Phóng to |
Rất nhiều cơ sở hoạt động giới thiệu việc làm xuất hiện trên đường An Dương Vương (Q.Bình Tân, TP.HCM) - Ảnh: Bảo Ân |
Sử dụng chiêu bài giới thiệu nhiều lần, nhiều địa chỉ ma, thậm chí giới thiệu cả việc làm ở quán... cà phê, karaoke ôm, nhiều trung tâm giới thiệu việc làm chui đã lừa tiền của nhiều người nhẹ dạ, cả tin khi đi xin việc.
Từ đơn thư tố cáo của bạn đọc, chúng tôi đã vào cuộc để tìm hiểu vì sao các trung tâm này dù hoạt động không phép vẫn tồn tại lâu nay, vẫn sống khỏe bằng cách lừa đảo người đi xin việc làm.
Khó xử lý Bà Nguyễn Thị Hồng Phượng, trưởng Phòng LĐ-TB&XH Q.12, cho biết: “Nhiều trung tâm giới thiệu việc làm chui đang hoạt động trên địa bàn quận nhưng những cơ sở này có nhiều hành vi biến tướng, rất khó kiểm soát. Xử lý chỗ này thì ít lâu sau lại mọc lên nơi khác, thậm chí về lại nơi cũ hoạt động nhưng đổi tên. Chúng tôi sẽ báo cáo tình hình, tham mưu lên cấp trên để tìm biện pháp quản lý, xử lý mang tính lâu dài. Đồng thời đề xuất áp dụng mức xử phạt thật nặng với các cơ sở hoạt động chui này”. |
Trong vai một sinh viên cần việc làm, chúng tôi đến trung tâm giới thiệu việc làm của Công ty TNHH TM-DV 24h (27 quốc lộ 22, ấp Đông Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP.HCM). Một nhân viên tuổi trên 50 giới thiệu tôi đi làm quán cà phê ở Hóc Môn hay Q.12.
Qua mô tả công việc, tôi nghi ngờ đây là quán cà phê ôm, người đàn ông này phân bua: “Không phải đâu, cháu chỉ mặc đồ mát mẻ chút xíu, trò chuyện cho khách vui. Còn nếu để khách ôm hôn vài cái thì tiền boa nhiều hơn nữa, đâu mất mát gì mà lo. Nhiều sinh viên vô đây chú giới thiệu mấy việc như vậy kiếm nhiều tiền lắm, còn gửi tiền ngược về nhà”.
Khi chúng tôi không đồng ý, nhân viên này còn giới thiệu thêm mấy công việc hứa hẹn kiếm tiền cao như quán bida, tiệm matxa, phục vụ quán karaoke ôm (ngồi chung với khách), phục vụ phòng VIP trong các nhà hàng.
Cuối cùng trung tâm này cũng giới thiệu cho tôi vị trí bồi bàn ở một nhà hàng tại Q.1, nhưng khi liên hệ nhà hàng này bảo không có nhu cầu tuyển người. Liên hệ trung tâm để đòi lại 150.000 đồng tiền giới thiệu việc làm thì nhân viên cho biết chỉ có thể đổi chỗ làm, tiền thì không trả.
Cách đó không xa là Trung tâm giới thiệu việc làm Mỹ Nga, chi nhánh của Công ty 24h. Bước vào tìm việc, một nữ nhân viên giới thiệu tôi công việc bán hàng siêu thị điện máy với lương cơ bản 2,5 triệu đồng/tháng, nếu bán tốt sẽ được thưởng.
Đóng xong 100.000 đồng lệ phí, tôi cầm giấy giới thiệu tìm mãi vẫn không ra siêu thị điện máy mà trung tâm này giới thiệu. Điện thoại đến chủ mới biết đó là một cửa hàng điện máy trên đường Trường Chinh và họ trả lương khoán theo sản phẩm bán được.
Nghe vậy tôi điện thoại lại trung tâm này và yêu cầu đổi công việc hoặc trả lại tiền nhưng nhân viên trung tâm cho biết sẽ tìm việc làm khác, riêng tiền không hoàn lại theo “quy định”.
Trong khi đó, bạn đọc tên Hà - một nạn nhân của các chiêu lừa - phản ảnh các trung tâm lừa đảo này thường trưng biển trước cửa với nội dung hấp dẫn như: công việc ổn định, lương cao...
Khi đến tìm việc họ thu từ 80.000-200.000 đồng lệ phí rồi ghi giấy giới thiệu với lưu ý: phí không hoàn trả, giấy có giá trị trong 15 ngày. Nếu nơi tuyển dụng không liên lạc lại thì cứ điện thoại về công ty sẽ giới thiệu việc khác (được đổi tối đa sáu lần công việc trong vòng 15 ngày). Nhưng thực tế họ cứ giới thiệu nơi này qua nơi khác khiến người lao động chán nản bỏ cuộc, chịu mất tiền. Hà cho biết đã từng bị mất tiền khi đến Trung tâm giới thiệu việc làm Thời Đại ở Q.Gò Vấp.
Nhiều trung tâm ngoài việc thu tiền còn giữ luôn giấy tờ, chứng minh nhân dân (CMND) của người xin việc để buộc họ chuộc bằng tiền. Chị Phạm Thị Công (ngụ ở Cần Thơ) kể: “Thấy Công ty 24h giới thiệu việc làm, tôi vào xin thử, họ giới thiệu cho tôi công việc 2 triệu đồng/tháng. Tôi đồng ý và để lại CMND cho họ.
Đến khi vào làm việc thì bà chủ nói chỉ trả 1,7 triệu/tháng, công việc rất vất vả, đầu tắt mặt tối từ sáng tới đêm nên tôi trở lại Công ty 24h xin lấy CMND. Nhưng nhân viên trung tâm không trả mà đòi tiền chuộc, cuối cùng tôi phải nhờ công an gần đấy can thiệp mới lấy được CMND.”
“Trăm hoa đua nở”
Dọc quốc lộ 22, đoạn đường chỉ dài khoảng 1km từ ngã tư An Sương đến ngã tư Nguyễn Ảnh Thủ có đến 11 công ty, trung tâm giới thiệu việc làm. Trong đó có năm cơ sở hoạt động trên địa bàn P.Trung Mỹ Tây, Q.12 và sáu cơ sở thuộc địa bàn ấp Đông Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn.
Trong số này chỉ có ba đơn vị có giấy phép nhưng hết hai đơn vị hoạt động không đúng địa điểm được ghi trong giấy phép. Các trung tâm còn lại đều hoạt động chui. Trên đường Trường Chinh (đoạn qua Q.12) cũng có rất nhiều trung tâm giới thiệu việc làm không phép tương tự.
Trong khi đó, dọc tuyến đường An Dương Vương (Q.6 và Q.Bình Tân), gần bến xe miền Tây và công viên Phú Lâm là địa bàn mọc dày đặc các trung tâm giới thiệu việc làm chui. Đoạn đường ngắn từ ngã tư Phan Anh - An Dương Vương - Tân Hòa Đông đến An Dương Vương - đường số 7 có hơn 10 trung tâm giới thiệu việc làm.
Trên đường An Dương Vương thuộc P.13, Q.6 có bảy cơ sở treo biển trung tâm giới thiệu việc làm. Đặc biệt, đường Nguyễn Thức Đường (P.An Lạc A, Q.Bình Tân) có Công ty Thiên Khang chuyên cung ứng lao động, giới thiệu việc làm. Công ty này có liên kết với nhiều “cò” và tài xế xe ôm trước bến xe miền Tây để dẫn người lao động về.
Các cơ sở nói trên đều không hề có tên trong danh sách những trung tâm giới thiệu việc làm được Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cấp giấy phép hoạt động. Các trung tâm giới thiệu việc làm chui này có phòng làm việc rất sơ sài, tạm bợ.
Phòng giao dịch chỉ khoảng vài mét vuông, đặt vài bàn ghế, vài điện thoại bàn, vài cuốn vở ghi chép thông tin tuyển dụng. Họ sử dụng những chiêu bài đơn giản như giới thiệu nhiều lần, địa chỉ ma, mức lương trên trời để dụ người lao động đóng phí rồi trốn tránh trách nhiệm.
Theo khảo sát của chúng tôi, trung tâm giới thiệu việc làm mọc lên khắp nơi, ngày càng nhiều ở khu vực ngoại thành. Hầu như quận huyện nào cũng có. Gần các bến xe, khu công nghiệp, khu chế xuất là vị trí đắc địa để các cơ sở này “đóng đô” hoạt động. Bởi đó là nơi người ở quê, dân nhập cư chân ướt chân ráo mới vào TP.HCM tìm đến.
Những nơi này trục lợi từ chính sự thật thà, thiếu kiến thức của người tìm việc. Người lao động nghèo phải ký vào giấy giới thiệu với những quy định chỉ có lợi cho các cơ sở này, phần thiệt thòi người lao động lãnh đủ (nào là phí không hoàn trả, thời hạn có giá trị của giấy chỉ vài ngày...).
Hầu hết các trung tâm này đều giới thiệu cho có một công việc gì đó, không cần thẩm định có phù hợp với người tìm việc hay không rồi đưa ra những lời hứa hẹn rất hấp dẫn dù thực tế không phải vậy. Từ đó người tìm việc dễ dàng sa bẫy, tự nguyện nộp lệ phí mà công việc thì... hên xui.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận