01/05/2017 18:21 GMT+7

Bị cắt chân, cắt thận 'oan uổng', phải làm sao?

VÕ HƯƠNG - MẠNH KHANG
VÕ HƯƠNG - MẠNH KHANG

TTO - Người bệnh khám bộ phận này nhưng lại bị phẫu thuật, cắt bộ phận khác “oan uổng”. Người bệnh phải làm sao?

Ngày 27-4, khi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đi kiểm tra một số cơ sở y tế tư nhân tại TP.HCM, ông Bùi Minh Trạng - Chánh thanh tra Sở Y tế - cho biết có người bệnh chỉ bị dị ứng trên ngực nhưng khi đến một phòng khám thì bị…cắt bao quy đầu.

Tại Đồng Tháp, trường hợp thiếu niên 16 tuổi bị cắt cụt 1/3 chân “oan uổng” mới đây làm dư luận bức xúc. Giám đốc Sở Y tế Đồng Tháp cho rằng bệnh viện huyện đã có chẩn đoán phù hợp tuy nhiên do thiếu bác sĩ chuyên khoa chấn thương, chỉnh hình nên hạn chế về mặt chuyên môn.

Trong năm 2016, cũng có nhiều trường hợp bệnh viện làm đúng quy trình nhưng...có sai sót để lại hậu quả nghiêm trọng đối với người bệnh như vụ nữ sinh lớp 10 bị cưa chân tại Đắk Lắk; chữa sai khớp 4 ngày, bệnh nhân bị cắt chân tại Đà Nẵng…

Em Trần Trúc Giang bị cắt 1/3 chân phải sau khi nẹp chân ở bệnh viện tuyến huyện tại Đồng Tháp - Ảnh: Ngọc Tài
Em Trần Trúc Giang bị cắt 1/3 chân phải sau khi nẹp chân ở bệnh viện tuyến huyện tại Đồng Tháp - Ảnh: Ngọc Tài

Tùy theo sai sót

Luật Khám, chữa bệnh năm 2009 định nghĩa tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh là hậu quả gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh do sai sót chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh hoặc rủi ro xảy ra ngoài ý muốn trong khám bệnh, chữa bệnh mặc dù người hành nghề đã tuân thủ các quy định chuyên môn kỹ thuật.

Theo luật sư Trần Ngọc Quý (Đoàn luật sư TP.HCM), khi chúng ta không may bị tai biến y khoa (hoặc người nhà bị tai biến y khoa) thì quan trọng nhất là giữ thái độ bĩnh tĩnh, tôn trọng lẫn nhau trong quan hệ ứng xử với bác sĩ và bệnh viện. Vì không phải tai biến y khoa nào cũng là do bác sĩ, kíp trực sai sót.

Trường hợp có yêu cầu giải quyết tranh chấp về khám bệnh, chữa bệnh khi xảy ra tai biến đối với người bệnh thì thành lập hội đồng chuyên môn để xác định có hay không có sai sót chuyên môn kỹ thuật.

Chuyên gia tâm lý Minh Huệ cho biết có rất nhiều xác suất có thể xảy ra sai sót trong quá trình khám và chẩn đoán các bệnh lý trên cơ thể cũng như về tâm lý. Người bệnh hoặc người nhà người bệnh trong các trường hợp này thường có tâm lý rất hoang mang, lo sợ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Người bệnh khi gặp tai biến y khoa ngoài chịu sự đau đớn về cơ thể còn dễ mất niềm tin vào cơ sở y tế đó, không có động lực để điều trị một cách triệt để mà loay hoay tìm kiếm những giải pháp điều trị khác. 

“Những tâm lý hoang mang, lo sợ này ảnh hưởng rất nhiều tới việc lành vết thương trên cơ thể người đó. Vì vậy, người nhà nên động viênngười bệnh rằng đây chỉ là sai sót và sẽ tìm được những giải pháp tốt hơn trong đợt điều trị tiếp theo. Chẳng có bác sĩ nào cố tình gây tai biến cho người bệnh”, chuyên gia Minh Huệ nhấn mạnh.

Nếu không thỏa thuận được, có thể khởi kiện

Theo luật sư Trần Ngọc Quý, nếu xác định sai sót là do bác sĩ, kíp trực thiếu trách nhiệm thì giữa đơn vị y tế đó và bệnh nhân có thể thương lượng, thỏa thuận bồi thường. Nếu hai bên không thỏa thuận được thì người bệnh có quyền khởi kiện để yêu cầu được bồi thường thiệt hại theo đúng quy định của pháp luật.

Luật khám, chữa bệnh năm 2009 quy định trường hợp xảy ra sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra tai biến cho người bệnh, doanh nghiệp bảo hiểm mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã mua bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bệnh.

Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa mua bảo hiểm thì phải tự bồi thường thiệt hại cho người bệnh. Ngoài việc bồi thường, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề có sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra tai biến cho người bệnh phải chịu các trách nhiệm pháp lý khác theo quy định của pháp luật.

Không để tồn tại những người thiếu trách nhiệm

Theo luật sư Trần Ngọc Quý, hiện chưa có thống kê đầy đủ về nguyên nhân dẫn tới các tai biến y khoa là do khách quan hay sự chủ quan của bác sĩ điều trị. Tuy nhiên, các cơ sở y tế, đội ngũ y bác sĩ cần nâng cao tinh thần trách nhiệm của mình trong việc khám chữa bệnh. Phải hiện đúng các quy định của ngành y tế, quy định pháp luật để đảm bảo quyền lợi của bệnh nhân, tránh những sai sót không đáng có.

Các chuyên gia cho rằng ngành y tế cần chú ý nâng cao chất lượng, đào tạo năng lực chuyên môn cho đội ngũ y bác sĩ, chú ý ngay từ khâu tuyển sinh đại học để không còn những trường hợp tai biến y khoa… do thiếu chuyên môn. Vì sai sót trong y tế sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người bệnh.

Sự thông cảm, chia sẻ của xã hội với những áp lực công việc của đội ngũ y bác sĩ chân chính là điều cần thiết nhưng những sai sót do bác sĩ thiếu ý thức trách nhiệm, coi thường sức khỏe, mạng sống người bệnh là điều cần lên án.

Mời bạn đọc nghe các phát biểu:

>> Luật sư Trần Ngọc Quý

>> Chuyên gia tâm lý Võ Thị MInh Huệ

VÕ HƯƠNG - MẠNH KHANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục