Bệnh sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virus Dengue gây ra. Cho đến nay, nó vẫn là một bệnh rất nguy hiểm do bệnh dễ lây lan thành dịch, chưa có vắc- xin phòng ngừa và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Những trường hợp nặng (sốc nặng) nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết
- Chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết tại nhà (bệnh nhẹ)
Đa số bệnh nhân sốt xuất huyết thường là thể nhẹ, thầy thuốc hướng dẫn chăm sóc, theo dõi tại nhà. Hạ sốt bằng cách lau mát bằng nước ấm khi sốt cao. Cho bệnh nhân uống Paracetamol với liều lượng 10-15 mg/kg cân nặng cơ thể/một lần, mỗi ngày uống 3-4 lần; cho người bệnh uống nhiều nước (nước nấu sôi để nguội, nước trái cây, nước biển khô...), ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu như súp, cháo, sữa… Đưa người bệnh đến khám lại tại các cơ sở y tế theo lịch hẹn.
- Đưa ngay người bệnh đến bệnh viện khi có dấu hiệu trở nặng sau
Bứt rứt, vật vã hoặc li bì; bàn tay, bàn chân lạnh; tiểu ít; đau bụng hoặc đi cầu ra máu; da đổi màu tím bầm, môi tím lại...
Chú ý, tuyệt đối tránh những việc làm không đúng sau đây: cạo gió, chích lể (vì có thể gây vỡ mạch máu); dùng thuốc Aspirin để hạ sốt vì sẽ gây thêm xuất huyết; truyền dịch ở phòng khám tư; quấn kín, mặc quần áo nhiều làm trẻ sốt hơn và khó thở; nhịn ăn uống dẫn đến suy kiệt khiến tình trạng bệnh nặng thêm...
Hiện nay thời tiết đang vào mùa mưa, là điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn phát triển, qua đó làm tăng nguy cơ lây truyền bệnh sốt xuất huyết.
Bệnh sốt xuất huyết rất nguy hiểm. Tuy vậy, bệnh có thể phòng ngừa được nếu mỗi chúng ta đều thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh rất đơn giản, không tốn kém mà hiệu quả lại rất cao, trong đó diệt lăng quăng là biện pháp căn cơ nhất, hiệu quả nhất.
Một số biện pháp phòng ngừa
- Không tạo nơi cho muỗi đẻ trứng, đồng thời tìm diệt lăng quăng hàng tuần
Đậy kín và cọ rửa thường xuyên lu, khạp, dụng cụ chứa nước; thả cá bảy màu vào dụng cụ chứa nước, hồ non bộ; lật úp hoặc dẹp bỏ các vật phế thải (nhất là các vỏ xe ô tô, can nhựa hỏng, vại vỡ, vỏ dừa...) quanh nhà có thể chứa hoặc đọng nước mưa; thay nước bình bông thường xuyên; đổ dầu cặn hoặc bỏ muối vào các chén nước chống kiến ở chân tủ đựng thức ăn, chạn đựng chén bát; lấp kín những hốc cây có chứa nước đọng bằng xi măng hoặc cát... Đây là biện pháp rất quan trọng để muỗi không có chỗ đẻ trứng hoặc nếu có trứng, thành lăng quăng thì bị tiêu diệt ngay, không cho chúng phát triển thành muỗi, và phải làm thường xuyên hàng tuần.
- Không tạo nơi cho muỗi trú ẩn
Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp, sạch thoáng; không treo quần áo dơ (mặc rồi) bừa bãi làm chỗ cho muỗi trú đậu; thường xuyên tổ chức vệ sinh phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, tạo môi trường sống trong lành.
- Phòng ngừa muỗi đốt (chích) và tiêu diệt muỗi
Diệt muỗi bằng bình xịt muỗi, vợt điện, nhang trừ muỗi... Mặc quần dài, áo dài tay; ngủ mùng (cả ban ngày); thoa thuốc chống muỗi ở vùng da lộ ra ngoài; tẩm mùng bằng hóa chất để ngừa muỗi chích. Khi ngành y tế triển khai các đợt phun thuốc diệt muỗi diện rộng, các hộ gia đình cần tích cực phối hợp, mở cửa nhà, tạo điều kiện cho cán bộ chuyên môn phun thuốc phòng chống dịch bệnh, vì sức khỏe của mọi người dân.
Hiện nay, một số người cho rằng cứ phun thuốc diệt hết muỗi là sẽ phòng được bệnh sốt xuất huyết! Đây là quan niệm chưa đúng, chỉ là phần “chữa ngọn”, được thực hiện khi có chỉ định của ngành y tế. Nếu không tổ chức diệt lăng quăng tốt, triệt để thì sau đợt phun thuốc lại có số muỗi trưởng thành mới xuất hiện phát triển từ lăng quăng (cứ trung bình 7-10 ngày một lứa), chưa kể đến vấn đề môi trường.
Vì vậy, vấn đề cốt lõi và quan trọng nhất, dễ thực hiện nhất, ít tốn kém nhất trong phòng chống sốt xuất huyết là mọi người, mọi nhà hàng tuần hãy dành ra 10 phút để dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa, môi trường xung quanh, truy diệt lăng quăng. Không có lăng quăng - không có muỗi vằn - không có sốt xuất huyết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận