07/03/2018 14:17 GMT+7

Bi hài những vụ tranh nhau đòi 'nhận của rơi'

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TTO - Ông Lê Quang Thắng không phải là người đầu tiên phải "đau đầu" khi tình cờ nhặt được một số tài sản vô chủ rồi bị phiền phức bởi quá nhiều người tự nhận mình là chủ tài sản.

Bi hài những vụ tranh nhau đòi nhận của rơi - Ảnh 1.

Ông Lê Quang Thắng (trái) và Huỳnh Thị Ánh Hồng - những người nhặt được tài sản vô chủ

Nhiều trường hợp người nhặt được tài sản thất lạc, bị bỏ quên của người khác đã chủ động liên hệ, hoặc giao nộp cho công an, chính quyền để trả lại cho chủ sở hữu tài sản thực sự lại phải "đau đầu" với tình huống quá nhiều người tự nhận tài sản đó là của mình. 

Có người cố chứng cứ chứng minh mình là chủ tài sản, người năn nỉ, thậm chí... đe dọa người nhặt được tài sản nếu không giao đã khiến những người nhặt được tài sản đánh rơi gặp không ít rắc rối.

Rao trả của rơi, nhiều người cùng đòi nhận

Mới nhất là trường hợp của ông Lê Quang Thắng, chủ nhà máy xay xát lúa ở thôn Quảng Nghiệp (xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định).

Khoảng tháng 1-2018, trong lúc xay xát gạo, gia đình ông Thắng phát hiện một số vàng giấu trong bao lúa mà ông mua lại của người dân để xay gạo bán.

Không nhớ chủ bao lúa này là ai, vợ chồng ông Thắng nhờ một số phương tiện truyền thông thông tin. Sau khi thông báo, nhiều người lập tức đến tự nhận là chủ bao lúa nhưng sau khi đối chiếu nhận dạng, ông Thắng đều thấy không đúng. 

Vì không trả lại vàng cho người tự nhận là chủ, ông Thắng đã bị một số người to tiếng.

Đây không phải phải trường hợp cá biệt. Trước đó, ở TP.HCM cũng có trường hợp tương tự.  

Vào khoảng tháng 3-2014, chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (quê Quảng Ngãi, tạm trụ P.10 quận Tân Bình TP.HCM) ngồi soạn thùng loa cũ mà vợ chồng chị đã mua ve chai trước đó thì phát hiện số tiền hơn 5 triệu yen Nhật trong loa thùng này.

Sau khi thông tin được loan ra, rất nhiều người đã đến nhà chị Hồng nhận là tiền của họ khiến cho cuộc sống của gia đình chị Hồng bị đảo lộn. 

Kể cả sau khi chị Hồng mang số tiền trên lên giao cho cơ quan công an thì cũng vẫn có những người đến nhận là tiền của mình nhưng lại không chứng minh được.

Sau thời hạn 1 năm giao nộp số tiền cho cơ quan công an để thông báo tìm chủ sở hữu mà không có người nào chứng minh được là chủ nhân số tiền trên, ngày 2-6-2015 chị Hồng đã được công an quận Tân Bình cho sở hữu hơn 5 triệu yen này.

Bi hài những vụ tranh nhau đòi nhận của rơi - Ảnh 2.

5 triệu yen Nhật mà chị Hồng đã tình cờ phát hiện trong thùng loa ve chai

Cần lên án thói "nhận vơ"

Tiến sỹ Trịnh Hòa Bình (Viện Xã hội học) cho rằng, không chỉ về mặt đạo đức mà pháp luật cũng quy định người nhặt được của rơi thì phải có nghĩa vụ trả lại cho người đánh mất.  Những việc đó là việc làm bình thường nhưng trong giai đoạn này thì việc làm đúng cũng không phải nhiều và phổ biến. 

Do đó, việc người ta nhặt được vàng (của rơi) mà không tham, đăng báo để tìm người chủ thực sự thì cần được tôn vinh để nét đẹp đó được lên ngôi và được nhân rộng để cuộc sống thực sự mỗi người vì mọi người hoặc mọi người vì một người.

Bên cạnh đó cũng cần phải lên án những người "nhận vơ", trong đó có cả những người ở xa xôi mà cũng nhận là tiền của mình để yêu cầu trả. 

"Cái đó chính là lòng tham không cùng của mỗi người mà nếu so sánh với người nhặt ve chai hoặc ông chủ nhà máy xát lúa thì thật là đối nghịch", ông Bình nói.

Lại còn cả việc có người đến tận nơi để đòi, đòi không được lại to tiếng với người nhặt được vàng thì thật đáng lên án. Bởi, có thể người ta sử dụng biện pháp này để "gây áp lực" với người nhặt được tài sản để họ có thể thêm niềm tin rằng đây mới là chủ sở hữu của tài sản.

Nhưng cách gây áp lực này thể hiện ý chí và nguyện vọng và cả lòng tham của con người, và việc này, nó cũng biểu hiện của sự trí trá tham lam khi lớn tiếng với người nhặt được tài sản. 

Do vậy, để tránh rắc rối, phiền phức thì người nhặt được tài sản nên giao cho chính quyền để tìm trả chủ nhân theo quy định của pháp luật.

Quá 1 năm, người nhặt tài sản sẽ được sở hữu

Theo luật sư Nguyễn Thế Truyền (Đoàn luật sư TP Hà Nội), tài sản mà ông Thắng đã phát hiện, đến giờ vẫn chưa xác định được ai là chủ sở hữu thì cần được xác định đây là tài sản vô chủ.

Trong việc này, cần tuyên dương, ghi nhận người trả tài sản, nhưng cũng cần lên án lòng tham của những người "nhận vơ".

Còn việc giải quyết tài sản này, phải dựa vào điều 221 Bộ luật Dân sự 2015.

Theo đó, người phát hiện tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu phải thông báo hoặc giao nộp cho Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.

Việc giao nộp phải được lập biên bản, trong đó ghi rõ họ, tên, địa chỉ của người giao nộp, người nhận, tình trạng, số lượng, khối lượng tài sản giao nộp.

Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã đã nhận tài sản phải thông báo cho người phát hiện về kết quả xác định chủ sở hữu.

Sau 01 năm, kể từ ngày thông báo công khai mà không xác định được ai là chủ sở hữu tài sản là động sản thì quyền sở hữu đối với động sản đó thuộc về người phát hiện tài sản.

Nhờ Nhật Bản kiểm tra 5 triệu yen trong loa ve chai Nhờ Nhật Bản kiểm tra 5 triệu yen trong loa ve chai Chưa ai nhận là chủ sở hữu hơn 5,2 triệu yen Nhật Chưa ai nhận là chủ sở hữu hơn 5,2 triệu yen Nhật Tìm chủ nhân 5 triệu yen Nhật trong thùng loa cũ Tìm chủ nhân 5 triệu yen Nhật trong thùng loa cũ
HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên