20/09/2022 13:24 GMT+7

Bếp ăn ký hợp đồng mua 500kg thịt nhưng thực tế chỉ lấy 100kg, còn 400kg lấy nguồn khác

CHÍ TUỆ
CHÍ TUỆ

TTO - Theo chủ tịch HĐQT Công ty Y dược - Thực phẩm Nam Hà Nội, đơn vị có ký với một bếp ăn hằng ngày tiêu thụ 500kg thịt, tuy nhiên bếp ăn đó chỉ lấy 100kg thịt của công ty, còn 400kg lấy nguồn khác.

Bếp ăn ký hợp đồng mua 500kg thịt nhưng thực tế chỉ lấy 100kg, còn 400kg lấy nguồn khác - Ảnh 1.

Diễn đàn kết nối thực phẩm an toàn với các bếp ăn tập thể - Ảnh: CTV

Ông Võ Việt Dũng - chủ tịch HĐQT Công ty Y dược - Thực phẩm Nam Hà Nội - chia sẻ như vậy tại diễn đàn kết nối thực phẩm an toàn với các bếp ăn tập thể, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 20-9. 

Theo ông Dũng, từ năm 2016 tới nay, công ty là đơn vị chủ lực cung cấp thực phẩm, chủ yếu là thịt heo, vào siêu thị, bếp ăn, trường học ở Hà Nội.

Ông Dũng cho biết nhu cầu tiêu thụ ở địa bàn Hà Nội rất lớn nhưng còn gặp nhiều khó khăn đối với doanh nghiệp làm bài bản. 

"Các doanh nghiệp đầu tư bài bản từ hệ thống nhà mát, kho lạnh, xe đông lạnh thì chi phí bán ra sẽ cao hơn so với thực phẩm mà những xe máy chở heo mảnh trần từ khu giết mổ tới điểm bán. Như vậy là không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng không đảm bảo văn minh đô thị nhưng giá thành thì rất rẻ.

Giá rẻ ở đây không phải là phương thức sản xuất mà giá rẻ vì không đáp ứng được tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, hiện nay đang bị lẫn lộn giữa thực phẩm truy xuất nguồn gốc (thực phẩm sạch) với thực phẩm phi tiêu chuẩn để đưa vào các bếp ăn, trường học. Các đơn vị này đều hướng tới giá thành rẻ" - ông Dũng chia sẻ. 

Theo ông Dũng, nguyên nhân của điều này là do công tác kiểm tra còn để lọt hoặc "phù phép". "Có bếp ăn họ ký với chúng tôi về mặt nguyên tắc một ngày họ tiêu thụ 500kg thịt nhưng lấy của chúng tôi 100kg, còn 400kg họ lấy nguồn khác. Đây là điều rất khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư bài bản" - ông Dũng nói. 

Một vấn đề nữa, ông Dũng chia sẻ là thực phẩm đưa vào bếp ăn nói chung, đặc biệt là bếp ăn công nghiệp. 

"Hầu hết các bếp ăn công nghiệp không sử dụng thực phẩm tươi nội địa mà họ sử dụng hàng nhập khẩu, ví dụ như thịt heo, thịt bò nhập khẩu rất rẻ so với thịt heo tươi. 

Chỉ có trường học mới sử dụng heo tươi là do cha mẹ học sinh muốn con em được ăn thịt tươi sống hay siêu thị bán thịt tươi cho người dân. 

Còn để đưa thịt heo tươi vào bếp ăn công nghiệp cần phải có giải pháp làm sao để hạ giá thịt heo tươi thì mới có cơ hội tiếp cận" - ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, khi cung cấp thực phẩm cho một công ty may thì họ mong muốn dùng thực phẩm tươi. Còn một công ty có hàng chục ngàn công nhân thì họ ‘lắc đầu’ vì họ chỉ dùng thịt nhập khẩu cho rẻ.

Ông Dũng đề nghị cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường kiểm tra giám sát, tăng các chế tài xử phạt đủ sức răn đe để cá nhân, tổ chức gia nhập vào ngành cung ứng thực phẩm phải tuân thủ.

Bà Đinh Thị Phương Khanh - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An - cho rằng người tiêu dùng cần phát huy quyền được biết xuất xứ thực phẩm mình sử dụng.

Tuy nhiên, phần lớn người tiêu dùng hiện nay lại có thói quen dễ dãi, cứ tiện là ghé mua, giá cả rẻ là được, chứ chẳng quan tâm xuất xứ. 

Vì vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người tiêu dùng thay đổi thói quen lựa chọn, tiêu thụ thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, từ đó buộc người sản xuất cũng phải thay đổi theo.

Kết luận diễn đàn, ông Nguyễn Quốc Toản - cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - nhấn mạnh cần phải xác định mọi thực phẩm khi đưa vào trường học hay các khu công nghiệp cần đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc. Đó là điều kiện tiên quyết để phục vụ nhu cầu cho thị trường nội địa. 

Tuy nhiên công tác truy xuất nguồn gốc thực phẩm hiện nay chưa được thực thi một cách đầy đủ, toàn diện. Do vậy cần nêu cao trách nhiệm giám sát của hội phụ huynh trong trường học, của ban quản lý trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.

"Cần minh bạch và trách nhiệm trong việc cung cấp các suất ăn. Cụ thể, cần minh bạch dạng hình sản phẩm, quản lý chất lượng, không gian thị trường cạnh tranh giữa các đơn vị cung ứng" - ông Toản nhấn mạnh.

Điều tra về rau sạch dỏm: Điều tra về rau sạch dỏm: 'Hô biến' rau chợ thành rau 3 sạch!

TTO - Tại Công ty TNHH nông sản sạch Hugofarm (quận Bình Thạnh, TP.HCM), việc mua gom rau ở chợ, "hô biến" thành rau "sạch, chuẩn VietGAP", rồi cung cấp cho các siêu thị hoặc cửa hàng tiện lợi diễn ra hằng ngày.

CHÍ TUỆ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên