31/03/2007 23:12 GMT+7

Bệnh viêm họng - Chớ xem thường!

Theo BS. BÙI MAI HƯƠNG - Sức khỏe & đời sống
Theo BS. BÙI MAI HƯƠNG - Sức khỏe & đời sống

Viêm họng là một bệnh gặp khá phổ biến, mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh nhưng tỷ lệ viêm họng cấp tính thường gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên, viêm họng mạn tính gặp ở lứa tuổi lớn hơn.

VSdutVu8.jpgPhóng to

Họng là cửa ngõ của các cơ quan hô hấp trên, hô hấp dưới, hệ thống xoang, mũi và hệ tiêu hóa. Khi họng bị viêm rất dễ làm ảnh hưởng đến các cơ quan có liên quan do chúng có sự liên thông với nhau hoặc do cơ chế miễn dịch của cơ thể.

Có nhiều nguyên nhân gây viêm họng như hơi hóa chất, khói thuốc lá, bụi (trong bụi có rất nhiều loại vi sinh vật khác nhau), không khí bị ô nhiễm và vi sinh vật (vi khuẩn, virus và vi nấm). Căn nguyên vi sinh vật là một trong những căn nguyên hay gặp nhất gây nên viêm họng. Trong bài viết này chúng tôi xin đề cập đến căn nguyên này.

Đối với vi sinh vật, đặc biệt là vi khuẩn, có những loài gây viêm họng và để lại những hậu quả rất nặng nề, ví dụ như bệnh thấp tim do viêm họng bởi vi khuẩn Streptococcus pyogenes (liên cầu nhóm A : LCA).

Biểu hiện khi bị viêm họng

Thông thường có hai loại viêm họng: viêm họng cấp và viêm họng mạn tính.

Viêm họng cấp tính có thể tự phát cũng có thể xảy ra sau một sự thay đổi thời tiết đột ngột hoặc do một số bệnh khác có liên quan như viêm xoang, viêm mũi cấp tính hoặc mạn tính... Triệu chứng điển hình là sốt cao, rét run, đau họng, đặc biệt là khi nuốt, sau vài ngày xuất hiện ho khan sau đó có thể có xuất tiết có đờm.

Viêm họng mạn tính thường được gọi là viêm họng hạt. Sốt nhẹ hoặc không sốt, họng rát, ngứa, có cảm giác nuốt hơi vướng và luôn cảm thấy có chất nhày chảy xuống họng.

Ở những đối tượng tổ chức amidan đang phát triển thì thường viêm họng có kèm theo viêm amidan (viêm họng và viêm amidan cấp tính).

Viêm họng mạn tính thường gặp ở những bệnh nhân lớn tuổi hoặc amidan đã teo nhỏ, hoặc đã được phẫu thuật cắt bỏ thì chỉ thấy họng đỏ, có nhiều tổ chức hạt lổn nhổn ở trụ trước, trụ sau và thành sau họng. Cũng có một số ít trường hợp viêm họng kèm theo chảy máu có thể là do ung thư vòm họng.

Phòng bệnh viêm họng

Cần vệ sinh răng, miệng, họng hằng ngày như đánh răng, súc họng bằng nước muối loãng. Khi có các bệnh về răng, miệng, xoang, mũi... cần được điều trị dứt điểm tránh để mầm bệnh tồn tại và lây lan vào vùng họng hầu và vệ sinh răng miệng, họng hầu cũng để khai thông đường thở, làm cho thở thông thoáng, nhẹ nhàng hơn.

Khi thầy thuốc khám bệnh và xác định có viêm họng, cần điều trị thật nghiêm túc, đúng phác đồ. Những loại kháng sinh thầy thuốc kê đơn, người bệnh cần dùng đúng liều, đúng thời gian. Không nên tự mua thuốc để điều trị ngay cả các thuốc điều trị triệu chứng, đặc biệt là kháng sinh để tránh vi khuẩn nhờn thuốc (kháng thuốc) làm cho những đợt viêm họng sau này rất khó điều trị.

Nên đeo khẩu trang khi ra đường để tránh bụi vì trong bụi có vô vàn vi sinh vật gây bệnh, ngoài ra đeo khẩu trang còn có nhiều tác dụng khác như hạn chế hít phải không khí ô nhiễm khi đi qua vùng không khí không được sạch. Những người hay bị viêm họng không nên uống nước lạnh quá hoặc nước đá, đặc biệt là mùa hè hay dùng trong giải khát như bia lạnh, nước giải khát ướp lạnh...

Đối với phòng bệnh thấp tim, việc tuyên truyền giáo dục cho mọi người hiểu biết về tác hại của viêm họng và hậu quả của bệnh thấp tim do viêm họng bởi LCA là rất cần thiết. Việc này nhằm nâng cao sức khỏe cho mọi người, tránh nhiễm và mắc bệnh do LCA.

Phòng bệnh thấp tim còn được tiêm dự phòng bằng kháng sinh penicilin chậm hằng tháng hoặc 3 tuần một lần trong vài năm sau đó tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe bệnh nhân (nếu bị dị ứng thì có thể thay bằng loại kháng sinh khác).

Theo BS. BÙI MAI HƯƠNG - Sức khỏe & đời sống
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên