![]() |
Bà Nguyễn Thị Nguyệt (Q.1, TP HCM) nêu ý kiến tại một buổi tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội - Ảnh: Hữu Khoa |
Mỗi cử tri bầu cho ai hãy nhớ tên, nhớ mặt đại biểu đó, để rồi đối chiếu với chương trình hành động của đại biểu, theo dõi, giám sát xem mỗi đại biểu Quốc hội nhận lá phiếu của cử tri xong đã nói gì, làm gì, biểu quyết ra sao... |
Bạn đã bao giờ thử tìm hiểu đại biểu Quốc hội (QH), nhất là các đại biểu được bầu từ đơn vị bầu cử của mình làm gì, làm được gì trong kỳ họp, hằng năm, cả nhiệm kỳ? Và làm thế nào để biết, giám sát đại biểu nói gì, nói như thế nào và những ai cả nhiệm kỳ “không nói gì”?
Lâu nay cử tri, trong đó có bạn và tôi, thường biết điều này qua báo chí - hầu như là kênh duy nhất để cử tri giám sát hoạt động của đại biểu QH.
Thế nhưng, báo chí không thể đưa tin hay phỏng vấn tất cả các đại biểu, mà chỉ chọn những người nào có ý kiến nổi bật. Chẳng thế mà có không ít đại biểu QH thắc mắc các nhà báo là tại sao các anh tập trung vài gương mặt mà không phải là tôi; hoặc tại sao các phóng viên chỉ “quây” một số đại biểu, trong khi các đại biểu khác nhàn nhã.
Một số kênh giám sát khác tồn tại lâu nay nhưng ít khi cử tri sử dụng, đó là trực tiếp gặp đại biểu QH qua các cuộc tiếp xúc cử tri, tại nơi làm việc, ở các buổi tiếp công dân; hoặc gián tiếp qua email, mạng Internet, đơn thư.
Các cuộc tiếp xúc cử tri, nếu được mời bạn mới có cơ hội đối thoại với đại biểu, yêu cầu đại biểu giải thích, đề đạt kiến nghị.
Ở tổ dân phố nơi tôi sinh sống, thỉnh thoảng có thấy dán thông báo mời dự hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND phường, nhưng chưa bao giờ có thông báo về hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu QH. Các kênh gián tiếp càng ít được sử dụng từ cả hai phía.
Trong điều kiện như vậy, cử tri vẫn có một cách đơn giản mà hiệu quả để theo dõi tần suất, nội dung phát biểu của đại biểu QH tại các phiên họp toàn thể. Chỉ cần vào cổng thông tin điện tử của QH, tải biên bản các phiên họp toàn thể ghép thành file theo kỳ họp, hằng năm hoặc cả nhiệm kỳ. Sau đó dùng chức năng find của word để tìm tên đại biểu QH của bạn thì sẽ ra đại biểu đó đã phát biểu bao nhiêu lần và nguyên văn từng lần phát biểu.
Bằng cách đó, tôi đã đếm được số lần phát biểu của các đại biểu QH trong cả nhiệm kỳ QH khóa XIII, trong đó có các đại biểu ở đơn vị bầu cử của tôi.
Tuy nhiên, đối với các phiên họp tổ, họp đoàn đại biểu QH, họp ủy ban, các cuộc họp giám sát ở địa phương thì hầu như cử tri không thể biết được đại biểu của mình đã phát biểu những gì, làm những gì.
Trừ khi hiếm hoi đại biểu đó báo cáo lại với cử tri, hoặc chính cử tri yêu cầu đại biểu báo cáo. Hoặc cử tri tìm hiểu qua tường thuật trên các báo, vào trang web của đoàn đại biểu QH tỉnh/thành phố.
Và tất nhiên, với tư cách cử tri, bạn hay là tôi cũng không biết đại biểu QH của mình biểu quyết như thế nào. Như hiện nay, theo thống kê, hầu hết các dự thảo luật, nghị quyết đều được trên 80% tổng số đại biểu QH bấm nút đồng ý, trong đó nhiều dự thảo được trên 90% đồng ý.
Suy ra, có lẽ đại biểu QH của tôi hay của bạn cũng nằm trong số đồng ý. Nhưng tốt hơn, để biết chính xác đại biểu biểu quyết như thế nào, cần báo cáo lại với cử tri.
Hoặc tốt hơn hết, như nhiều người đề nghị, nên công khai kết quả bấm nút, ai đồng ý, ai không, để cử tri biết và cả để sau này các thế hệ sau biết mỗi đại biểu QH đã có những quyết định như thế nào.
Cuối cùng, ngay từ cuộc bầu cử sắp tới, mỗi cử tri bầu cho ai hãy nhớ tên, nhớ mặt đại biểu đó - người chịu trách nhiệm trước bạn. Để rồi đối chiếu với chương trình hành động của đại biểu, theo dõi, giám sát xem mỗi đại biểu QH nhận lá phiếu của cử tri đã nói gì, làm gì, biểu quyết ra sao vì quyền lợi của cử tri, lợi ích của quốc gia, của xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận