30/12/2003 06:00 GMT+7

Bảy chuyện trong "ốc đảo"

VŨ TOÀN
VŨ TOÀN

TT - “Không lẽ 1,3 triệu dân Hà Tĩnh để 115 người dân Mã Liềng của dân tộc Chứt lâm cảnh đói ăn, đói mặc?”. Sau lời nói như câu hỏi lớn về số phận một dân tộc đang có nguy cơ bị tuyệt chủng của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh (6-2001), lực lượng biên phòng được lệnh “cắm chốt” bản Rào Tre ở xã Hương Liên, huyện Hương Khê. Những người lính áo xanh bắt đầu “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với người Mã Liềng...

BOTCs2eL.jpgPhóng to
Những đứa trẻ bản Rào Tre đang chờ tắm (trong ảnh, y sĩ Lê Văn Sơn đang gội đầu cho cháu Hồ Bưởi)
TT - “Không lẽ 1,3 triệu dân Hà Tĩnh để 115 người dân Mã Liềng của dân tộc Chứt lâm cảnh đói ăn, đói mặc?”. Sau lời nói như câu hỏi lớn về số phận một dân tộc đang có nguy cơ bị tuyệt chủng của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh (6-2001), lực lượng biên phòng được lệnh “cắm chốt” bản Rào Tre ở xã Hương Liên, huyện Hương Khê. Những người lính áo xanh bắt đầu “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với người Mã Liềng...

1. Nhìn bộ đội biên phòng tắm cho những đứa trẻ màu da xám đen, tóc tai rối bời, lấm lem bùn đất suốt ngày tha thẩn như những cái bóng dưới chân núi Ka Đay trong bản Rào Tre, tôi mới hiểu tấm lòng của họ. Y sĩ - thiếu úy Lê Văn Sơn bế lên từng đứa một rồi ôm gọn vào lòng để gội đầu, kỳ cọ y như tắm cho con mình ở dưới quê. Hết Hồ Đức đến Hồ Tâm, Hồ Nghĩa, Hồ Xuân... cứ sau khoảng 10 phút một chú bé được tắm gội xong. Thiếu úy Sơn đưa tay kỳ cọ trên tấm lưng gầy còm của một đứa trẻ mới đến, trò chuyện:

“Trước năm 2001 người Mã Liềng không biết xà bông, kem đánh răng là gì. Nay đã quen dùng, nhưng đa số bọn trẻ vẫn chưa biết tự tắm cho mình. Vậy là anh em chúng tôi lại tiếp tục “đến hẹn lại tắm” đã ba năm nay”. Các anh nhẫn nại như người mẹ tắm cho con mỗi chiều. Những đứa bé gái cáu bẩn không khác trẻ lang thang nơi xó chợ cũng được gọi đến xếp hàng để tắm gội. Trung tá Trần Thanh Hải - trưởng trạm - nói: “Những đứa trẻ này là vốn quí, là tương lai của bản đấy”.

2. Mờ sáng 25-12, trưởng bản Hồ Kính cùng dân bản lội bì bõm trong nước buốt giục trâu cày ruộng để chuẩn bị xuống mạ vụ đông xuân. Từ chỗ đói ăn quanh năm nay nhà anh mỗi năm chỉ còn bốn tháng đói phải dùng toàn sắn luộc và rau rừng. Nhưng Hồ Kính cũng như bao người khác trong bản không hề lo lắng, quan tâm gì đến sự đói, thiếu ấy. “Đói không lo, no không mừng” - Hồ Kính nói chuyện đói với miệng cười lộ cả đôi hàm răng vàng xỉn.

Trung tá Hải bước từ dưới ruộng bùn lên góp chuyện: “Ngay như trưởng bản Hồ Kính cũng phải bảo, phải hướng dẫn mới biết cách làm mặc dù năm 2003 anh đã cùng dân bản thu hoạch 12,5 tấn lúa trên 2,5ha, 200kg ngô trái, 750kg lạc, 2.000kg chuối và rau xanh”. Thật không ngờ trước đây khi nhìn thấy trâu ăn lúa, Hồ Kính chạy đến hỏi: “Trâu ăn lúa có đuổi không bộ đội biên phòng?”.

3. 30 người cả già lẫn trẻ đang theo lớp xóa mù chữ khi được hỏi 1+1 bằng bao nhiêu họ đều cười cười lắc đầu. Tôi mở quyển sách Tiếng Việt hỏi Hồ Thắng có đọc được chữ H không, Hồ Thắng cũng lắc đầu lia lịa. Trạm biên phòng bắt đầu chia họ thành hai lớp xóa mù chữ để dạy. Mỗi năm học sáu tháng. Mỗi tuần học ba buổi.

Tôi cảm thông với nhiều giọt mồ hôi lấm tấm trên vầng trán thầy giáo - trung úy Nguyễn Văn Thiên khi mỗi buổi tối trong suốt hai năm nay anh liên tục đứng lớp bắt vần hết chữ O sang chữ A.

hunBd9mA.jpgPhóng to
Hồ Nam đang bừa ruộng nước để chuẩn bị cấy lúa vụ đông xuân
4. Tám thanh niên tự ý đi rừng không xin phép trạm biên phòng đã bị trung tá Hải gọi kiểm điểm. Mới hay bất cứ việc gì dân bản muốn làm, đặc biệt là vào rừng chèo bè thuê đều phải xin phép. Trưởng trạm qui định thời gian đi và về. Trước khi đi, trưởng trạm yêu cầu người thuê họ phải ứng tiền trước để bộ đội hướng dẫn việc chi tiêu, nếu không cả ngày làm được 30.000 đồng họ sẽ đem đổi một chai rượu về uống say cả đêm.

Trước năm 2001, khi chưa có trạm biên phòng cắm chốt, người Mã Liềng đem cả con trâu đổi lấy một chai rượu là chuyện thường. Vì thế mới có chuyện hàng chục con trâu, bò của Ban Dân tộc và miền núi hỗ trợ đều “chui qua miệng chai rượu”. Trước đây hầu như tất cả người lớn trong bản Rào Tre ai cũng nghiện rượu, kể cả đàn bà, con gái.

5. Hồ Kính kể: “Người Mã Liềng không có bàn thờ và tục thờ cúng tổ tiên. Nếu trong nhà có người chết họ chỉ mời ông Hồ Púc - thầy cúng kiêm thầy thổi (thầy chữa bệnh, thầy xua đuổi tà ma) - làm lễ đi chôn.

Kể từ đó tịnh không có mùi hương khói. Trước khi bộ đội biên phòng đến chưa bao giờ người chết có quan tài. Người nhà chỉ vô rừng bóc vỏ cây về quấn quanh người xấu số rồi đem chôn. Vợ chồng lấy nhau không có lễ cưới, càng không có chuyện đăng ký kết hôn. Trước khi sinh phải làm chòi ở riêng. Sinh xong không làm giấy khai sinh. Lớn lên không ai làm chứng minh nhân dân”. Tôi ngớ người ra khi hỏi tuổi, năm sinh nhiều người nhưng chẳng ai biết, chẳng ai nhớ...

6. Hồ Liêm - cô gái 16 tuổi - lót con trong chiếc võng bằng... nứa. Cây nứa được đẵn hai đầu. Nửa thân khoảng giữa khúc nứa được xẻ đi. Phần còn lại được chẻ đều và căng rộng ra thành chiếc võng nứa.

Đứa trẻ mới sinh, da thịt còn đỏ hỏn cựa quậy trên tấm áo mỏng lót lên những nan nứa sắc. Hồ Liêm không để ý chuyện ấy giống như Hồ Kính không để ý chuyện đói cơm, tắm gội. Nhưng cô đã đoạt giải A về sáng tác bài hát Cảm ơn bộ đội biên phòng do vợ chồng Hồ Sen thổi pí trong “Liên hoan tiếng hát từ các vùng biên giới” tổ chức tháng 4-2002 tại thị xã Hà Tĩnh.

Tôi bảo Hồ Liêm hát lại bài hát được giải thưởng thì cô gái lắc đầu. Hỏi mãi Hồ Liêm mới thì thầm: Cảm ơn bộ đội biên phòng đã cho ta biết chữ, biết cấy lúa, biết nuôi con lợn béo. Cảm ơn bộ đội biên phòng...

7. Cụ Hồ Hiến, 85 tuổi, người Kinh 100%. Họ, tên thật của cụ là Trần Văn Hiến. Năm 1959 cụ Hiến từ Phòng Nông nghiệp Hương Khê được cử lên bày cách trỉa lúa rẫy, làm lều ở định canh và dạy tiếng Kinh cho người Mã Liềng, cụ sống như một người Mã Liềng.

Năm 1966, khi đoàn cán bộ mặt trận tỉnh Hà Tĩnh ngược rừng gùi gạo, muối, chăn màn, quần áo lên ngọn Rào Tre giáp biên giới Việt-Lào cứu trợ tộc người Mã Liềng. Họ mừng lắm và nói bằng tiếng Kinh do cụ Hồ Hiến dạy: “Tất cả những thứ này là của Bác Hồ cho. Vậy xin được lấy họ Bác Hồ đặt họ cho toàn dân bản”. Từ đó người Mã Liềng mới có họ. Cụ Hiến cũng đổi họ mình thành họ Hồ.

Tiếng loa phóng thanh của trạm biên phòng dõng dạc vang lên trong mây mù và sương rét đang vây quanh chân núi Ka Đay như một ốc đảo bởi con suối Rào Tre chảy quanh, chia cắt bản với làng xã Hương Liên. Mới 5g30 sáng, tiếng trung tá Hải đã thông báo lịch làm việc trong ngày mới cho dân bản vang lên, vọng tới từng nhà.

Con đường mới. Ngôi nhà mới

22g đêm 24-12 thượng úy Lê Cường - trợ lý Đoàn thanh niên Bộ chỉ huy biên phòng Hà Tĩnh - cùng tôi xắn cao quần lội qua suối Rào Tre nước lạnh buốt. Bên kia đã là bản của người Mã Liềng. Qua suối chừng vài trăm mét chúng tôi đặt chân trên con đường bêtông chạy dài dưới dãy núi Ka Đay.

Thượng úy Cường khoe: “Đây là con đường mới dài 1,4km chạy quanh bản. Ngày mai anh sẽ thấy 24 ngôi nhà mái ngói đỏ au vừa hoàn thành cuối tháng 4-2003”. Không cần phải chờ đến ngày mai. Ánh điện sáng lên trong lãng đãng mây mù đang bay như hút mắt tôi vào những ngôi nhà hiện lên sau nương sắn, vườn chuối và đồi cây trầm gió. Ở đó vài ba chiếc tivi đang bình luận Para Games, tiếng nhạc đang rộn lên trong những ngôi nhà đông chật người Mã Liềng ngồi xem.

Có thể họ không hay biết những người lính biên phòng Hà Tĩnh từng vận động, tự nguyện góp 2-3, thậm chí năm ngày lương, để có gần 100 triệu đồng và 2.000 ngày công làm đổi mới bản Rào Tre, thay đổi cuộc sống của họ.

Tất cả những chuyện mới mẻ ấy kể cũng không lạ bằng sự kiện bản Rào Tre vừa mới thành lập chi đoàn thanh niên, chi hội phụ nữ. Nhưng đặc biệt nhất vẫn là “sự kiện” trưởng bản Hồ Kính vừa được kết nạp Đảng ngày 20-3-2003, và 115 người Mã Liềng của dân tộc Chứt đã được cấp chứng minh nhân dân.

VŨ TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên