13/08/2008 04:41 GMT+7

Bệnh viện Tai mũi họng Cần Thơ: Hơn 100 trẻ mắc dị vật

THÁI LŨY
THÁI LŨY

TT - Tại Bệnh viện Tai mũi họng Cần Thơ, tính từ đầu năm đến nay đã gặp 100 trẻ mắc dị vật đường ăn, 12 trẻ mắc dị vật đường thở. Dị vật thường gặp là xương cá, xương lươn, hạt đậu phộng, hạt mãng cầu, hạt bắp...

Zf95oVSQ.jpgPhóng to

Các loại dị vật lấy ra từ trẻ em tại Bệnh viện Tai mũi họng Cần Thơ, trong đó nhiều nhất là tiền xu- Ảnh: Thái Lũy

TT - Tại Bệnh viện Tai mũi họng Cần Thơ, tính từ đầu năm đến nay đã gặp 100 trẻ mắc dị vật đường ăn, 12 trẻ mắc dị vật đường thở. Dị vật thường gặp là xương cá, xương lươn, hạt đậu phộng, hạt mãng cầu, hạt bắp...

Theo bác sĩ Châu Chiêu Hòa, Bệnh viện Tai mũi họng Cần Thơ, nguyên nhân mắc dị vật thường gặp do trẻ ngậm thức ăn, đồ vật trong miệng rồi hốt hoảng, sợ sệt mà hít mạnh vào hoặc đùa giỡn khi bé đang ăn; người lớn không lấy kỹ xương, hạt trước khi bé ăn. Riêng đối với đường ăn do trẻ hay ngậm đồ chơi, đồng xu, bốc đồ vật xung quanh bỏ vào miệng rồi nuốt... hay do ăn uống vội vàng, vừa ăn vừa nói chuyện.

Các bác sĩ ở đây còn nhớ bé Nguyễn Anh K., 10 tháng tuổi, ở xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, bị mắc một đốt xương lươn trong phổi hơn bốn tháng. Bác sĩ cho biết đốt xương nằm ở phế quản góc trái của bé làm bé thở khò khè, ho. Trước đó bé ho sặc sụa trong khi ăn cháo lươn, mọi người trong nhà chỉ tưởng bị sặc thông thường nhưng sau đó bé thở khò khè, đi khám tư nhiều lần không phát hiện bệnh.

Bác sĩ Huỳnh Việt Trung, giám đốc bệnh viện, cho biết dị vật đường thở là bệnh cấp cứu thường gây tử vong nếu không can thiệp kịp thời trong chẩn đoán và điều trị. Khi bị mắc dị vật đường thở, trẻ thường có những biểu hiện: ngừng thở trong giây lát, ho sặc sụa, tím tái, vã mồ hôi... Đối với dị vật đường ăn có những biểu hiện: nuốt đau, nuốt vướng, không ăn uống được, chảy nước bọt, nhợn ói... nếu để lâu sẽ gây viêm nhiễm và tạo áp xe quanh hạ họng, thực quản và bệnh trở nên nặng thêm, rất nguy hiểm đến tính mạng.

Theo bác sĩ Châu Chiêu Hòa, nếu bé bị sặc trong khi ăn hoặc phát hiện bé nuốt vật gì, đưa đến ngay cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu và điều trị, tuyệt đối không được đưa tay vào móc họng bé hay cố cho bé ăn thêm thức ăn để mong tống dị vật xuống. Sau đó nhất thiết chuyển bé đến bệnh viện chuyên khoa để có điều kiện chẩn đoán và nội soi kiểm tra phát hiện dị vật để lấy ra cho bé.

THÁI LŨY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên