15/03/2016 17:42 GMT+7

Bệnh nhân ăn uống mắc nghẹn đã uống được sữa

T. LŨY
T. LŨY

TTO - Ngày 15-3, một ngày sau khi được nội soi chữa căn bệnh ăn uống nuốt nghẹn suốt 4 năm, bà P.T.V. đã uống và nuốt được hết ly sữa trong niềm vui của gia đình.

Bệnh nhân đã uống hết được ly sữa sau một ngày thực hiện nội soi
Bệnh nhân đã uống hết được ly sữa sau một ngày thực hiện nội soi

Bà P.T.V., 47 tuổi, ở thị xã Ngã Năm, Sóc Trăng, vốn bị chứng bệnh ăn uống bị mắc nghẹn, ăn uống vào là thức ăn trào lên họng, lên mũi và đau ngực.

Bà kể đã bị hơn 4 năm nay, thấy đói bụng nhưng hễ ăn là thức ăn nghẹn ở họng, đã đi khám nhiều bệnh viện và có thời gian bác sĩ chẩn đoán bị bướu cổ chèn ép.

Tuy nhiên điều trị một thời gian bệnh nuốt nghẹn vẫn không giảm, mà ngày càng nặng, gần đây bà nằm ngủ không được, phải kê đầu cao lên vì nằm xuống là nước tràn ra mũi.

Bà V. đến khám tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, các bác sĩ thăm khám cho chụp CT-scan ngực bụng, nội soi thực quản - dạ dày và chẩn đoán bà V. bị co thắt tâm vị, thức ăn không xuống được bao tử, chỉ nằm ở thực quản nên dễ bị ói.

Bác sĩ La Văn Phú - trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ - cho biết đã phẫu thuật heller qua nội soi, đây là kỹ thuật cắt lớp cơ vòng ở đoạn thắt tâm vị, sau đó khâu xếp nếp đáy vị kiểu dor. Phương pháp này là một loại phẫu thuật nội soi khó thực hiện, nhưng giúp bệnh nhân hồi phục nhanh và giảm biến chứng viêm thực quản trào ngược sau mổ.

Hiện nay bà V. ăn uống được thức ăn loãng, không còn triệu chứng mắc nghẹn, mệt mỏi như mấy năm qua.

Theo bác sĩ Phú, co thắt tâm vị là chứng bệnh nguy hiểm, gây loét, thủng thực quản; nếu viêm loét thực quản kéo dài dẫn đến loạn sản và ung thư hóa. Bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác, nên khó chẩn đoán. Trong quá trình phẫu thuật nội soi, bác sĩ phải có kinh nghiệm vì rất dễ gây tổn thương làm thủng thực quản của bệnh nhân.

T. LŨY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên