Phóng to |
Thí sinh chăm chú theo dõi một buổi tư vấn tuyển sinh. Không nhiều bạn trẻ trong số này chọn khối C - Ảnh Như Hùng |
Sự quay lưng lại với khối C cũng nằm trong tình hình chung đối với các ngành đào tạo khoa học cơ bản. Theo tâm lý chung thì sức hấp dẫn của các ngành đại học sẽ như sau: KHXH < (kém hấp dẫn hơn) khoa học tự nhiên < khoa học công nghệ < kinh tế tài chính. Hay nói cách khác, tâm lý thực dụng chung của xã hội hiện nay: thanh niên muốn có nghề gì kiếm tiền nhiều và nhanh.
Tình trạng kém hấp dẫn của khối ngành này cũng do đầu ra các ngành đại học KHXH hẹp, việc làm ít và thu nhập thấp. Nhiều học sinh quan niệm đơn giản rằng học khối C, D chỉ đi làm giáo viên, công chức nhà nước, mà công chức nhà nước thì... lãnh 2-3 triệu đồng/tháng đã cho là cao rồi!
Một nguyên nhân nữa là sự bùng phát tới mức lạm phát việc cấp bằng đại học KHXH hiện nay. Theo thống kê sơ bộ, hiện ở khu vực TP.HCM và miền Đông, miền Tây Nam bộ có đến 35 trường có đào tạo đại học khối KHXH&NV. Các cơ sở đào tạo lại tăng quy mô, mở thêm ngành mới, đua nhau hạ chuẩn để thu hút sinh viên, bên cạnh chính quy còn đào tạo từ xa, vừa làm vừa học... tràn lan ở khắp nơi.
Điều ấy dẫn đến nguồn tuyển sinh tiềm năng cạn kiệt, việc làm cho sinh viên cũng khó kiếm. Chính vì thế đào tạo KHXH&NV đang như con thằn lằn tự ăn vào đuôi mình: ăn dần vào danh tiếng, chất lượng, ăn vào tương lai của mình!
Ngoài ra, việc giảng dạy các môn KHXH&NV hiện nay cũng có vấn đề. Việc thi ba môn khối C văn, sử, địa bị biến thành môn học thuộc bài. Môn văn, sử thì cứ mấy chuyện cũ lặp đi lặp lại làm người thi và cả người chấm thi đến phải xấu hổ.
Chấm thi đại học chỉ còn là một công việc thủ công: đếm ý cho điểm, do thang điểm cho quá chi li (đến hơn 20 cột điểm). Cách ra đề văn, sử như thế đã định hướng cách học của học sinh: tốt nhất là học văn mẫu. Cách học ấy tiêu diệt hết mọi cố gắng tìm kiếm tri thức, mọi sáng tạo, mọi suy nghĩ cá nhân của người học, nên nó thiếu sức hút đối với học sinh, nhất là học sinh khá giỏi.
Đó là chưa kể việc đào tạo đại học KHXH&NV dễ dãi cũng góp phần đẩy ngành này đến “cửa tử”. Hiện đồng bằng sông Cửu Long có đến hàng chục trường đào tạo KHXH&NV nhưng lực lượng giảng viên không đủ chuẩn, có những trường chỉ có vài ba người có bằng tiến sĩ, còn lại đa số đều là cử nhân và thạc sĩ trẻ. Việc mở trường dễ dãi, cấp bằng dễ dãi làm cho đại học KHXH&NV trở nên mất giá nghiêm trọng đối với xã hội.
Người học quay lưng lại với khối C là một nỗi buồn. Thực tế ấy sẽ không có gì đáng ngại đối với một cá nhân, một gia đình (vì người ta có thể chọn cho mình hay con cái mình đường khác), cũng không đáng ngại kể cả đối với một khoa, một trường đại học (vì có thể ngưng tuyển sinh hay giải tán), nhưng sẽ là rất kinh khủng đối với một quốc gia.
Chúng ta sẽ không thể tưởng tượng được một quốc gia mà không có những thanh niên thông minh, có tâm huyết học tập và làm việc trong lĩnh vực KHXH&NV. Tương lai dân tộc ấy sẽ ra sao nếu dân tộc ấy không coi trọng văn hóa, không coi trọng định hướng - phản biện xã hội và cũng không coi trọng những giá trị nhân văn?
Nếu chúng ta vẫn nhắm mắt bịt tai như không có chuyện gì xảy ra, không có những động thái cần thiết ở cấp vĩ mô thì hậu quả xấu xảy ra là điều không tránh khỏi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận