Thực tế này vừa gây ô nhiễm môi trường vừa lãng phí nguồn nguyên liệu chế biến phân bón.
Bùn thải đã có dấu hiệu ô nhiễm
Theo Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị TP.HCM (gọi tắt là Công ty Thoát nước đô thị TP), bùn thải phát sinh từ việc duy tu, nạo vét hệ thống thoát nước do công ty thực hiện lên đến 321m3/ngày. Ngoài ra, bùn thải phát sinh do các công ty dịch vụ công ích (24 quận, huyện) nạo vét cống rãnh lên đến 375m3/ngày. Chưa kể lượng bùn thải phát sinh từ các dự án cải thiện môi trường, vệ sinh môi trường hơn 1,71 triệu m3.
Theo Công ty Thoát nước đô thị TP, cát chiếm tỉ trọng lớn trong bùn thải, kế đến là đất bùn được thu gom từ các đường cống thoát nước. Kết quả quan trắc chất lượng bùn lắng dưới kênh rạch năm 2010 cho thấy bùn lắng lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè bị ô nhiễm kim loại nặng như kẽm và chì, đặc biệt tại khu vực cầu Đen (Q.Bình Thạnh) được phát hiện có hàm lượng kẽm và chì cao. Ngoài ra, theo một cán bộ Chi cục Bảo vệ môi trường TP, bùn thải cũng bị ô nhiễm vi sinh, bốc mùi hôi nên phải có nơi xử lý khoa học chứ không thể tập kết tạm bợ như hiện nay.
Ngoài các nguồn thải trên, còn một lượng bùn thải từ các nhà máy xử lý nước sạch và từ Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng. Sở Tài nguyên - môi trường TP đã quan trắc và công nhận bùn thải tại Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng không chứa chất thải nguy hại. Theo giáo sư tiến sĩ Lâm Minh Triết - viện trưởng Viện Nước và công nghệ môi trường, bùn thải của nhà máy xử lý nước sạch chủ yếu là vô cơ nên có thể xử lý để san lấp mặt bằng. Riêng bùn thải phát sinh từ các nhà máy xử lý nước thải như Bình Hưng chứa nhiều chất hữu cơ, nếu được xử lý tốt, kết hợp thêm các phụ gia có thể làm nguyên liệu chế biến phân bón.
Bao giờ có trạm xử lý bùn thải?
Với một đô thị như TP.HCM, việc quy hoạch, xây dựng một nhà máy xử lý bùn thải đúng tiêu chuẩn còn quá chậm. Trước nay chủ yếu tận dụng các bãi đất trống để đổ bùn tạm, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao. Trước đây lượng bùn thải chủ yếu được đổ tại bãi rác Đông Thạnh (Hóc Môn), khu vực đường Phạm Văn Hai (Bình Chánh). Đến nay, việc đổ bùn được dời về khu phố 4, P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân. Bãi đổ bùn này nằm lọt thỏm trong khu dân cư khu phố 4 và nằm cạch bãi rác Gò Cát. Theo Công ty Thoát nước đô thị TP, khu đổ bùn này cũng sẽ được lấp đầy trong khoảng một năm nữa.
Trong khi đó số lượng bùn thải phát sinh trong thời gian tới là cực lớn. Theo ông Lương Minh Phúc - giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ Đông - Tây, khoảng tháng 2-2011 sẽ nạo vét kênh Bến Nghé - Tàu Hủ. Ước tính khối lượng bùn nạo vét khoảng 290.000m3. Chưa kể các dự án khác trong tương lai như nạo vét kênh Tân Hóa - Lò Gốm, xây dựng metro, quy hoạch thủy lợi chống ngập úng TP sẽ làm phát sinh hàng triệu mét khối bùn thải trong thời gian tới.
Năm 2008, UBND TP giao Công ty Thoát nước đô thị TP làm chủ đầu tư xây dựng trạm tiếp nhận chế biến, xử lý bùn (quy mô hơn 40ha) tại khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (Bình Chánh), nhưng gần ba năm qua dự án này vẫn chưa triển khai được do vướng bền bù giải tỏa.
Theo ông Nguyễn Văn Tươi - phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, hiện còn vướng một số hộ chưa giải tỏa đền bù. Huyện đang củng cố hồ sơ pháp lý và nếu vận động không được thì sau Tết Tân Mão sẽ cưỡng chế.
Tuy nhiên, theo Sở Tài nguyên - môi trường TP, hiện đồ án quy hoạch bãi đổ bùn nạo vét cống rãnh, kênh rạch trên địa bàn TP (trong khu xử lý chất thải rắn Đa Phước) chỉ dừng lại ở việc quản lý đối với bùn nạo vét cống rãnh, kênh rạch. Trong khi đó, hiện nay phát sinh rất nhiều loại bùn thải từ hoạt động xây dựng, rút hầm cầu, các nhà máy xử lý nước thải trong các khu công nghiệp... Sắp tới, Sở Tài nguyên - môi trường TP sẽ kiến nghị UBND TP cho lập lại quy hoạch xử lý bùn thải. Trong đó, tất cả các loại bùn thải sẽ được định hướng quản lý, áp dụng công nghệ xử lý phù hợp. Như vậy, sau khi quy hoạch trên được điều chỉnh mới có thể xây dựng một nhà máy xử lý bùn thải. Điều này cũng có nghĩa việc xử lý bùn thải sẽ còn bị “treo” dài dài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận