Triệu chứng và diễn biến
Triệu chứng đặc trưng của bệnh viêm khớp dạng thấp (VKDT) biểu hiện: Sưng, nóng, đỏ, đau do viêm màng hoạt dịch của khớp, bắt đầu từ các khớp nhỏ ở ngoại biên như: Các khớp ở bàn tay, cổ tay, bàn - ngón tay, các bàn - ngón tay, bàn - ngón chân, khớp gối, đối xứng hai bên.
Cứng khớp buổi sáng (gây khó cử động các khớp vào buổi sáng lúc mới ngủ dậy, kéo dài hằng giờ). Kèm theo các triệu chứng tại khớp là triệu chứng toàn thân như sốt, mệt mỏi, người xanh xao, gầy sút.
Giai đoạn đầu: Thường kéo dài 1 - 3 năm. Giai đoạn này do viêm màng hoạt dịch của khớp nên biểu hiện lâm sàng là: Sưng, nóng, đỏ, đau và hạn chế vận động của khớp. Bệnh diễn biến từng đợt, ở giai đoạn này chưa có dấu hiệu tổn thương “bào mòn” ở sụn khớp và đầu xương. Nếu được phát hiện sớm ở giai đoạn này và chữa trị tích cực đúng cách, bệnh có thể diễn biến tốt.
Giai đoạn sau (giai đoạn muộn): Do hậu quả của viêm màng hoạt dịch, nên đã bắt đầu xuất hiện tổn thương “bào mòn” ở sụn khớp và đầu xương, cần chú ý là các tổn thương này khi đã xuất hiện thì không thể mất đi được. Nếu không được chữa trị đúng, các tổn thương ở sụn khớp và đầu xương ngày càng nặng, làm khe khớp dần dần hẹp lại, các đầu xương dính với nhau gây biến dạng khớp, dính khớp, cứng khớp và mất khả năng vận động của khớp. Lúc này bệnh đã ảnh hưởng toàn thân như sốt, xanh xao, suy nhược, chán ăn, gầy sút...
Điều trị bệnh VKDT
Quan niệm hiện nay về điều trị bệnh VKDT là điều trị toàn diện gồm mục tiêu:
Điều trị triệu chứng: Sưng, nóng, đỏ, đau và cải thiện khả năng vận động của khớp bằng các thuốc kháng viêm giảm đau loại corticoid hoặc loại không có steroid. Loại thuốc này không được dùng dài ngày vì có nhiều tác dụng phụ, do vậy việc sử dụng thuốc phải do bác sĩ chỉ định.
Điều trị cơ bản: Là sử dụng thuốc chống thấp khớp có thể làm ngưng bệnh hoặc làm giảm sự tiến triển của bệnh.
Các thuốc điều trị cơ bản VKDT gồm:
Thuốc cổ điển: Methotrexate, sulfasalazine, hydroxychlorquin...
Thuốc mới: Cyclosporine A, Leflunomid, Mycophenolate Mofetil, ức chế TNF...
Việc dùng thuốc để điều trị cơ bản là sau khi bệnh VKDT được chẩn đoán xác định thì việc dùng thuốc càng sớm càng tốt, nhất là trước khi xuất hiện tổn thương sụn khớp và đầu xương, bởi thuốc có thể làm ngưng sự tiến triển của bệnh, chứ không thể cải tạo được các tổn thương thực thể đã có tại sụn khớp và đầu xương.
- Điều trị hỗ trợ như tập luyện nhẹ, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, châm cứu, xoa bóp, thuốc đông y... có thể góp phần trong quá trình điều trị VKDT.
- Điều trị các biến chứng do thuốc điều trị gây ra như viêm loét dạ dày, hành tá tràng, loãng xương, nhiễm trùng... và các di chứng: Dính khớp, biến dạng khớp (bằng phẫu thuật chỉnh hình).
Nói tóm lại, việc điều trị bệnh VKDT phải được phát hiện sớm, điều trị sớm ngay từ giai đoạn đầu, khi người bệnh chưa bị ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, chưa có tác dụng phụ của thuốc gây ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận