12/08/2007 16:30 GMT+7

"Bí mật vườn Lệ Chi" - một vở kịch đáng có nhiều người xem

LÊ NGUYỄN THANH THANH
LÊ NGUYỄN THANH THANH

TTO - “Con thú có thể cắn chết con người nhưng vẫn là con thú. Con người mang lẽ phải có thể bị giết vì lẽ phải; nhưng bảo vệ lẽ phải mãi mãi vẫn là thiên chức con người”.

D5PoeldY.jpgPhóng to
Hữu Châu trong vai Ức Trai Nguyễn Trãi

Câu nói khí phách này đã xuyên suốt toàn bộ vở kịch “Bí mật vườn Lệ Chi” mà tôi đã được xem.

Bí mật vườn Lệ Chi-cái đẹp thấm đẫm và ngân dài...

Thảm án Lệ Chi Viên là một sự kiện lịch sử được tái hiện lại một cách chân thật nhằm minh oan cho Lễ Nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ. Vở kịch thật đẹp, đẹp từ cách tái hiện sân khấu, từ trang phục, từ cách trân trọng khán giả của các diễn viên, đến nội dung mang đậm tính chất văn học.

Trong đó Thành Lộc, đạo diễn sân khấu, một diễn viên tài hoa, đã tạo ra một tác phẩm có giá trị cho xã hội. Với vai “Tạ Thanh”, một nội quan âm mưu hiểm độc, luôn tìm cách hãm hại Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, ánh mắt của Thành Lộc khi diễn rất xuất thần, anh hóa thân vào nhân vật bằng cả một tấm lòng nhiệt huyết nghệ thuật. Anh đã khiến được khán giả căm ghét, phẫn nộ trước những hành động, lời nói của một Tạ Thanh gian ác.

Nhân vật quan trọng, tạo nên tính nhân văn, nhân đạo của vở kịch nữa là Hữu Châu trong vai anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Tôi đã xem rất nhiều vở kịch với nhiều vai của Hữu Châu, từ nhân vật ông Hai Cơ trong Bầu rượu càn khôn, đến vai Kiến Con trong kịch Dế mèn Phiêu lưu ký. Dường như Hữu Châu rất hợp với những vai ông già trên sân khấu kịch. Thế nhưng lần này, Hữu Châu lại hóa thân vào Ức Trai, Nguyễn Trãi.

Có lẽ Hữu Châu xuất thân từ một gia đình có truyền thống tuồng cổ nên từng cử chỉ, hành động của anh đều mang dáng dấp đó, hình tượng Nguyễn Trãi được tái hiện lại một cách đậm nét, Nguyễn Trãi không sợ cái ác, không sợ cường quyền, dám đứng trước Thái hậu với một phong thái khoan thai. Ông đã đưa ra những lý lẽ về sự mất và còn của đất nước, thẳng thắn vạch tội bọn hoạn quan và những âm mưu lật đổ và ám sát nhà vua. Lời nói của ông sang sảng, như là một bản án đanh thép, đánh sâu vào nội tâm của Thái hậu. Đó là về công việc quốc gia, phụng sự triều đình.

Trở về vị trí một người chồng, một người cha trong gia đình thì Nguyễn Trãi là người thủy chung, son sắt. Ông đau đớn trước đòn roi tra khảo của bọn hoạn quan đối với vợ Nguyễn Thị Lộ. Hình ảnh ước lệ trong vở kịch là Nguyễn Trãi ngồi chải tóc Nguyễn Thị Lộ trước khi mang án tử hình... thật lãng mạn và đậm đà tình yêu thương.

Chỉ còn vài tiếng đồng hồ trước khi đưa ra pháp trường, ông tha thiết kêu lên giữa đêm khuya tĩnh mịch: “Thị Lộ nàng ơi! Mười lăm năm thuận hòa cầm sắc. Một đóa phong lan bên gốc tùng già…”. Tiếng đàn, tiếng thơ của Nguyễn Trãi đã vang vọng nơi nơi. Thái hậu Nguyễn Thị Anh đã nghe thấy và bà xao động giữa lương tâm và tội ác. Dù có độc ác đến đâu, chúng ta vẫn thấy được trong góc sâu tâm hồn của bà, tình mẫu tử cao cả. Diễn viên Thanh Thủy, đã diễn rất hay trong cảnh Thái hậu độc thoại với lương tâm mình. Khán giả cũng xót thương cho bà, vì quá tin theo lời xúi giục của bọn hoạn quan.

Vở kịch khép lại, nhưng đã để lại cho người xem những cảm xúc khó tả. Thiết nghĩ, vở kịch như thế này thì không nên hạn chế trong một khán phòng nhỏ IDECAF, chỉ khoảng vài trăm người xem. Giá như vở kịch có thể được diễn trên một sân khấu quy mô hơn, để mọi người, ai cũng có thể thưởng thức được tác phẩm nghệ thuật này thì hay biết mấy, đó cũng là hình thức để "dân ta phải biết sử ta".

LÊ NGUYỄN THANH THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên