![]() |
Mehmet Ali Agca đưa tờ Time có in ảnh mình và Đức giáo hoàng cho báo giới chụp ảnh ngay sau khi rời nhà tù Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: AP |
Phát súng giữa chiến tranh lạnh
Dù sao Agca cũng gặp may mắn: y được thả vì Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị gia nhập EU và phải điều chỉnh luật pháp cho phù hợp với EU. Sau 19 năm ngồi tù tại Ý và năm năm ở Thổ Nhĩ Kỳ (theo án lệnh Thổ Nhĩ Kỳ là tới 10 năm), Agca được ân xá trước thời hạn nhờ gương mẫu trong thời gian thụ án. Tuy nhiên, những gia đình các nạn nhân Thổ Nhĩ Kỳ bị y sát hại thì phẫn nộ.
“Dấu vết Bulgaria”
Khi mới bị bắt, “Sói bạc” khẳng định “chỉ hành động một mình”. Nhưng 11 tháng sau, Agca bắt đầu khai báo. Theo hung thủ, trong vụ ám sát giáo hoàng có sự tham gia của hai người Bulgaria.
Hơn nữa, hai năm rưỡi sau phát súng trên quảng trường Thánh Peter, tại London một người bất đồng chính kiến với chế độ Bulgaria khi đó là Markov bị bắn chết. Ngay lập tức người ta đặt nghi vấn: thủ phạm là Matxcơva và Sofia.
Những lời khai của Agca đưa ra năm 1983 cho phép tòa án Ý buộc tội ba công dân Bulgaria: đại diện Công ty hàng không “Balkan Air” ở Ý là Sergei Antonov, kế toán viên của đại sứ Bulgaria ở Roma là Todor Aivazov và tham tán quân sự Bulgaria Dzhelia Vasiliev. Cùng với họ là một số công dân Thổ Nhĩ Kỳ khác.
Phiên tòa xử họ diễn ra từ tháng 5-1985 tới tháng 3-1986. Agca bị thẩm vấn hơn 90 lần, nhưng cứ mỗi lần hắn ta lại nói khác. Hồ sơ chống lại Antonov và hai người Bulgaria kia dần đổ sụp như những quân bài domino.
Tại phiên tòa cuối, thẩm phán đã phát biểu hùng hồn trong suốt hai ngày, để rồi bất ngờ thừa nhận không thể buộc tội những công dân Bulgaria. Tháng 5-2002, trong một chuyến thăm Bulgaria, Đức giáo hoàng John Paul II đã đề nghị minh oan cho Bulgaria.
Ngài nói: “Tôi không bao giờ tin vào cái gọi là “dấu vết Bulgaria” vì lòng kính trọng sâu sắc và tình cảm đối với nhân dân Bulgaria”.
CIA kiểm tra KGB
Ngay sau vụ ám sát hụt, một số phương tiện truyền thông đã lan truyền tuyên bố về “bàn tay Matxcơva”. Tình báo Mỹ quan tâm không chỉ nhân thân Agca mà còn sự dính líu của KGB mà nếu chứng minh được, Washington sẽ có con át chủ để gây áp lực với Matxcơva.
Tháng 4-2005, trong một trả lời phỏng vấn báo chí Nga, cựu đại sứ Mỹ tại Matxcơva Jack Matlock cho biết Nhà Trắng từng yêu cầu CIA kiểm tra khả năng dính líu của KGB với vụ ám sát giáo hoàng.
Ông nói: "Năm 1983, người Mỹ lưu ý sự kiện Tổng bí thư Đảng CS Liên Xô Andropov từng là chủ tịch KGB. Khi đó Mỹ - Liên Xô chuẩn bị một cuộc gặp cấp cao. Nhiều người đặt vấn đề liệu Ronald Reagan có thể gặp Andropov không nếu có đủ bằng chứng về việc Andropov ký hợp đồng ám sát giáo hoàng?".
Tuy nhiên, vẫn theo Matlock: "Sau một cuộc điều tra kỹ lưỡng, các chuyên gia kết luận Agca là một tên nói dối lão luyện. Hắn ta kể những câu chuyện mâu thuẫn nhau và không có một bằng chứng nào cho thấy KGB đứng sau vụ việc”.
Stasi, Bulgaria và KGB?
Có vẻ như sự tự do của Agca không làm nhiều người thoải mái. Trong khi gia đình những nạn nhân Thổ Nhĩ Kỳ bị y sát hại gửi thư phản đối lên chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ và Ủy ban nhân quyền châu Âu thì thống đốc Istanbul dọa nếu Agca không ra trình diện theo đúng cam kết trước khi được tha (một ngày hai lần) thì Agca có thể bị bắt trở lại. Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Cemil Cicek đã ra lệnh điều tra tính hợp pháp trong quyết định trả tự do cho Agca. Nếu quyết định này không đúng, Agca có thể phải trở về tù! |
Bài báo này dựa vào kết quả điều tra của "Ủy ban Mitrokhin" (một ủy ban đặc biệt được thành lập để nghiên cứu những hồ sơ mà cựu nhân viên KGB Vasili Mitrokhin trốn khỏi Liên Xô mang theo) cho rằng Agca đã được các nhân viên Stasi (an ninh Đức) và Bulgaria tham gia nhóm Separat huấn luyện. Separat chuyên cố vấn và hỗ trợ các nhóm phá hoại hoạt động ở châu Âu, trong đó có việc lập các trại đào tạo các tay súng.
Năm 1977, khi mới 17 tuổi, Agca đã tham gia một trong những trại này ở Siberia. Năm 1978, Agca thâm nhập vào "Sói bạc" để gây rối loạn Thổ Nhĩ Kỳ, khi đó đã là thành viên của NATO. Chính do tổ chức này, lần đầu tiên Agca thực hiện một vụ ám sát giám đốc tờ Milliyet. Hắn bị bắt nhưng kịp tẩu thoát trong thời gian bị quản thúc.
Năm 1979, Agca tới Iran nhờ sự giúp đỡ của Oral Zhelik, kẻ móc nối hắn với các mật vụ Bulgaria. Tại Tehran, Agca bắt liên lạc với phó tổng lãnh sự Liên Xô là Vladimir Kuzichkin, người đứng đầu mật vụ KGB tại Iran.
Dưới sự lãnh đạo của Kuzichkin, Agca chuẩn bị ám sát giáo chủ Khomenei, nhưng mưu toan bất thành. Sau đó Agca được gửi đi Bulgaria, sống hai tháng trong một khách sạn tốt nhất Sofia. Hắn ta được một điệp viên KGB và các sĩ quan Bulgaria huấn luyện cho vụ ám sát mới: đức giáo hoàng.
Mọi việc càng thêm ly kỳ khi vài tuần sau những lời khai của Agca về Iran, sĩ quan KGB Kuzichkin đã biến mất một cách bí ẩn tại Tehran. Vài tháng sau người ta hay tin điệp viên này đã phản bội Liên Xô, đầu quân cho MI 6 (tình báo đối ngoại) của London.
Khi đó, dư luận nhận định: sự phản bội này có thể xuất phát từ nỗi sợ Matxcơva sẽ thanh trừng Kuzichkin để bịt đầu mối những lời khai của Agca.
Sau lời buộc tội của Corrierere della Sera, cựu giám đốc Stasi khi đó là Marcus Wolf trong một trả lời phỏng vấn trên La Repubblica cho biết không hề có bằng chứng về sự dính líu của Đông Đức hay Bulgaria vào vụ ám sát giáo hoàng.
Ông cũng nhận định Agca khó lòng là điệp viên KGB. Tuy nhiên, Wolf cũng không tin khả năng hắn hành động một mình. Vụ ám sát giáo hoàng theo ông, là cả một quá trình tổ chức phức tạp mà chỉ một tổ chức nào đó, dù mạnh, cũng khó mà thực hiện.
Bí mật giá 5 triệu USD
Giờ đây Agca đã được tự do. Phát biểu sau khi rời ngục, người tù nổi tiếng của thế kỷ 20 nói: “Tôi muốn tận hưởng cuộc đời. Tôi chưa có kế hoạch nào cụ thể, thậm chí không biết liệu tôi sẽ cưới vợ hay không. Tôi cũng không nghĩ sẽ làm chính trị”.
Agca sẽ “tận hưởng cuộc đời” bằng cách nào? Trong một bức thư gửi các hãng truyền thông hàng đầu thế giới sau khi ra tù, y đã đòi 5 triệu USD cho một cuộc phỏng vấn độc quyền, cái giá mà Agca cho rằng để bù đắp cho những tháng năm y phải chịu cảnh tù tội.
Gia đình của Agca cho biết những ngày qua nhiều hãng tin và truyền thông đã gõ cửa nhà họ để xin kẻ cựu tù vén màn bí mật, theo tờ báo Sabah của Thổ Nhĩ Kỳ. Còn Hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ ANSA đưa tin truyền hình CNN đã đề nghị trả cho Agca 1 triệu USD và mẹ của anh ta 600.000 USD cho những cuộc trò chuyện độc quyền.
Liệu bức màn bí mật có được vén lên? Trong quyển sách của mình Những cuộc trò chuyện lúc bình minh của thiên niên kỷ, Đức giáo hoàng John Paul II viết: “Ali Agca, như mọi người đều nói, là một tên giết người chuyên nghiệp...
Phát súng đó không phải là sáng kiến của anh ta, ai đó khác đã lên kế hoạch, ai đó đã thuê anh ta...”. Các luật sư của Agca thì lo rằng ngoài song sắt, cuộc sống của Agca sẽ đầy rủi ro vì y biết quá nhiều...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận