Tại khoa hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM đông nghẹt bệnh nhi ở các phòng bệnh - Ảnh: XUÂN MAI
Bệnh viện đã và đang thực hiện nhiều biện pháp giảm quá tải nội trú như tăng cường sàng lọc tại khu khám bệnh, chỉ cho nhập viện những trường hợp thật sự cần thiết theo đúng phác đồ điều trị. Đối với những bệnh nhi nội trú đã điều trị tương đối ổn định (chưa hết bệnh nhưng đã qua giai đoạn cấp cứu), bệnh viện sẽ chuyển sang điều trị ngoại trú hoặc chuyển về tuyến trước để tiếp tục điều trị tại địa phương.
Ông Ngô Ngọc Quang Minh (phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1)
Các bác sĩ dự báo con số này còn tăng mạnh vào những tháng tới.
Bệnh từ nhẹ thành nặng
Ghi nhận tại khu khám ở hai bệnh viện trên vào những ngày cuối tháng 8, rất đông phụ huynh ôm con nhỏ vào viện. Các bé thở khò khè, sổ mũi, được ba mẹ đắp khăn ướt lên trán.
Tại khoa hô hấp đông nghẹt bệnh nhi ở các phòng bệnh, thậm chí nhiều giường bệnh được kê dọc hành lang.
Bé H.B.T.N. (2 tháng tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang) đang điều trị tại khoa hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1 vì viêm tiểu phế quản, trào ngược dạ dày.
Ngoài điều trị thuốc theo phác đồ, hiện các bác sĩ phải vật lý trị liệu để loại bỏ long đàm nhớt, thông thoáng đường thở cho bé.
Chị B.T.X.T. - phụ huynh bé N. - cho biết hai ngày trước bé N. có biểu hiện sốt, ho kéo dài, sổ mũi, kèm theo thở khò khè. Gia đình đưa bé N. đến một phòng khám địa phương, được bác sĩ kê đơn thuốc uống 2 ngày.
Khi bé N. uống hết đơn thuốc, chị T. đưa bé N. tái khám. Tại đây, bác sĩ phòng khám cho biết bé N. bị viêm phổi và yêu cầu nhập viện gấp.
"Uống đến liều thứ 2 là tôi thấy cháu hết nóng, hết sốt nhưng vẫn còn sổ mũi, có vẻ thở khó hơn. Tuy nhiên, gia đình vẫn kiên trì cho cháu sử dụng hết số thuốc còn lại, không ngờ làm tình trạng bệnh của con lại nặng hơn" - chị T. nói.
Trường hợp khác là bé L.N.M. (9 tháng tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương), dù trước đó đã đi khám tại một bệnh viện ở địa phương nhưng suốt hai tuần qua bé vẫn không ngừng ho có đàm, người nóng ấm, thở khò khè.
Lo lắng, sáng sớm 29-8, gia đình đưa bé M. đến Bệnh viện Nhi đồng 2 khám. Tại đây, bác sĩ cho biết bé M. bị viêm phế quản, đàm nhớt đọng nhiều ở họng gây thở khò khè.
Theo số liệu thống kê của Bệnh viện Nhi đồng 1, kể từ tháng 6 đến nay, số lượng bệnh nhi đến khám bệnh do mắc các bệnh lý đường hô hấp tăng khoảng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng tháng 7, bệnh viện tiếp nhận 59.450 ca khám bệnh hô hấp ngoại trú, trong khi tháng 7-2018 là khoảng 53.022 ca.
Theo kết quả số liệu thống kê của Bệnh viện Nhi đồng 2, chỉ riêng tháng 7 bệnh viện tiếp nhận hơn 90.500 bệnh nhi khám mắc viêm hô hấp trên và viêm hô hấp dưới, trong khi cùng kỳ năm ngoái là hơn 80.200 ca.
Bệnh có xu hướng tăng nhanh
Các bệnh viện nhi dự báo, theo diễn tiến mọi năm, số ca mắc bệnh hô hấp tại các tỉnh miền Nam sẽ tăng dần, đỉnh điểm sẽ rơi vào tháng 9, tháng 10 và đến tháng 11 thì giảm dần, tuy nhiên đến tháng 12 lại tăng nhẹ.
TS.BS Trần Anh Tuấn - trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1 - cho hay tình trạng quá tải bệnh nhi diễn ra từ tháng 8 đến tháng 10, trong đó nhóm bé mắc bệnh và loại bệnh "gọi tên" nhiều nhất là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi mắc các bệnh hô hấp.
Có ít nhất 70% bệnh nhi đến khám tại các phòng khám mắc các bệnh hô hấp (chủ yếu là hô hấp trên) và có đến 20-25% trong số này sẽ diễn tiến thành viêm phổi.
Đối với số lượng bệnh nhi hô hấp nhập viện điều trị nội trú thì vẫn giữ ở mức ổn định, không tăng. Bệnh viện dự báo, theo diễn tiến mọi năm, số ca mắc bệnh hô hấp sẽ tăng dần và đỉnh điểm ở tháng 9, tháng 10.
Trước tình trạng trẻ ồ ạt đi khám và nhập viện các bệnh hô hấp, BS CKII Đặng Thị Kim Huyên - trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Nhi đồng 2 - nhận định thời tiết giao mùa (chuyển từ nắng gắt sang mưa lạnh) và mùa tựu trường là những điều kiện thuận lợi cho nhiều mầm bệnh phát sinh, đặc biệt là các bệnh liên quan đến đường hô hấp.
Bên cạnh đó, đối với cơ thể trẻ, đặc biệt trẻ dưới 1 tuổi thì sức đề kháng và hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên không thể chống lại những tác nhân bên ngoài, dẫn đến trẻ dễ mắc bệnh, các phụ huynh cần lưu ý.
Lưu ý cách trẻ thở
BS khám bệnh cho một bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM - Ảnh: XUÂN MAI
BS Trần Anh Tuấn cho biết, khi trẻ mắc các bệnh hô hấp đa số sẽ hết bệnh trong vòng 10-14 ngày.
Nếu trẻ có dấu hiệu nghiêm trọng như ho ra đàm cục, khó thở, thở lõm ngực, sốt cao, bỏ bú, co giật... thì cần nhanh chóng đưa trẻ đi cấp cứu vì bên cạnh mắc các bệnh hô hấp, có thể trẻ mắc thêm các bệnh nguy hiểm khác.
Tuy nhiên, hiện nhiều phụ huynh có một hiểu lầm khá phổ biến là khi trẻ bệnh chỉ quan tâm đến mức độ ho nhưng lại không biết trẻ thở như thế nào. Họ tự cho rằng trẻ ho nhiều thì bệnh nặng, còn ho ít là bệnh nhẹ.
Đồng thời, người dân ta có thói quen hay quấn/mặc nhiều lớp khăn/áo vì sợ gió lùa thì vô hình trung lại không quan sát trẻ thở ra sao.
"Ho là biểu hiện thường gặp của bệnh hô hấp nhưng mức độ bệnh nặng nhẹ không phản ánh qua biểu hiện trẻ ho ít hay nhiều. Có những trường hợp cảm nhẹ thông thường thì ho nhiều hay trường hợp viêm phổi nặng lại không ho.
Thực tế đã có trường hợp chúng tôi hỏi phụ huynh trẻ khó thở lâu chưa thì không ít người trả lời không biết vì họ không để ý đến chuyện thở" - BS Tuấn nói.
Tránh mắc bệnh hô hấp bằng cách nào?
- Đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ theo chương trình tiêm chủng quốc gia.
- Trẻ dưới 6 tháng tuổi cần cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ vì trong sữa mẹ có các kháng thể giúp tăng cường hệ miễn dịch khi hệ thống phòng vệ tự nhiên của bé chưa hoàn thiện.
- Giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ. Hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người trong mùa dịch bệnh. Khuyên trẻ ho, hắc xì vào cánh tay, không dùng lòng bàn tay như trước đây.
- Khi thời tiết trở mưa, lưu ý cho trẻ ăn mặc đủ ấm, tránh nơi gió lùa.
- Tuyệt đối không sử dụng lại đơn thuốc cũ khi thấy trẻ có các triệu chứng gần giống với đợt bệnh lần trước. Việc sử dụng thuốc tùy ý này có thể dẫn đến trẻ sử dụng thuốc kháng sinh, gây ra nhiều tác dụng phụ như: tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, dị ứng...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận