10/03/2017 09:25 GMT+7

Bị can, bị cáo “đột nhiên tâm thần”: Cần giám định lại

PHẠM VĂN CHUNG
PHẠM VĂN CHUNG

TTO - Hiện nay có hiện tượng bị can, bị cáo sau khi phạm tội thường xác định bị tâm thần, thoát tội khá “ngoạn mục”.

Thực tế có trường hợp do bị sốc khi bị khởi tố, bắt giam, điều tra, xét xử nên những người có hành vi phạm tội có thể suy sụp, từ đó mắc các chứng bệnh thần kinh, tâm thần phân liệt.

Theo quy định pháp luật hiện hành, người bị bệnh tâm thần sẽ được miễn, giảm hình phạt nên nhiều người đã lợi dụng quy định này để “chạy tội”, trốn tránh trách nhiệm hình sự. Thậm chí có trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự do được xác định bị bệnh tâm thần nhưng sau khi ra tù, được giảm án thì tiếp tục phạm tội với tính chất, mức độ nguy hiểm hơn.

Có thể nói việc lợi dụng bị bệnh tâm thần để “chạy tội”, “chạy án” là rất nguy hiểm. Điều này không những gây ra tình trạng “nhờn luật”, coi thường pháp luật của những kẻ phạm tội, mà cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng oan sai, bỏ lọt tội phạm, tạo kẽ hở để “chạy án”, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.

Theo các chuyên gia pháp lý, cơ quan chức năng cần có biện pháp nhằm hạn chế tình trạng lợi dụng bệnh tâm thần để trốn tránh trách nhiệm hình sự. Theo đó, đối với các vụ án hình sự, nhất là các tội phạm về kinh tế, cần bắt buộc giám định tâm thần với quy trình chặt chẽ, độc lập.

Xử lý nghiêm những người tiếp tay cho việc làm giả hồ sơ, giấy tờ bệnh án theo điều 267 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Theo đó, hành vi làm giả giấy tờ để “chạy bệnh”, “chạy án” có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể có thể bị phạt tới 7 năm tù.

Với những trường hợp “đột nhiên”... bị tâm thần, các cơ quan tiến hành tố tụng nên tiến hành giám định lại, thậm chí sử dụng nhiều kênh độc lập khác nhau để kiểm tra, đánh giá mức độ bệnh. Trường hợp đúng là bị bệnh thì đưa đến bệnh viện, trung tâm chữa bệnh tâm thần bắt buộc để chữa trị, không cho phép chăm sóc tại nhà.

Đặc biệt, phải tiếp tục đưa ra xét xử hoặc thi hành án khi khỏi bệnh, tuyệt đối không đình chỉ, cho “chìm xuồng” vụ án.

Đối với trường hợp dùng bệnh án giả để trốn tội thì cần điều tra làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những người liên quan, đồng thời coi đây là tình tiết tăng nặng hình phạt đối với bị can, bị cáo.

Bộ luật tố tụng hình sự cần bổ sung quy định tất cả trường hợp nghi bị bệnh tâm thần thì cơ quan tố tụng phải tổ chức giám định lại nếu người bị hại hoặc những người liên quan yêu cầu.

Đây cũng là biện pháp góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám định tư pháp nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng.

PHẠM VĂN CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên