, Souad đã vượt qua chấn thương tâm lý và có thể dũng cảm lên tiếng trước mọi người về những thân phận tương tự mình. Souad đã dạy con đừng hận thù quê hương của mẹ, nơi mà cô bị xem còn thua con dê ngoài đồng. Tôi rất cảm kích nghị lực, lòng dũng cảm, lòng nhân ái của Souad và cảm thấy mình rất may mắn khi sống ở đất nước này, được học hành và có cơ hội vươn xa. Cám ơn Tuổi Trẻ đã mang đến loạt bài này.

Số tới, khởi đăng loạt phóng sự:

Khám phá Phong Nha - Kẻ Bàng

Với nhiều người, Phong Nha - Kẻ Bàng chỉ đơn thuần là hang động nước tuyệt đẹp với hệ thống thạch nhũ hoành tráng, ấn tượng. Nhưng đó chỉ là một phần rất nhỏ trong khu rừng thần tiên với hết bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Một chuyến đi thú vị khám phá vùng đất thiên đường với những cung điện, thánh đường hoành tráng nằm ẩn mình trong bóng tối hàng trăm triệu năm.

SOUAD (NGUYỄN MINH HOÀNG dịch)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên