27/02/2016 17:13 GMT+7

Bị tấn công, đánh chết người, phạm tội gì?

GIA MINH ghi
GIA MINH ghi

TTO - Bị lấy mất con gà cúng, chủ nhà đuổi theo xô ngã đối tượng. Chủ nhà sau đó bị đối tượng và đồng phạm cầm dao đuổi đến tận nhà tấn công nên cầm gậy chống trả làm chết đối tượng.

Vụ anh Lê Hoàng Thanh đánh chết Lê Hoàng Thế Ngọc sau khi bị Ngọc cùng đồng phạm dùng dao xông vào nhà tấn công khiến nhiều bạn đọc thắc mắc, liệu anh Thanh sẽ bị xử lý như thế nào.

Vụ việc xảy ra tối 23-2, khi anh Lê Hoàng Thanh (36 tuổi, ngụ P.Trảng Dài, TP Biên Hòa) bày mâm cúng trước sân nhà.

Trên mâm cúng có một con gà luộc. Ngay khi Thanh cúng xong, Ngọc cùng ba thanh niên chạy vào lấy con gà luộc.

Thấy vậy, Thanh đuổi theo xô ngã Ngọc. Thấy Ngọc bị đánh, ba thanh niên đi cùng quay lại đuổi đánh Thanh.

Khi Thanh chạy vào nhà, nhóm của Ngọc cầm dao quay lại, xông vào đòi đánh. Thanh dùng một cây tre đánh lại cả nhóm khiến Ngọc gục ngã tại chỗ, ba thanh niên còn lại bỏ chạy. Ngọc được người dân đưa đi cấp cứu nhưng không qua cơn nguy kịch và tử vong tại bệnh viện.

Lê Hoàng Thanh sau đó đã bị cơ quan công an tạm giữ, phục vụ điều tra. 

Trong trường hợp này Thanh đã phạm tội gì và sẽ bị xử như thế nào?

Phòng vệ chính đáng?

Luật sư Võ Xuân Trung, đoàn luật sư TP.HCM cho rằng hành vi của người vào nhà riêng của anh Thanh, lấy con gà cúng trước sự chứng kiến của anh Thanh là hành vi cướp giật tài sản, chiếm đoạt tức thời tài sản trước sự chứng kiến của nạn nhân.

Việc anh Thanh đuổi đánh, xô ngã đối tượng cướp giật tài sản là hành vi phòng vệ chính đáng nhằm bảo vệ tài sản của mình ngay khi tài sản bị chiếm đoạt.

Theo quy định thì quyền phòng vệ chính đáng phải tương xứng với khả năng nguy hiểm do đối tượng tấn công gây ra. Trở lại tình tiết như bản tin miêu tả thì nhóm thanh niên sử dụng dao tấn công vào tận nhà riêng - nơi được Hiến pháp quy định là bất khả xâm phạm.

Ba đối tượng là thanh niên, có hung khí nguy hiểm, tấn công vào nhà riêng của nạn nhân thì quyền phòng vệ chính đáng, tương xứng của nạn nhân cũng là dùng dao để chống trả.

Ở đây, bản tin tường thuật anh Thanh chỉ dùng cây để đánh trả ba thanh niên, có thể hiểu rằng cây thì khả năng sát thương thấp hơn so với dao - vật sắc, nhọn, có khả năng gây sát thương cao hơn hẳn.

Một mình anh Thanh - nạn nhân của vụ cướp giật tài sản, sử dụng vật có ít khả năng sát thương hơn so với một nhóm đối tượng tấn công mình là trong phạm vi phòng vệ chính đáng của bản thân theo luật định.

Đây chỉ là ý kiến cá nhân, dựa trên thông tin được tường thuật qua bản tin để phân tích. Còn trên thực tế, cần phải xem xét từng tình tiết, diễn biến thực tế và lời khai của những người có liên quan như thế nào để có thể đánh giá toàn diện, đầy đủ và khách quan theo đúng bản chất vụ việc.

Luật cần quy định cụ thể

Thông qua vụ việc này, trở lại với thực tiễn cuộc sống, tôi có một số ý kiến trao đổi về những vấn đề có liên quan.

Quy định về quyền bất khả xâm phạm nơi ở đã được Hiến pháp quy định, tuy nhiên chưa được cụ thể hóa bằng bất cứ điều luật nào khác, do đó chưa có chế tài cho hành vi xâm phạm gia cư bất hợp pháp.

Đây là một kẽ hở pháp luật khiến nhiều trường hợp kẻ trộm, người xấu đột nhập nhà riêng chưa thực hiện trọn vẹn ý đồ không bị xử lý hình sự. 

Về lý thuyết thì dù chưa hoàn tất tội phạm vẫn bị xử lý hình sự, nhưng thực tế, nếu đối tượng phạm tội trộm cắp tài sản, nếu chưa chiếm đoạt tài sản có giá trị 2 triệu đồng trở lên, có thể không bị xử lý hình sự.

Điều này khiến người bị kẻ xấu đột nhập là người có quyền phòng vệ, nhưng thực tế lại có thể bị xử lý hình sự nếu tấn công kẻ đột nhập một cách không tương xứng. Mà, trong khoảnh khắc tức thời, không ai có thể xác định được thế nào là mức độ tương xứng khi tấn công kẻ đột nhập vào nhà mình.

Cũng với trường hợp này, ở hầu hết các quốc gia đều quy định quyền phòng vệ không giới hạn đối với chủ nhà khi bị kẻ xấu đột nhập. Thậm chí Luật của họ quy định chủ nhà có thể giết chết kẻ đột nhập nếu cảm thấy bị đe doạ chứ không có nghĩa vụ phải chứng minh mức độ nguy hiểm như thế nào là tương xứng với hành động tự vệ của mình.

Vụ bắt trộm tại một tỉnh miền Tây, gia đình bị hại bắt, trói kẻ trộm đột nhập vào nhà riêng để chờ bàn giao cho cơ quan chức năng lại bị xử lý về hành vi bắt giữ người trái pháp luật là những hồi chuông cảnh báo cho các quy định không phù hợp với thực tiễn.

Các nhà làm luật cần nghiên cứu lại các quy định có liên quan để đảm bảo sự công bằng xã hội. Pháp luật phải bảo vệ các quyền cơ bản của con người một cách cụ thể, rõ ràng và ưu tiên cho quyền đó chứ không thể quy định một cách mơ hồ, gây khó cho bên có quyền để họ phân vân khi bảo vệ chính mình.

Điều này hết sức nguy hiểm cho xã hội, bởi khi bảo vệ chính mình còn có khả năng bị pháp luật trừng trị vì vượt quá giới hạn thì khi xảy ra tình huống bị đe dọa, họ phải phân vân về mức độ phản ứng lại, dẫn tới khả năng nguy hiểm cho tính mạng của mình.

GIA MINH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên