Tuy nhiên, nhiều phụ huynh lại quá đặt nặng việc tăng thể trọng của trẻ mà lơ là nhiều vấn đề quan trọng khác trong chăm sóc trẻ, đôi khi có những hành động chưa hợp lý, thậm chí thái quá trong việc thúc trẻ tăng cân.
Ngoài ra, ép trẻ tăng cân còn dẫn đến thói quen ăn uống thiếu kiểm soát, dư cân, béo phì là nguồn gốc các bệnh lý chuyển hóa về sau. Trẻ nên có cân nặng và chiều cao phù hợp lứa tuổi, có hệ miễn dịch tốt để phòng, chống bệnh tật, trí tuệ phát triển tối ưu, tâm lý cân bằng và một lối sống lành mạnh, năng động.
Nguyên nhân chậm tăng cân
Nguyên nhân chậm tăng cân có thể do cung cấp không đủ chất dinh dưỡng (có bệnh lý, biếng ăn, ăn không cân đối…), hấp thu kém hoặc chưa đáp ứng được mức cao hơn bình thường (sinh non, trong và sau khi bệnh, sau phẫu thuật…).
Các nhóm nguyên nhân thường gặp theo từng nhóm tuổi:
- Trước sinh (gây ra suy dinh dưỡng bào thai, sinh nhẹ cân): sinh non, nhiễm trùng trong thai kỳ, tiếp xúc với thuốc hay hóa chất gây chậm tăng trưởng thai; mẹ hút thuốc lá, uống rượu; dị tật bẩm sinh của thai.
- Sơ sinh (dưới 1 tháng tuổi): khả năng bú kém (do mẹ hoặc bình sữa), pha sữa sai, cho bú không đúng cách, ép bú, các dị tật bẩm sinh hoặc bệnh lý gây ảnh hưởng tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng.
- 3 đến 6 tháng tuổi: bú thiếu, pha sữa sai, không dung nạp protein sữa, các bệnh lý vùng miệng, trào ngược dạ dày thực quản, dị tật bẩm sinh.
- 7 đến 12 tháng tuổi: nuôi dưỡng sai (chọn thức ăn không phù hợp lứa tuổi và khẩu vị của trẻ, cho ăn dặm trễ sau 6 tháng tuổi, không kiên nhẫn tập lại khi trẻ từ chối thức ăn mới), bệnh lý ở miệng-hầu-họng, ký sinh trùng đường ruột.
- Từ trên 12 tháng tuổi và trẻ lớn: mất tập trung khi ăn, ham chơi, bệnh tật, các sang chấn tâm lý trong gia đình, các vấn đề xã hội khác (điều kiện kinh tế, sợ dư cân, hạn chế loại thức ăn do tập quán…), rối loạn tâm lý, rối loạn nuốt.
Điều trị chậm tăng cân
Bằng cách theo dõi biểu đồ tăng trưởng của trẻ, phân loại theo giới và theo tuổi để nhận biết trẻ chậm tăng cân.
Cách điều trị tùy theo nguyên nhân. Trẻ chậm tăng cân cần được:
- Tăng cường cung cấp các chất dinh dưỡng, năng lượng.
- Chia nhiều bữa ăn trong ngày để dễ tiêu hóa, hấp thu dưỡng chất.
- Vận động, thể dục vừa phải, cường độ tương đương đi bộ trong 30 phút trước bữa ăn sẽ giúp ăn ngon miệng hơn và kích thích tăng trưởng cơ.
- Nấu thức ăn đa dạng, ngon, phù hợp lứa tuổi.
- Cung cấp thêm vitamin, khoáng chất hoặc vi lượng bị thiếu hụt.
- Chỉ sử dụng thuốc tăng cân trong rất ít trường hợp có chỉ định cụ thể.
Đặc biệt, phụ huynh nên lưu ý những điều sau để cung cấp cho bác sĩ khi cho trẻ đi khám chậm tăng cân:
- Có nôn ói, trớ, tiêu chảy hay nhai lại thức ăn hay không (trớ, ói xong lại nuốt lại).
- Sợ hay từ chối một số dạng thức ăn (thức ăn cứng hay nghiền nát): có thể là dấu hiệu của rối loạn nhai hoặc nuốt.
- Không ăn hoặc sợ một nhóm thức ăn nào đó (sữa, cá…): có thể là dấu hiệu của không dung nạp hoặc dị ứng thức ăn.
- Uống quá nhiều nước hoặc nước trái cây: làm trẻ ăn ít thức ăn đặc hơn, gây thiếu chất dinh dưỡng cần thiết.
- Tuân thủ một chế độ ăn kiêng: ăn chay, dị ứng sữa, không có lactose…
- Các tổn thương tâm lý, cảm giác dẫn đến sợ ăn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận