09/02/2004 06:01 GMT+7

Bệnh lở mồm long móng là gì?

LÊ THANH HÀ
LÊ THANH HÀ

TT - Ngày 6-2-2004, UBND tỉnh Quảng Nam đã quyết định công bố dịch lở mồm long móng (LMLM) trên gia súc trong phạm vi toàn tỉnh. Tính đến 7-2, tại tỉnh này đã có 27 xã của sáu huyện thị có dịch với hơn 1.000 trâu, bò, heo phát bệnh. Bệnh LMLM là gì, có nguy hiểm cho con người không? Có thể phòng bệnh LMLM cho gia súc...?

JXGf6RZN.jpgPhóng to

Ông Hoàng Phương Nam

TT - Ngày 6-2-2004, UBND tỉnh Quảng Nam đã quyết định công bố dịch lở mồm long móng (LMLM) trên gia súc trong phạm vi toàn tỉnh. Tính đến 7-2, tại tỉnh này đã có 27 xã của sáu huyện thị có dịch với hơn 1.000 trâu, bò, heo phát bệnh. Bệnh LMLM là gì, có nguy hiểm cho con người không? Có thể phòng bệnh LMLM cho gia súc...?

PV Tuổi Trẻ đã trao đổi với ông Hoàng Phương Nam - trưởng trạm phòng chống dịch và kiểm dịch động vật, Chi cục Thú y TP.HCM - về những vấn đề này. Ông Nam cho biết:

- Bệnh LMLM là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan rất mạnh đối với động vật móng guốc - chủ yếu gây bệnh cho heo, trâu, bò, dê, cừu và đôi khi ở người.

Bệnh LMLM gây thiệt hại kinh tế lớn vì bệnh làm gia súc mất sức cày kéo, giảm sản lượng thịt, giảm sản lượng sữa, gây sẩy thai. Mặc dù bệnh lây lan mạnh nhưng chỉ có khoảng dưới 5% heo mắc bệnh bị chết. Tuy nhiên, với gia súc non mắc bệnh tỉ lệ chết lên tới 50-60%.

Bệnh LMLM do enterovirus thuộc họ Picornaviridae gây ra. Có bảy serotype virus LMLM là A, O, C, SAT1, SAT2, SAT3 và ASIA1. Bệnh trở thành dịch ở nhiều nơi trên thế giới như ở Nam Phi, Sudan, Trung Đông, châu Á, tiểu lục địa Ấn Độ, Philippines, Nam Mỹ. Bệnh LMLM không có ở Bắc và Trung Mỹ, Úc, các đảo ở Thái Bình Dương và phần lớn châu Âu.

Xung quanh vấn đề bệnh LMLM ở gia súc có liên quan đến sức khỏe của người như thế nào, ông Hoàng Phương Nam cho biết: cho đến nay chưa thấy bệnh LMLM ở gia súc lây sang người. Việc ăn nhầm phải thịt gia súc bị bệnh LMLM cũng chưa ghi nhận thấy có ảnh hưởng đến sức khỏe và lây sang người.

* Triệu chứng của gia súc bị bệnh LMLM như thế nào, thưa ông?

- Thời gian ủ bệnh thường 3-8 ngày, triệu chứng đầu tiên là con vật sốt cao 40 - 41OC, sữa giảm đột ngột ở những con đang cho sữa, con vật ủ rũ và bỏ ăn. Khoảng một ngày sau, mụn nước phát triển ở chân (kẽ móng, quanh gờ móng và bướu gót chân), ở niêm mạc miệng (lưỡi, lợi, môi và chân răng) và đầu vú.

Mới đầu mụn nước nhỏ (1-2cm đường kính) nhưng nhanh chóng to ra và nổi lên bề mặt có màu trắng, những mụn này có thể hợp lại với nhau. Khoảng một ngày sau nữa, mụn nước vỡ chảy ra dịch màu vàng rơm và tạo nên các vết loét thô đau ở miệng (con vật chảy nhiều nước bọt, lúc đầu trong, lỏng sau đục tạo thành sợi).

Khi mắc bệnh, con vật ăn ít hoặc bỏ ăn do viêm miệng, thường hay chép miệng. Mụn nước ở kẽ móng chân vỡ ra, vi khuẩn xâm nhập làm chân đau, đi lại khó khăn, biểu hiện què. Nếu bị nặng, móng chân có thể bị long ra, con vật không đi lại được, buộc phải loại thải. Mụn nước ở lỗ đầu vú gây viêm vú. Đối với con vật đang cho sữa có thể mất hẳn sữa.

* Bệnh LMLM ở gia súc lây truyền như thế nào, thưa ông?

- Trong khoảng một tuần sau khi mụn nước vỡ ra, gia súc mắc bệnh thải virus trong nước bọt, sữa, tinh dịch, phân, nước tiểu và hơi thở. Virus có thể sống sót bên ngoài vật chủ trong vài tháng - nếu không bị tác động của nhiệt hay thay đổi độ pH.

Trong thân thịt đông lạnh, virus có thể sống sót một thời gian dài. Virus LMLM có thể truyền từ nơi này sang nơi khác bằng xe cộ, quần áo. Trong điều kiện khí hậu mát và ẩm, virus có thể theo gió đi rất xa.

* Gia súc bị bệnh LMLM có chữa được không và chữa bằng cách nào, thưa ông?

- Bệnh có thể nhẹ, gia súc hồi phục nhanh trong vòng 10 ngày. Nếu cần thiết có thể áp dụng điều trị các tổn thương cục bộ như sau:

Ở miệng: dùng chất sát trùng nhẹ như thuốc tím 0,1% hoặc nước quả chua như chanh, khế, bưởi… bóp lấy nước xoa vào niêm mạc miệng. Cho gia súc ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa.

Ở móng: rửa sạch, dùng các loại kháng sinh mỡ, cồn iôt, các bài thuốc nam (lá bàng, lá phèn đen, than xoan, lá trầu không…) để chống nhiễm trùng, kích thích lên da non, chống ruồi muỗi.

Ở vú: vắt cạn sữa thường xuyên, sát trùng mụn loét bằng dung dịch sát trùng; nếu con vật bị nặng, dùng kháng sinh như Penicillin, Streptomycin… để tiêm.

* Xin ông cho biết một số biện pháp phòng bệnh LMLM trên gia súc?

- Khi nghi gia súc mắc bệnh, phải báo ngay cho cán bộ thú y, không được giết mổ hoặc bán chạy gia súc ốm; tiêu hủy heo, dê, cừu mắc bệnh. Vùng có dịch bệnh cũ phải tiêm phòng văcxin cho gia súc hằng năm.

Cách ly triệt để gia súc mắc bệnh cho đến khi chúng khỏi hẳn. Tiêu độc hằng ngày chuồng nuôi, chất thải của gia súc mắc bệnh, dụng cụ chăn nuôi bằng nước vôi đặc 10-20%, vôi bột hoặc xút 2%, formol 2%, crezin 5%... Những thuốc này đều có bán tại các cửa hàng thuốc thú y.

Trong trường hợp có ổ dịch, có thể giảm lây nhiễm bằng các biện pháp vệ sinh như tiêu hủy thức ăn, chất độn chuồng gia súc nhiễm bệnh, hạn chế vận chuyển gia súc và người đi lại, tiêu độc chuồng trại nơi xảy ra dịch.

* Việc tiêm phòng văcxin LMLM cho gia súc như thế nào và tiêm ở đâu, thưa ông?

- Để phòng bệnh LMLM cho gia súc, mỗi năm phải chích ngừa văcxin phòng bệnh cho chúng hai lần. Tại TP.HCM hiện nay, đối với heo thuộc các hộ xóa đói giảm nghèo, khó khăn, ngành thú y chích ngừa miễn phí 100%; đối với hộ chăn nuôi bình thường, những trại chăn nuôi heo lớn được giảm phí chích ngừa văcxin 50% (còn 3.500đ/mũi/con).

Riêng đối với trâu, bò được chích ngừa hoàn toàn miễn phí 100%. Người dân ở TP.HCM có nhu cầu chích ngừa cho gia súc của mình chỉ việc đăng ký với các trạm thú y quận huyện sẽ được cán bộ thú y đến tận nhà, cơ sở để chích ngừa cho gia súc.

LÊ THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên