![]() |
Bà Căn Bạ (tên Kinh là Nguyễn Thị Thầm) tại nhà ở làng Pakô, thuộc thôn 2, xã Bắc Sơn, huyện A Lưới, Thừa Thiên - Huế |
Buổi mai định mệnh
Dù trong trang phục Pakô, nhưng nhìn qua khuôn mặt vẫn có thể nhận ra những đường nét người miền xuôi nơi bà Căn Bạ. Giọng nói của bà cũng có chất giọng của vùng xuôi miền Thừa Thiên - Huế dù gần như cả đời bà rất hiếm khi nói tiếng Kinh. Ở tuổi 78, giờ đây bà Căn Bạ thuộc số những người cao tuổi nhất ở cộng đồng Pakô xã Bắc Sơn (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế). "Bà con ở đây ai cũng coi mẹ như người Pakô của mình. Cả đời mẹ sống chết với họ rồi còn chi...", bà nói.
Trải qua bao biến cố kinh hoàng, ký ức vẫn giữ cho bà những gì xảy ra vào cái buổi mai định mệnh đó. "Buổi sáng nớ cha mẹ vắng nhà, mẹ đang đói quay đói quắt thì có một người đàn ông đến dỗ dành: con đói bụng hả, hãy theo chú lên chợ Phò Trạch chú cho cơm mà ăn! Đói quá, không biết sợ, mẹ đi theo ổng...", bà nhắc lại sự mở đầu tấn kịch lúc mình khoảng 8 tuổi. Vậy là cùng với ba bạn lứa trong làng, bà bị "kẻ săn trẻ” dắt lên cho các lái buôn người Pahi ở vùng cao Hồng Tiến (nay là vùng thấp của huyện A Lưới). Từ đây, bà cùng những đứa trẻ bị bắt được bán tiếp cho những người Pakô ở vùng biên giới Việt - Lào đến xem mặt chọn mua. "Mẹ được ông Tề mua về làng A-đeeng nuôi làm đứa ở. Đường xa quá, núi cao quá, đi gần cả mười ngày mới đến làng, bàn chân trẻ con bầm tóe máu...", bà kể lại hành trình.
Ông chồng 90
![]() |
Bà Căn Bạ với ba cháu nội. "Suất lương thương binh của mẹ còn phải dành nuôi các cháu, cha chúng mới mất vì bệnh...", bà nội Căn Bạ nói |
Đói rách, cực nhọc sao cũng chịu được, nhưng đáng sợ nhất là khi bà bị ông chủ Tề ép gả cho ông già Phần góa vợ, khoảng 90 tuổi. Lúc ấy bà mới 12 tuổi - bốn mùa rẫy đã trải qua, bà bấm tay tính từ ngày mình bị bắt lên rừng. Để bớt nỗi sợ hãi người chồng già, ngày ngày bà lăn lộn với công việc nơi rẫy nương, chỉ ở nhà những lúc cần, đêm đêm lại chui vô rừng ngủ.
Ông lão đã nhiều lần rình rập chỗ ngủ, rượt đuổi trong rừng đêm; mấy lần bà bị vấp ngã trầy giập chân tay, mặt mày. Tức tối, ông lão góa luôn lừa cơ tóm được bà lúc ở nhà để đánh đập, xé nát hết những chiếc gièn cũ nát của bà để trả đũa và cũng để có cơ chạm được vào người vợ trẻ. "Tiếng là ông già Phần mua mẹ về làm vợ nhưng ổng cũng không có nhà riêng, chỉ ở chung với người em gái trong cái nhà dài, đến hai đứa con của ổng cũng ở với bà chị...", bà vừa kể vừa chỉ tay vào những chỗ thịt da bị bầm giập ngày nào như là dấu tích kinh hoàng của đời con gái được thời gian dằng dặc làm lành vết.
Thoát ly và đoàn tụ
Bà nói thật may cho mình, cơn ác mộng "bé con làm vợ ông già” rồi cũng qua: ông lão Phần chỉ hai năm sau là nhắm mắt. Theo lệ người Pakô trong vùng, sau khi chồng chết, nếu không phải nuôi con nhỏ của chồng, vợ kế có thể quay về ở với chủ cũ. Mười bốn tuổi, bà về ở lại với em trai ruột của người chủ cũ là ông Phương - người có đến ba vợ.
Một ngày kia, khi vốn tiếng Pakô của bà đã đủ, khoảng năm 1958-1959, có một người đến gọi bà ra nói chuyện cách mạng. Bà nghe và thấm dần, hiểu dần, chẳng bao lâu sau bà được cơ cấu làm liên lạc cho xã. Vừa công tác bà vừa được học dần cái chữ. Vốn tiếng Kinh lấy lại dần với những con chữ viết trên đất, trên lá của cán bộ cơ sở người Kinh. Sau hai năm làm liên lạc, cái lanh lẹ, năng nổ của một cô gái miền xuôi cũng lớn lên theo sức vóc thanh nữ. Hai năm sau, bà xin chủ nuôi được thoát ly vào đoàn Bắc Sơn - một binh đoàn hậu cần đứng chân ở biên giới Việt - Lào.
Vê đôi má lấm lem bụi đất của đứa cháu ngồi bên, bà Căn Bạ nói cũng như bây giờ, niềm hạnh phúc với bà ngày ấy là mái nhà riêng. Bởi vậy, sau ngày bị thương vì giẫm phải mìn trên đường gùi hàng ở vùng Tà Khôn, bà được xuất ngũ về ở lại với ông Phương - người chủ cũ. Cuộc đời, sau bao chua cay trút đổ xuống mái đầu xanh của cô gái, đã đến lúc lại trao đến cho cô nụ cười. Nỗi mong có được mái ấm giữa chốn núi rừng của bà được đáp lại đến nỗi bà không ngờ: lấy được một người đàn ông Pakô chưa vợ! Bốn đứa con lần lượt chào đời. Bom đạn, đói khát, bệnh tật... hình như đều đã "làm ngơ” để những thành viên trong mái nhà bà còn được đến ngày im tiếng súng. Bà rưng rưng kể trong số bốn bé gái bị bán lên ở cùng làng với bà chỉ có mình bà sống sót, cả ba người kia cùng chồng con đều chết vì trận đói năm 1967.
Chuyện quê xưa? Bà kể: "Sau hòa bình mẹ chăm chăm chuyện tìm về xuôi. Nhưng mình ở rừng từ khi là đứa bé nên nghe nói đến về xuôi là đủ thứ lo sợ, ngại ngùng, lại khó khăn thiếu thốn đủ bề. Bởi rứa nên chỉ biết đứng trên núi ngó xuống hết năm này đến năm nọ mà khóc...". May mà một ngày làng cũ của bà được dời xuống gần đường. Những người vùng đầm phá Tam Giang lên A Lưới buôn bán, có người biết ngọn nguồn của bà, đã đưa tin về tận quê bà ở Vân Trình, huyện Phú Vang. Một buổi chiều năm 1991, hai người anh ruột của bà ở làng Rào bên phá Tam Giang đã lên tận chỗ ở của bà ở xã Bắc Sơn để tìm lại đứa em không ngờ còn sống. Bao nhiêu nước mắt của bà và của người thân nơi quê nhà đã đổ cho ngày vui đoàn tụ.
"Cuộc sống ở quê mẹ chừ khá giả lắm. Con cháu đứa nào cũng bảo mẹ về quê sống với chúng. Nhưng đi thì bỏ con cháu ở đây cho ai. Cái bụng mình thương chúng làm răng chịu được...", bà nói và đưa tay vuốt ve những đứa cháu nội đang vây quanh mình.
_____________________________
Không khác một món hàng, một cô bé năm, sáu tuổi không chỉ bị bán một lần mà lần lượt tới ba lần để làm đứa đầy tớ gái lẫn làm vợ bé... Cho đến một ngày đi theo cách mạng, tình yêu vợ chồng thật sự mới tìm đến.
Kỳ tới: Ba lần bị bán
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận