30/07/2016 14:34 GMT+7

​Bệnh tả và các biện pháp phòng bệnh

Nguồn: Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM

Trên thế giới đã xảy ra nhiều vụ dịch tả do chủng Eltor gây ra, bệnh tả đã ảnh hưởng đến 3-5 triệu người và gây tử vong từ 100.000 – 130.000 người mỗi năm.

Bệnh tả là gì?

Bệnh tả là bệnh nhiễm trùng cấp tính  thuộc nhóm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thường gặp, gây tiêu chảy do ăn phải thức ăn hay nước uống bị nhiễm phẩy khuẩn tả Vibrio Cholera, cả trẻ em và người lớn đều có thể mắc bệnh tả và có thể tử vong trong vòng vài giờ nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời.

Các triệu chứng của bệnh tả

-  Đầy bụng, sôi bụng.

-  Tiêu chảy liên tục lúc đầu có phân lỏng sau đó toàn nước, nước phân đục như nước vo gạo có mùi tanh.

-  Nôn, lúc đầu nôn ra thức ăn, sau đó chất nôn toàn nước trong hoặc vàng nhạt.

-  Người mệt lả, mất nước, rối loạn điện giải, da khô nhăn nheo, mắt trũng sâu, mạch nhanh, huyết áp tụt, vô niệu, chân tay lạnh.

Những nhóm người có nguy cơ mắc bệnh tả cao

-  Người tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân tả (cùng ăn uống sinh hoạt).

-  Dân cư sống ở những nơi không có nhà vệ sinh hoặc sử dụng hố xí không hợp tiêu chuẩn vệ sinh (đổ thẳng xuống mương, kênh, sông, suối hoặc làm nhà vệ sinh trên ao thả cá…)

-  Sử dụng nước bề mặt (ao, hồ, kênh mương) để sinh hoạt (tắm rửa, ăn uống).

-  Có tập quán ăn uống không hợp vệ sinh: không ăn chín uống sôi, ăn rau sống, ăn hải sản chưa nấu chín, dùng phân tươi trồng trọt.

-  Vùng bị ngập lụt nguồn nước bị ô nhiễm không được xử lý đúng cách.

Đường lây truyền bệnh tả

Bệnh tả lây theo đường tiêu hóa, qua đường nước bị nhiễm bẩn bởi phân người, phân động vật và thực phẩm bị nhiễm phẩy khuẩn tả trong quá trình chế biến, bảo quản, qua bàn tay bẩn, ruồi nhặng…

Những yếu tố làm tăng nguy cơ lan truyền bệnh dịch tả trong cộng đồng

-  Những nơi dân trí thấp, phong tục tập quán lạc hậu, thiếu nước sạch, không sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.

-  Dùng thức ăn bị ô nhiễm mất vệ sinh như: thức ăn đường phố, hàng quán không đảm bảo vệ sinh.

 -  Những vùng bị thiên tai, lũ lụt, động đất, hạn hán kéo dài.

Các biện pháp phòng chống bệnh tả

-  Cung cấp kiến thức về bệnh tả, bệnh tiêu chảy cấp cho cộng đồng để người dân tự phòng bệnh cho bản thân và gia đình như: ăn chín uống sôi, không ăn rau sống, tiết canh, nước đá, mắm, ruốc, các loại hải sản…

-  Thực hành vệ sinh cá nhân: rửa tay bằng xà phòng thường xuyên trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

-  Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, không vứt rác xuống ao hồ gây ô nhiễm nguồn nước, diệt ruồi nhặng. Ăn chín, uống chín, dùng nước sạch trong ăn uống.

Khi bị tiêu chảy cấp nhanh chóng đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị kịp thời. Đối với nghành y tế, cần tăng cường kiểm tra vệc cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở giết mổ, chế biến thực phẩm, nhà hàng, bếp ăn tập thể, trường học, thức ăn đường phố, tăng cường giám sát các trường hợp tiêu chảy cấp, phát hiện các ca bệnh tả đầu tiên để có biện pháp cách ly điều trị kịp thời không để lây lan thành dịch trong cộng đồng.

Nguồn: Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: bệnh tả