Bảo hiểm trễ chuyến bay đang trở thành một dịch vụ phổ biến tại Việt Nam, nhưng trớ trêu là mua từ trang web của hãng bay thì thủ tục đền bù lâu hơn. Còn mua của ví điện tử lại... quá nhanh.
Bất ngờ thấy "ting ting" tiền bảo hiểm
Chị T. (TP.HCM) cho hay sau khi mua vé máy bay với giá hơn 800.000 đồng và bảo hiểm trễ chuyến bay giá 38.500 đồng trên một ví điện tử, chị tới sân bay và phải chờ hơn 2 tiếng do hãng bay chậm chuyến. "Không ngờ tôi được bồi thường 888.000 đồng, trả ngay vào ví điện tử. Điều này khiến tôi rất hài lòng, cảm thấy được an ủi" - chị T. nói.
Trong khi đó, một hành khách khác phản ánh chuyến bay bị chậm hơn 4 tiếng, chị cũng giật mình và rất bất ngờ khi số tiền bồi thường là 1 triệu đồng được trả rất nhanh. Chị cho hay mua bảo hiểm qua ví điện tử.
Theo tìm hiểu, hiện tại nhiều công ty đã có những giải pháp chi trả tự động. Nhờ đó đã có những khách bắt đầu nhận được tiền bồi thường từ các gói bảo hiểm trễ chuyến bay một cách thuận tiện và nhanh chóng hơn trước.
Dù vậy, vẫn có nhiều hành khách "vô tình" trong quá trình mua máy bay đã thanh toán luôn một khoản tiền bảo hiểm du lịch, trong đó có bồi thường chậm chuyến bay do hãng hàng không mặc định sẵn (khách muốn không chi trả phải thao tác chọn phương án không mua bảo hiểm).
Anh Hoàng đặt mua vé trên một ứng dụng cho chặng bay Hà Nội - TP.HCM. Sau khi đã thanh toán tiền vé, công ty bảo hiểm gửi giấy chứng nhận bảo hiểm qua email, anh mới phát hiện mình "lơ ngơ", không để ý rằng ứng dụng đã cài mặc định tính cả tiền bảo hiểm.
Kiểm tra nhiều giao dịch trước, khách hàng này phát hiện những lần trước cũng bị trừ từ 37.000 - 70.000 đồng tiền bảo hiểm/chiều, số tiền chi cho bảo hiểm "không hay biết" lên đến hàng triệu đồng.
"Có lúc bị trễ chuyến bay nhưng không rõ cách làm thủ tục bồi thường", anh Hoàng nói. Theo nhiều khách hàng, khi liên hệ với công ty bảo hiểm thì bị trả lời vòng vo, không đòi thì công ty bảo hiểm cũng "im lặng". Không ít khách không biết để mà đòi quyền lợi.
Theo ghi nhận, nhiều hãng hàng không và ví điện tử tại Việt Nam đang hợp tác với các công ty bảo hiểm rất sôi động, cung cấp thêm dịch vụ bảo hiểm chậm và hủy chuyến.
Vietnam Airlines liên kết tạo thêm sản phẩm khách mua bảo hiểm chậm hủy chuyến của Bảo hiểm Bưu điện (PTI) là "Fly Pro". Mức phí 60.000 đồng/người/chặng và được bồi thường tối đa 1,5 triệu đồng, áp dụng nội địa lẫn quốc tế.
Tương tự, Vietjet và Bamboo Airways cũng cung cấp các gói bảo hiểm tương tự với mức phí và quyền lợi tùy thuộc vào hạng vé và thời gian chậm chuyến. Để được bồi thường, khách cung cấp hàng dài thông tin như sau: trạng thái chuyến bay, chứng minh nhân dân, điền mã số chuyến bay, số ghế, ngày bay, cung cấp tài khoản ngân hàng… và phải chờ đợi tới 15 ngày để nhận tiền.
Cần bồi thường tự động
Trong khi đó, với Bảo hiểm Bảo Việt mua qua ví MoMo, mức phí 35.000 đồng/người/chiều và nhận mức bồi thường lên đến 888.000 đồng nếu chuyến bay bị trễ từ 2 tiếng trở lên. Tiền bồi thường tự động về ví, không cần thao tác gì thêm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, anh Minh Sơn, giám đốc một nền tảng OTA - kinh doanh sản phẩm dịch vụ du lịch và vé máy bay - cho rằng thị trường bảo hiểm delay cần tự động trong quá trình bồi thường. Nhìn AirAsia liên kết với Công ty Tune Protect, cung cấp gói bảo hiểm trì hoãn chuyến bay, quy trình bồi thường tự động.
Nếu chuyến bay bị trì hoãn hơn 2 giờ, hành khách sẽ tự động nhận được khoản bồi thường 200 MYR (khoảng 1,1 triệu đồng). Điều này tạo sự tin tưởng và giảm bức xúc cho khách hàng. Bảo hiểm có sẵn dưới dạng tiện ích bổ sung trong quá trình đặt vé của AirAsia.
Từ góc nhìn của một công ty bảo hiểm công nghệ (insurtech) cung cấp kiến thức chuyên môn và năng lực công nghệ cho các đối tác trong khu vực, ông Peter Tay - giám đốc số của Income Insurance Limited (Singapore) - cho rằng điều quan trọng là bên bán bảo hiểm phải làm việc sâu sát với bên cung cấp nền tảng nhằm đảm bảo trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng, từ đó tạo dựng niềm tin và sự an tâm từ họ.
Hãng bay nói gì?
Đại diện một hãng bay cho rằng hãng bay chỉ liên kết với công ty bảo hiểm tạo ra gói sản phẩm khách hàng. Nếu khách mua gói bảo hiểm, quyền lợi do công ty bảo hiểm chi trả, hãng bay chỉ là đơn vị vận chuyển.
Trả lời câu hỏi vì sao lại mặc định gói bảo hiểm khiến nhiều hành khách không nhìn kỹ vô tình mua mà không biết, đại diện hãng bay cho biết khách hoàn toàn có thể không chọn mục này trong quá trình đặt vé. Tuy nhiên, hãng sẽ đánh giá lại, nghiên cứu bổ sung mục tùy chọn bảo hiểm, quyền lợi và mức phí. Khách hàng nên được yêu cầu xác nhận việc mua bảo hiểm thay vì mặc định chọn sẵn.
Vị này cũng công nhận để cải thiện trải nghiệm cho khách hàng, các công ty bảo hiểm cần tối ưu hóa quy trình và áp dụng công nghệ số để giúp khách hàng dễ dàng nhận được bồi thường, chắc chắn sẽ tạo ra một môi trường bảo hiểm phát triển bền vững, thúc đẩy sự văn minh trong ngành hàng không và bảo hiểm tại Việt Nam.
Chuyến bay delay tăng mạnh
Số liệu từ Cục Hàng không Việt Nam, trong tháng 7-2024, tỉ lệ số chuyến bay chậm giờ tăng cao. Vietnam Airlines bay 11.066 chuyến, Vietjet 10.551 chuyến, Bamboo Airways 1.423 chuyến…
Trong số này có 15.635 chuyến bay cất cánh đúng giờ, chiếm tỉ lệ 63,2%, tiếp tục giảm so với tháng trước (69,3%). Có 9.114 chuyến bị chậm giờ, chiếm tỉ lệ 36,8%, tăng hơn 6% so với tháng trước đó (tháng 6 có 30,7% chuyến bay của các hãng hàng không Việt Nam bị delay).
Bồi thường chuyến bay ra sao?
Theo thông tư số 19/2023/TT-BGTVT quy định liên quan đến vận tải hàng không, chuyến bay bị chậm là chuyến có thời gian khởi hành thực tế muộn trên 15 phút so với thời gian kế hoạch trong lịch bay.
Nếu không phải do lỗi của hành khách mà chuyến bay bị chậm, các hãng phải cập nhật đầy đủ thông tin cho hành khách, xin lỗi hành khách và bảo đảm việc ăn nghỉ, đi lại.
Với chuyến bay chậm từ 5 giờ trở lên, nếu hành khách yêu cầu hoàn trả tiền vé, hãng phải hoàn trả toàn bộ tiền vé hoặc hoàn trả tiền phần vé chưa sử dụng theo sự lựa chọn của hành khách…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận