24/05/2012 13:52 GMT+7

Bị "quên" 32 tháng làm việc, làm sao?

Luật sư TRỊNH VĂN HIỆPVăn phòng luật sư Gia Thành
Luật sư TRỊNH VĂN HIỆPVăn phòng luật sư Gia Thành

TTO - * Tôi làm tài xế cho Sở A, tỉnh B theo hợp đồng 68. Do quá trình tách sở, nhập sở, cán bộ phụ trách lương sơ suất quên tổng cộng là 32 tháng làm việc của tôi (tính từ ngày tăng lương lần trước đến thời điểm tăng lương lần sau 56 tháng).

Xin hỏi hiện nay có văn bản nào giải quyết trường hợp của tôi không. Cảm ơn!

(Ngô Võ Thanh Loan)

- Theo điểm c mục 1.1 Phần II Thông tư số 03/2005/TT-BNV, ngày 5-1-2005 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức: cán bộ, công chức, viên chức nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch công chức, viên chức loại B và loại C của bảng 2, bảng 3 và ngạch nhân viên thừa hành, phục vụ xếp lương theo bảng 4 quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14-12-2004 của Chính phủ thì sau 2 năm (đủ 24 tháng) giữ bậc lương trong ngạch được xét nâng lên một bậc lương.

Mục 2 Phần II Thông tư số 03/2005/TT-BNV quy định về tiêu chuẩn nâng bậc lương thường xuyên như sau:

Cán bộ, công chức, viên chức có đủ điều kiện thời gian giữ bậc trong ngạch hoặc trong chức danh quy định tại điểm 1.1 mục II Thông tư số 03/2005/TT-BNV và qua đánh giá đạt đủ 2 (hai) tiêu chuẩn sau đây trong suốt thời gian giữ bậc lương cũ thì được nâng một bậc lương thường xuyên:

2.1. Hoàn thành nhiệm vụ được giao hằng năm theo quy định của cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ, công chức, viên chức.

2.2. Không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức hoặc không bị bãi nhiệm trong thời gian giữ chức vụ bầu cử.

Mục 1.2 Phần II Thông tư số 03/2005/TT-BNV cũng quy định: Trường hợp ngày ký quyết định nâng bậc lương trước thời hạn sau thời điểm được tính hưởng bậc lương mới thì cán bộ, công chức, viên chức được truy lĩnh tiền lương và truy nộp bảo hiểm xã hội phần chênh lệch tiền lương tăng thêm giữa bậc lương mới so với bậc lương cũ.

Căn cứ theo các quy định trên, nếu bạn hội đủ điều kiện thời gian giữ bậc trong ngạch (đủ 24 tháng) và đủ tiêu chuẩn như nêu trên thì bạn được nâng một bậc lương thường xuyên.

Theo bạn trình bày, tính từ ngày bạn được nâng bậc lương lần trước đến thời điểm bạn được nâng bậc lương lần sau là 56 tháng (quá 32 tháng theo quy định), thì hiện nay chưa có văn bản pháp luật quy định về việc được truy lĩnh tiền lương và truy nộp bảo hiểm xã hội phần chênh lệch tiền lương tăng thêm giữa bậc lương mới so với bậc lương cũ với lý do là do sơ suất về tính thời gian giữ bậc trong ngạch.

Tuy nhiên theo quy định tại mục 1.2 Phần II Thông tư số 03/2005/TT-BNV, trường hợp cán bộ, công chức, viên chức được nâng bậc lương trước thời hạn; mà ngày ký quyết định nâng bậc lương trước thời hạn sau thời điểm được tính hưởng bậc lương mới thì được truy lĩnh tiền lương và truy nộp bảo hiểm xã hội phần chênh lệch tiền lương tăng thêm giữa bậc lương mới so với bậc lương cũ.

Ví dụ ông Nguyễn Văn A, chuyên viên đã xếp bậc 3 hệ số lương 3,00 từ ngày 1-4-2002, trong năm 2004 lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ, đến ngày 1-2-2005 được cấp có thẩm quyền quyết định nâng bậc lương trước thời hạn 9 tháng (nâng lên bậc 4 hệ số lương 3,33), thì thời điểm ông A được hưởng bậc lương mới (bậc 4) được tính kể từ ngày 1-7-2004 (thời điểm còn thiếu 9 tháng để nâng bậc lương thường xuyên).

Do ông A được quyết định nâng bậc lương trước thời hạn vào ngày 1-2-2005 (sau ngày 1-7-2004 là thời điểm được tính hưởng bậc lương mới) nên ông A được truy lĩnh tiền lương và truy nộp bảo hiểm xã hội phần chênh lệch hệ số lương giữa bậc 4 so với bậc 3 là 0,33 (3,33 - 3,00) từ tháng 7-2004 đến hết tháng 1-2005); thời gian nâng bậc lương lần sau của ông A được tính kể từ ngày 1-7-2004 (ví dụ được nêu tại mục 1.2 Phần II Thông tư số 03/2005/TT-BNV đã được sủa đổi bổ sung theo Thông tư số 33/2003/TT-BNV, ngày 10-8-2005 của Bộ Nội vụ).

Vậy đối với trường hợp của bạn, theo quan điểm riêng của chúng tôi, bạn cần làm đơn yêu cầu Thủ trưởng cơ quan nơi bạn đang công tác căn cứ quy định tại mục 1.2 Phần II Thông tư số 03/2003/TT-BNV để giải quyết tương tự cho trường hợp của bạn được truy lĩnh tiền lương và truy nộp bảo hiểm xã hội phần chênh lệch tiền lương tăng thêm giữa bậc lương mới so với bậc lương cũ, với lý do do bị sơ suất về tính thời gian giữ bậc trong ngạch để xét nâng bậc lương như bạn nêu trên, và xác định lại thời gian bạn được nâng bậc lương lần sau theo đúng quy định tại điểm c mục 1.1 Phần II Thông tư số 03/2003/TT-BNV và ví dụ nêu trên.

Luật sư TRỊNH VĂN HIỆPVăn phòng luật sư Gia Thành
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên