Bị cáo Trần Vĩnh Tuyến đến tòa sáng 10-12 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Phiên tòa xét xử bị cáo Lê Tấn Hùng cùng 18 bị cáo khác đang tiếp tục phần xét hỏi của các luật sư. Tại phiên làm việc buổi sáng, ông Trần Vĩnh Tuyến tiếp tục khẳng định có sự nể nang đối với lãnh đạo tiền nhiệm và ông hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về những lời mình khai.
Đã ký thì phải chịu trách nhiệm
Cụ thể, luật sư Thái Văn Chung (bào chữa cho bị cáo Trần Trọng Tuấn) hỏi bị cáo Trần Vĩnh Tuyến về việc có bị ai tác động áp lực hay không. Ông Tuyến nói rằng trong vụ việc ký quyết định đồng ý chuyển nhượng dự án, ông Tuyến không cố ý làm sai và anh em (cấp dưới) không có ý chống đối.
Tuy nhiên, thực sự là có sự nể nang đối với bị cáo Lê Tấn Hùng do bị cáo Hùng là em của nguyên bí thư Thành ủy. "Thực sự có sự nể nang vì đó là đạo đức của cán bộ đối với người tiền nhiệm, tuy nhiên, không có chuyện nể nang dù biết sai", ông Tuyến nói.
Bị cáo Lê Tấn Hùng tại phiên tòa - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Sự nể nang ở đây, theo ông Tuyến, là việc xem xét ký quyết định sớm (5 ngày sau khi yêu cầu cấp dưới xem xét và có báo cáo đầy đủ), nếu không xem xét để ký sớm thì thực sự thiếu sự tôn trọng đối với người tiền nhiệm nên ông Tuyến không để kéo dài thời gian chờ đợi. Ông Tuyến nói ông hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về những gì mình khai.
Ông Tuyến cũng nói tại thời điểm đó ông nhận thức rằng quyết định của mình phù hợp với Luật kinh doanh bất động sản, rằng mình làm đúng pháp luật, và rằng mình phải chịu trách nhiệm về những gì mình đã ký.
Tuy nhiên, ngay sau đó, bị cáo Lê Tấn Hùng lại cho rằng mình chỉ làm đúng theo quy định, không tác động đến ai.
Cáo trạng chưa xác định giá trị cơ sở hạ tầng dự án
Liên quan đến dự án bị chuyển nhượng tại phường Phước Long B (quận 9, TP.HCM), luật sư bào chữa cho bị cáo Vân Trọng Dũng đã hỏi đại diện Tổng công ty Phong Phú về việc hạ tầng của khu dự án đã hoàn thiện 80% nhưng không thấy nêu giá trị hạ tầng này là bao nhiêu tiền.
Cụ thể, đại diện phía Phong Phú xác nhận rằng tông công ty đã thi công hạ tầng khu dự án nhưng không cung cấp ngay được tổng giá trị hạ tầng là bao nhiêu.
Đại diện Phong Phú cũng cho rằng đến nay giữa Sagri và Phong Phú đã hủy hợp đồng chuyển nhượng dự án, hai bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, nhưng trước câu hỏi về nghĩa vụ các bên đã được giải quyết xong chưa thì vị này nói mong HĐXX xem xét đánh giá.
Về phía doanh nghiệp, sau khi thanh tra kết luận có sai phạm, Tổng công ty Phong Phú đã chủ động ký biên bản thanh lý hợp đồng và 2 bên không gây thất thoát lãng phí phát sinh gì cho Nhà nước. Tuy nhiên, khi luật sư hỏi quan điểm của Phong Phú về việc cáo trạng nêu số tiền thiệt hại của việc chuyển nhượng này là 672 tỉ đồng, vị đại diện trả lời mong HĐXX xem xét đúng pháp luật.
Cáo trạng xác định: Việc Sagri ban đầu góp vốn thực hiện dự án, sau đó chuyển nhượng dự án cho Tổng công ty Phong Phú bản chất là chuyển nhượng dự án kinh doanh bất động sản kèm theo việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đây là hình thức chuyển nhượng phần vốn góp ra bên ngoài của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Do vậy, quyết định số 6077 của UBND TP (do bị cáo Tuyến ký) chấp thuận cho Sagri chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Tổng công ty Phong Phú khi chưa có đủ điều kiện và căn cứ pháp lý để chuyển nhượng, bản chất sự việc là chuyển nhượng dự án kinh doanh bất động sản kèm theo việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất; chuyển nhượng toàn bộ dự án mà không tiến hành thẩm định giá, đấu giá, không giao cho Sagri thực hiện xác định giá trị phần tài sản thuộc dự án hình thành từ vốn góp của các bên (trong đó có phần vốn góp của Sagri) theo giá thị trường tại thời điểm chuyển nhượng làm căn cứ xác định giá trị chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp là trái quy định của pháp luật.
Việc chuyển nhượng này đã gây thiệt hại cho Nhà nước 672 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận