09/06/2019 15:38 GMT+7

'Báu vật sống' 94 tuổi của bài chòi Bình Định

DUY THANH
DUY THANH

TTO - Ở tuổi 94, cụ Lê Thị Đào (ở xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân vì có nhiều đóng góp xuất sắc cho việc bảo tồn, truyền dạy, phát triển nghệ thuật bài chòi.

Báu vật sống 94 tuổi của bài chòi Bình Định - Ảnh 1.

Nghệ nhân nhân dân Lê Thị Đào biểu diễn tại một hội đánh bài chòi ở Bình Định - Ảnh: NGUYỄN VĂN NGỌC

Tui lớn lên với bài chòi, sống với bài chòi, không thể bỏ được. Tui mừng lắm vì mấy năm gần đây bài chòi sống lại mạnh mẽ.

Nghệ nhân nhân dân LÊ THỊ ĐÀO

Tuổi tác đã khiến cụ Đào không còn trí nhớ đầy đủ như vài năm trước. Nhưng khi nghe khách nhắc đến bài chòi, khi người con trai mở lại VCD trích đoạn vở bài chòi Trai cày quay cụ Đào biểu diễn hơn 10 năm trước, cụ lẩm nhẩm hát theo, đôi tay múa thật dẻo.

Đôi mắt người nghệ sĩ già ánh lên nét tươi vui trên gương mặt nhăn nheo, những mảnh ký ức xưa - dù là chắp vá - ùa về...

Từ khi còn rất nhỏ, ở quê nhà thuộc vùng Huỳnh Giản (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định), cô bé Đào đã mê bài chòi cổ. 10 tuổi, cô đã theo học hát thầy Bảy Xiêm trong vùng. Không biết chữ, nhưng cô Đào học hát rất nhanh, rất sáng.

Cô có chất giọng trong vắt, cao vút, đặc biệt là biểu diễn hình thể rất độc đáo khó ai sánh bằng. 14 tuổi, cô Đào xinh đẹp, hát hay trốn nhà theo một gánh bài chòi nhỏ.

Tài năng của cô Đào đã lọt vào "mắt xanh" của ông Nguyễn Trác, quê ở xã Nhơn Phúc, là một kép bài chòi có tiếng với nghệ danh Minh Trạng ở Bình Định lúc bấy giờ.

Ông Minh Trạng là bầu của gánh hát bài chòi mang tên ông lưu diễn khắp tỉnh Bình Định và các tỉnh lân cận như Quảng Ngãi, Phú Yên. Ông Minh Trạng mời cô Đào làm đào chính cho gánh hát của ông. Họ thường thủ vai kép chính, đào chính trong những vở bài chòi cổ rất hút khách lúc bấy giờ như Thoại Khanh - Châu Tuấn, Lâm Sanh - Xuân Nương, Tam hạ Nam Đường, Phạm Công - Cúc Hoa, Trai cày, Lưu Bình - Dương Lễ, Lang Châu - Lý Ân...

"Chính duyên nợ với bài chòi đã kết duyên cho tôi và ông Minh Trạng thành vợ chồng, dù ổng lớn hơn tôi tới 15 tuổi" - cụ Đào bồi hồi nhớ lại. Người ta gọi ông là "bầu Trạng", gọi bà là "bà Minh Trạng". Nghệ danh ấy theo họ cho đến bây giờ.

Có một giai đoạn rất dài bài chòi mai một, không còn chỗ đứng so với những loại hình nghệ thuật khác, gánh bài chòi hoành tráng của bầu Trạng thuở trước cũng tan rã. Bà Đào theo chồng về quê ở thôn Mỹ Thạnh thuộc xã Nhơn Phúc một thời gian.

Vậy là, ông Minh Trạng lại lập đoàn bài chòi "gánh nừng" (mỗi người quẩy một đôi nừng, bên trong đựng nhạc cụ, son phấn, trang phục...). Đoàn chỉ khoảng 3-5 người, đi diễn ở các xóm làng, có khi đi xa đến vùng Xuân Lãnh, Sông Cầu của tỉnh Phú Yên.

Cho đến khi ông "bầu Trạng" qua đời, bà Minh Trạng tiếp tục quản đoàn "gánh nừng" này. Một mình bà có thể cùng lúc vào nhiều vai cả nam lẫn nữ trong các trích đoạn những vở bài chòi cổ xưa...

Khi đã ngoài tuổi 80, bà Minh Trạng vẫn còn "máu" với bài chòi. Ông Nguyễn Thanh Hòa, con trai cả của bà, kể: "Ở tuổi đó mà má tôi có lúc nói với gia đình là bà về huyện Tuy Phước thăm bà con, nhưng kỳ thực là bà đi ra đảo Lý Sơn ở tỉnh Quảng Ngãi để diễn bài chòi. Ngoài đó, người ta mê bài chòi dữ lắm, mê cách má tôi hô, diễn và "trả công" cho bà rất hậu hĩnh".

Ngoài biểu diễn, cụ Đào còn truyền dạy cho khoảng 100 học trò về nghệ thuật bài chòi, trong đó có những người khẳng định tên tuổi như Nghệ nhân nhân dân Minh Đức, Nghệ nhân ưu tú Minh Liễu...

"Bài chòi đã được truyền dạy cho học sinh và khách du lịch khắp nơi cũng rất mê bài chòi. Tôi chỉ muốn nhắn một điều là người hô, diễn bài chòi phải học cho thuần thục, hô hát cho hay, có đầu tư sáng tạo thì mới đi vào lòng người được" - cụ Đào bộc bạch.

Ông Nguyễn Văn Ngọc - một nhà nghiên cứu về nghệ thuật bài chòi ở Bình Định - nhận xét: "Cụ Đào là "báu vật sống" của bài chòi Bình Định!".

Ông Ngọc cho hay cụ Đào là nữ nghệ nhân cao tuổi nhất hiện đang nắm giữ rất nhiều vốn dữ liệu bài chòi cổ và có lối biểu diễn rất đặc biệt, lôi cuốn người xem.

Những năm 1990, bà đã tham gia khôi phục hội đánh bài chòi (lúc đó gọi là Câu lạc bộ bài chòi dân gian Bình Định) do NSƯT Phan Ngạn làm chủ nhiệm.

Những năm đầu thế kỷ 21, dù cao tuổi cụ vẫn thường đi biểu diễn bài chòi độc diễn rất nhiều nơi ngoài tỉnh.

"Cụ Đào vừa giả giọng nam hùng dũng, dứt khoát của kép, vào giọng nữ ngọt ngào của đào, động tác tay chân và gương mặt theo từng vai diễn rất thuần thục. Dường như bài chòi đã ăn vào máu của cụ, xem là mê ngay" - ông Ngọc kể.

Tại buổi lễ đón nhận bằng của UNESCO công nhận nghệ thuật bài chòi cổ Trung Bộ Việt Nam là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại được tổ chức ở TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) vào tối 5-5-2018, cụ Lê Thị Đào đã được ban tổ chức mời đến tham dự và vinh danh là một trong những người có nhiều đóng góp để nghệ thuật bài chòi được gìn giữ, truyền nối và phát triển.

Đà Nẵng đón nhận bằng UNESCO ghi danh bài chòi Đà Nẵng đón nhận bằng UNESCO ghi danh bài chòi

TTO - Ngày 15-6, Sở Văn hóa - thể thao TP Đà Nẵng đã tổ chức lễ tôn vinh nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên