11/11/2005 11:20 GMT+7

Bệnh loãng xương ở nam giới

Theo VNE, Sức khỏe & đời sống
Theo VNE, Sức khỏe & đời sống

Nam giới dễ bị loãng xương nếu có mẹ từng bị gãy xương hoặc loãng xương. Bản thân người đàn ông thấp bé, nhẹ cân cũng dễ gặp sự cố hơn người khác.

X3q5wpE5.jpgPhóng to
Luyện tập hằng ngày sẽ giúp chống gãy xương
Nam giới dễ bị loãng xương nếu có mẹ từng bị gãy xương hoặc loãng xương. Bản thân người đàn ông thấp bé, nhẹ cân cũng dễ gặp sự cố hơn người khác.

Bệnh loãng xương

Nam giới ít bị loãng xương so với nữ giới do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là do quá trình phát triển sinh lý của hai giới khác nhau. Bé trai bắt đầu dậy thì chậm hơn bé gái 2-3 năm và thời kỳ dậy thì cũng kéo dài hơn.

Do vậy, thời gian thu nạp khoáng chất, xây dựng bộ xương kéo dài hơn. Điều này dẫn đến nam giới ở tuổi trưởng thành có khối lượng xương đỉnh cao hơn nữ giới, thể hiện là nam giới có thể hình cao to và cân nặng hơn nữ giới.

Tiếp theo là giai đoạn cơ thể cố gắng giữ ổn định “tài sản” xương của mình trong khoảng 20-30 năm. Ở giai đoạn này, lao động thể lực, tập thể dục thể thao thường xuyên ở nam giới càng làm bộ xương bền và chắc hơn. Sự mất xương thường chỉ xuất hiện ở phụ nữ sau tuổi 40. Đặc biệt là quanh độ tuổi mãn kinh, tình trạng mất xương trở nên đáng kể hơn và ngày càng tiếp diễn sau khi mãn kinh. Do vậy chỉ 5-10 năm sau khi hết kinh thì nữ giới đã có thể bị loãng xương, thậm chí bị gãy xương sau một va chạm nhỏ hay té ngã.

Tuy nhiên, ở nam giới tình hình lại khác, sự lão hóa xương ở nam giới đặc trưng bởi sự mất xương bên trong ống xương và có sự gia tăng thêm xương, áp xương xung quanh ống xương. Thậm chí người ta quan sát thấy xương nam giới có tuổi còn hơi to ra, thể hiện sức bền cơ học còn tốt, bù trừ được quá trình mất nội xương.

Quá trình mất xương đáng kể chỉ gặp ở độ tuổi sau 70. Ở tuổi này, nhiều cụ ông đã “ra đi” vì mắc thêm các bệnh khác như tim mạch, ung thư tiền liệt tuyến, xơ gan… trong khi các cụ bà vẫn còn sống do tuổi thọ cao hơn. Do vậy loãng xương ở nữ giới lại càng trở thành vấn đề nổi trội.

Một nguyên nhân khác là vai trò của hoóc môn sinh dục của nam giới là androgen. Androgen có vai trò rất quan trọng trong việc xác lập giới tính nam ngay từ trong bào thai, quyết định trực tiếp kiểu hình của xương, cũng như tác dụng phát triển và bảo vệ xương nam giới suốt cuộc đời. Ở nam giới, androgen được sản xuất chủ yếu ở tinh hoàn. Chỉ một lượng nhỏ androgen được sản xuất bởi tuyến thượng thận.

Nam giới nhìn chung vẫn duy trì được chế độ sinh hoạt tình dục lâu bền, thậm chí ở lứa tuổi 70-80. Do vậy, androgen vẫn được sản xuất, bảo đảm đủ nhu cầu bảo vệ xương trong thời gian dài. Tuy nhiên, giảm sản xuất androgen do tuổi tác cũng góp phần gây nên hiện tượng lão hóa xương sinh lý. Ở độ tuổi 80, hoóc môn này suy giảm tới 60% so với ở độ tuổi 20. Như vậy hoóc môn nam giới testosteron có nhiều ưu điểm bảo vệ xương hơn so với hoóc môn sinh dục nữ estrogen.

Ở nữ giới, hoóc môn sinh dục nữ oestrogen có vai trò chính trong phát triển và bảo vệ xương. Oestrogen được sản xuất phần lớn ở buồng trứng, chỉ có một số ít oestrogen được sản xuất ở tuyến thượng thận. Ở Việt Nam, phụ nữ mãn kinh trung bình vào tuổi 47. Một điều không may là khi bước vào tuổi mãn kinh, chức năng buồng trứng bị suy giảm. Sau khi mãn kinh, lượng hoóc môn oestrogen tiết ra trong cơ thể phụ nữ sụt giảm rất nhiều.

Do vậy xương phụ nữ bị mất chất khoáng, hủy hoại rất nhanh, dẫn đến loãng và gãy xương. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cũng giải thích tình trạng loãng xương ở cả hai giới như giảm hấp thu canxi, rối loạn chuyển hóa vitamin D, giảm tắm nắng mặt trời ở người có tuổi. Tăng hoóc môn tuyến cận giáp PTH theo tuổi cũng giải thích được 40% mất xương theo tuổi tác.

Cho đến nay loãng xương vẫn chỉ được coi là bệnh lý chủ yếu của nữ giới. Tuy nhiên những năm gần đây, một số nghiên cứu đã chứng tỏ loãng xương ở nam giới là vấn đề đang được quan tâm. Tỷ lệ loãng xương ở nam giới ngày càng có chiều hướng gia tăng do tuổi thọ nam giới ngày càng cao, mức độ nặng của bệnh cũng rất đáng kể.

Các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy loãng xương gặp ở 3-6% nam giới trên 50 tuổi (so với 13-18% ở nữ cùng độ tuổi). Loãng xương và gãy xương do loãng xương gây đau đớn, giảm khả năng vận động và chất lượng sống. Tỷ lệ tử vong trong vòng 1 năm đầu sau gãy xương ở nam giới cao hơn từ 2-3 lần so với nữ giới.

Các yếu tố, nguy cơ dẫn đến loãng xương và gãy xương ở nam giới

Nam giới có nguy cơ gãy xương tăng cao khi có mẹ từng bị loãng xương hay gãy xương. Bản thân người đàn ông thấp bé, nhẹ cân cũng thường bị loãng xương và gãy xương hơn những người khác. Nguy cơ này còn cao hơn nữa nếu nam giới ăn ít thức ăn chứa canxi (< 800mg/ngày) trong khi đó lại uống nhiều rượu và hay hút thuốc lá.

Ngày nay những nhân viên, công chức, tận dụng quá nhiều nhiều tiện nghi hiện đại, ít vận động, làm việc tĩnh tại, ngồi lâu trong các văn phòng, công sở đều có nguy cơ loãng xương và gãy xương. Một số tình trạng bệnh lý khác ở nam giới như suy sinh dục, ung thư tiền liệt tuyến phải điều trị bằng hóa chất, bệnh lý viêm mạn tính, cường giáp và tăng canxi niệu, phải điều trị bằng thuốc corticoid đều làm trầm trọng thêm tình trạng loãng xương.

Một số thuốc khác dùng ở nam giới tuy không làm loãng xương nhưng lại có thể làm tăng khả năng bị té ngã dẫn đến gãy xương như thuốc ngủ, an thần, chống động kinh, điều trị bệnh Parkinson.

Nam giới có các yếu tố nguy cơ cũng như dấu hiệu của loãng xương đều cần đo mật độ xương. Nam giới trên 50 tuổi, cần đo mật độ xương khi có tiền sử gia đình bị loãng xương, giảm chiều cao, tiền sử bản thân bị gãy xương, sử dụng các loại thuốc làm giảm mật độ xương. Sau 70 tuổi, đo mật độ xương được tiến hành khi có ít nhất một yếu tố nguy cơ loãng xương. Tuy nhiên, cần chú ý tìm nguyên nhân loãng xương để có thể điều trị triệt để.

Theo VNE, Sức khỏe & đời sống
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên