28/01/2008 07:01 GMT+7

Bí mật trong căn hầm tối

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Những huyền thoại về Tết Mậu Thân cách nay 40 năm dường như rất dễ tìm gặp trong các ngõ hẻm Sài Gòn. Ngày ấy, giữa lòng địch, nhưng các con hẻm ở quận 3 đỏ cờ giải phóng. Mỗi má, mỗi chị ở các khu chợ đều trở thành một cơ sở cách mạng. Căn nhà nhỏ trong hẻm ve chai 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 cũng thế, nhưng ở đây còn có một huyền thoại khác.

Những câu chuyện Tết Mậu Thân 1968

2ynjwYqA.jpgPhóng to

Ông Năm Lai xuống kiểm tra hầm vũ khí tại nhà số 287/70 Võ Văn Tần (tức Trần Quí Cáp cũ) sau ngày giải phóng - Ảnh tư liệu gia đình

TT - Những huyền thoại về Tết Mậu Thân cách nay 40 năm dường như rất dễ tìm gặp trong các ngõ hẻm Sài Gòn. Ngày ấy, giữa lòng địch, nhưng các con hẻm ở quận 3 đỏ cờ giải phóng. Mỗi má, mỗi chị ở các khu chợ đều trở thành một cơ sở cách mạng. Căn nhà nhỏ trong hẻm ve chai 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 cũng thế, nhưng ở đây còn có một huyền thoại khác.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Kỳ 1: Tiếng gọi Tết Quang Trung

Từ cánh cửa sắt

Ai đến căn nhà nay đã trở thành di tích này cũng bắt đầu bằng việc săm soi cánh cửa sắt cũ kỹ. Những lá sắt lỗ chỗ vết đạn, đạn xuyên dày chỗ ổ khóa. Ngày phát hiện căn nhà nhỏ xíu trong xóm lao động lại chính là điểm tập kết vũ khí, lực lượng của chiến dịch Mậu Thân 1968, cả tiểu đội lính Sài Gòn lăm lăm súng kéo đến, hoang mang nhả đạn. Trên trời, chiếc trực thăng cũng lom lom súng, bối rối lượn vòng. Họ chỉ gặp một cánh cửa sắt.

Cuốn Việc từng ngày 1968 của tủ sách Tiến Bộ tại Sài Gòn năm 1968 ghi:

"31-1-1968: Đêm mồng một tết, VC pháo kích, đột nhập, tấn công vào đô thành Sài Gòn...

Dinh Độc Lập: một toán VC đột nhập cổng Nguyễn Du. Sau giao tranh, bốn VC chết, hai bị bắt, một toán cố thủ trong cao ốc góc Nguyễn Du - Thủ Khoa Huân. Cảnh sát thu năm súng và một xe vận tải nhỏ chứa đầy chất nổ (báo bình luận: "Không thể lường hết được sự khủng khiếp nếu khối thuốc nổ trên xe này được kích hỏa").

2-2-1968: Cảnh sát khám phá và tịch thu tại hai nhà trên đường Trần Quí Cáp 300kg thuốc nổ, mìn, 400 ngòi nổ điện, 1.500 viên đạn AK...".

Hai căn nhà và chiếc xe đó thuộc sở hữu của ông Mai Hồng Quế, nhà thầu trang trí nội thất trong dinh Độc Lập. Lệnh truy nã lập tức ban bố khắp nơi, ba căn nhà liền nhau (287/68-70-72 Trần Quí Cáp) của ông Mai Hồng Quế bị chính quyền Sài Gòn tịch thu, căn nhỏ nhất ở giữa được giao cho một viên đại úy. Ngày giải phóng, ra trình diện chính quyền cách mạng, viên đại úy viết giấy trao lại căn nhà cho chủ cũ là ông Trần Văn Lai (Năm Lai, tức Mai Hồng Quế). Ông bước vào nhà, bồi hồi nhìn quanh và cúi xuống nạy một viên gạch. Một cái nắp hầm mở ra...

Hầm trong nhà, bí mật trong lòng

pz35TIVU.jpgPhóng to

Các má giấu vũ khí bên dưới những sọt cà chua, dưa leo - Ảnh tư liệu

Không ai (kể cả viên sĩ quan đã sống ở đó bảy năm trời) ngờ được rằng giữa khu xóm lao động lại có một căn hầm chứa vũ khí lớn và kiên cố như thế. Những người dân trong xóm ve chai chỉ nhớ Mai Hồng Quế là một nhà thầu khoán vui tính, đi đi về về trên chiếc xe tải nhỏ lúc nào cũng lủng củng những vật liệu, gỗ ván. Căn nhà số 70 ở giữa được ông thu hẹp bề ngang lại, chỉ đủ chỗ chiếc xe tải nhỏ lùi vào vừa khít. Ban ngày, Mai Hồng Quế là một ông chủ giàu có chỉ toan tính chuyện làm ăn, không đụng tay chân tới việc gì. Đêm đêm, một mình ông đào hầm, xây sửa, khuân từng bao tải đất đá lặng lẽ giấu lên xe hơi.

Hầm vũ khí của ông Năm Lai chỉ là một trong hàng trăm kho vũ khí giữa Sài Gòn phục vụ cho đợt tổng tiến công. Nổi tiếng với những kho, hầm vũ khí "trăm biến vạn hóa" là má Sáu Hòa, má Năm Lời.

Các má đã tổ chức đủ các cách đưa vũ khí vào thành bằng gánh hàng bông, rau quả, xe buôn củi. Các má cũng tìm ra đủ các cách cất giấu, bảo vệ vũ khí từ đào hầm, giấu trong bể nước, trong hầm than, trong những chiếc giường, chiếc tủ hai đáy. Các má còn huấn luyện những cô cậu học sinh, sinh viên đài các cách ăn mặc, đi đứng, đối thoại sao cho "rặt" dân buôn bán để qua mắt địch…

Căn hầm hoàn thành, Bộ tư lệnh kiểm tra và ghi nhận: hầm kiên cố có thể chứa được trên 2 tấn vũ khí, chống ngập, chống thấm, thông hơi tốt, trước sau đều có đường thoát ra hệ thống cống ngầm. Nóc nhà còn có một hầm nổi có thể trú ẩn và làm việc, có đường thông sang hai nhà hai bên và thoát ra ngoài.

Bắt đầu từ đó, Mai Hồng Quế khoe mới tìm được mối bán vật liệu ở Củ Chi. Khi thì ông mua về những cuộn cà tăng, cót làm vật liệu trang trí, lúc lại mua được bộ ván gõ bóng lưỡng, khi thì kể được mấy người bà con cho cả cần xé cà chua, dưa leo…

Chỉ duy nhất một người biết rằng bên trong những thứ lủng củng ấy là súng AK, B40, lựu đạn, thuốc nổ… Người ấy là bà Đặng Thị Thiệp, người vợ nhưng phải cam phận mang danh nghĩa là người làm công kiêm nhân tình của ông.

Người vợ chính thức Phạm Thị Phan Chính, cháu gái cưng của ông chủ tiệm vàng Phú Xuân, bình phong cho ông vào Sài Gòn hoạt động, người đồng chí, đồng đội sát cánh kề vai đã phát bệnh rồi mất sau lần bị địch bắt, tra tấn vì nghi là Việt cộng. Đặng Thị Thiệp được tổ chức bố trí vào thay thế trong vai người làm để giúp ông hoạt động. Tối tối, hai người hì hục khiêng vác, cất giấu vũ khí, có khi bày chuyện dằn dỗi, xô bàn kéo ghế xủng xẻng để át tiếng động. Đêm đêm, mỗi người chia nhau ngủ một nhà, thao thức canh giữ.

Có cô Thiệp, hoạt động của Năm Lai hiệu quả hẳn, căn nhà 720 Võ Di Nguy (720 Nguyễn Kiệm) cũng đã đào được một căn hầm có thể chứa cả tiểu đội. Cán bộ vào thành thay nhau đến ở nhà ông, công việc làm ăn cũng phát đạt hơn để có tiền cung cấp cho tổ chức, chạy các căn cước giả, "mua" tài liệu mật... Tình cảm giữa họ phát sinh, giả rồi thành thật. Nhưng, thật rồi lại phải thành giả.

Để đảm bảo an toàn cho cái vỏ của ông thầu khoán, cô Thiệp vẫn phải sắm vai một người làm công mà yêu ông chủ, có lúc nuốt nước mắt trước những lời dèm pha, có khi sang hàng xóm thở than phận bạc. Câu chuyện ấy giữa ba người đã tạo cảm hứng cho hai nhà văn Lê Phương và Nguyễn Thanh xây dựng thành kịch bản bộ phim Biệt động Sài Gòn với ông chủ Hãng sơn Đông Á Hoàng Sơn lịch lãm cùng hai người bạn đời Ngọc Mai và Huyền Trang.

Sau này, khi đã có dịp chuyện trò, tâm sự về những bí mật sống để dạ, chết mang theo khi xưa, ông Năm luôn nhắc nhở con cháu: phải luôn luôn mang ơn những người dân xung quanh, những người hàng xóm. Ông phân tích: "Dù thật sự không ai biết gì, nhưng chỉ sự im lặng của họ đã đủ là một hành động cách mạng". Đến hôm nay, căn hầm vẫn được chăm sóc, giữ gìn như ông đã âm thầm làm khi xưa, từng hòm súng, đạn, từng kỷ vật của chuỗi ngày hoạt động lặng lẽ mà sôi nổi vẫn còn nguyên đó… để nhắc nhở cái giá quá lớn của hòa bình.

_______________________________

Trong đời làm tình báo, có một lần ông Tư Cang đã phá vỡ nguyên tắc tuyệt đối bí mật, rơi vào tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Lúc đó là chiều mồng 3 Tết Mậu Thân.

Kỳ tới: Một lần phạm kỷ luật

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên