01/06/2016 14:27 GMT+7

​Bệnh dại - Tiêm vắc-xin để cứu sống bạn

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Bệnh dại là một bệnh nguy hiểm , cho đến nay kể cả y học hiện đại và y học cổ truyền đều khẳng định bệnh dại khi đã lên cơn thì 100% tử vong.

Biện pháp duy nhất để cứu chữa những người bị súc vật nghi dại cắn hoặc tiếp xúc với vi-rút dại là phải tiêm vắc-xin dại và huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt, không chữa bằng thuốc nam để tránh chết oan.

Bệnh dại gây ra do nhiễm vi rút dại, từ vết cắn của động vật mắc bệnh dại như chó, mèo, các động vật hoang dã như chuột, cáo, chồn, sóc, khỉ... Vi-rút dại xâm nhập vào mô dưới da và cơ, vào đầu các dây thần kinh ngoại biên di chuyển theo dây thần kinh đến tủy sống và não.

Xử lý vết thương

Khi bị chó, mèo, động vật hoang dã: cắn, cào xước, liếm trên da bị thương cần tiến hành xử trí vết thương theo các bước sau:

- Rửa sạch vết cắn bằng xà phòng, sát khuẩn và xử lý vết thương, cắt lọc mô dập nát, loại bỏ dị vật, không khâu kín vết thương.

- Tiêm phòng uốn ván bằng huyết thanh kháng độc tố SAT.

- Dùng kháng sinh phòng ngừa nhiễm trùng vết cắn.

Phòng ngừa bệnh

Sau khi xử trí vết thương cần tiến hành tiêm vắc-xin và huyết thanh phòng, chống bệnh dại tùy theo vị trí bị cắn, mức độ nông sâu của vết thương:

- Nếu vết cắn ở vùng đầu, mặt, cổ, bộ phận sinh dục, vết cắn sâu hoặc cắn nhiều chỗ... phải tiêm huyết thanh kháng dại SAR (serum antirabique). Có 02 loại huyết thanh kháng dại: loại bào chế từ huyết thanh người - liều tiêm 20 đơn vị/ kg cân nặng cơ thể và loại bào chế từ huyết thanh ngựa - liều tiêm 40 đơn vị/kg cân nặng cơ thể. Sau khi tiêm huyết thanh kháng dại đồng thời tiêm vắc-xin phòng dại ngay, lưu ý không được tiêm 2 loại vắc-xin và huyết thanh kháng dại ở cùng vị trí gần nhau và không dùng chung bơm kim tiêm tránh trung hòa thuốc.

- Tiêm vắc-xin phòng dại hiện nay có 2 loại đang dùng:

+ Vắc-xin Fuenzalida (Việt Nam sản xuất): phác đồ tiêm 4-6 lần, tiêm trong da, mỗi lần tiêm cách nhau 2 ngày, liều người lớn 0,2ml, trẻ em 0,1 ml.

+ Vắc-xinVerorab (Nhập của Pháp): phác đồ tiêm 5 lần, tiêm bắp cơ delta cánh tay mỗi lần 1ml chứa 2,5 UI hoạt tính; tiêm vào các ngày: 0, 3, 7, 14 và 28.

- Trong thời gian tiêm vắc-xin dại không được làm quá sức, tuyệt đối không uống rượu và các chất kích thích, không được dùng các loại thuốc làm giảm miễn dịch như nhóm corticoide, ACTH trong vòng 6 tháng.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên