08/07/2015 17:35 GMT+7

Bắt được bị can quan trọng trong vụ án tham nhũng tại Vinashin

MINH QUANG
MINH QUANG

TTO - Ngày 8-7, Bộ Công an cho biết Cơ quan An ninh điều tra phối hợp với các lực lượng có liên quan đã bắt được Giang Kim Đạt, nguyên quyền trưởng phòng kinh doanh Công ty vận tải viễn dương Vinashin.

Tàu Hoa Sen đang được neo đậu tại cảng Lianyungang (Trung Quốc - ảnh lớn) và tàu Hoa Sen khi còn nằm ụ tại cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) - Ảnh: CTV - Lê Nam

Giang Kim Đạt (38 tuổi, quê quán huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) là bị can trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Tham ô tài sản; Chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; Che giấu tội phạm” xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines).

Vụ án này được Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố ngày 23-8-2010. Trước khi khởi tố vụ án, Giang Kim Đạt đã bỏ trốn ra nước ngoài. Ngay sau đó, Cơ quan An ninh điều tra đã phát lệnh truy nã đặc biệt (truy nã quốc tế).

Đến ngày 7-7, cơ quan công an đã bắt được Giang Kim Đạt.

Tại thời điểm khởi tố vụ án, bị can này bị xác định là người được giao trực tiếp tiến hành đàm phán mua tàu Cartour của Ý (tàu Hoa Sen). Tàu Hoa Sen là tàu biển cũ đã qua sử dụng nên việc mua không phù hợp với quyết định của Thủ tướng.

Quyết định phê duyệt đầu tư ban đầu của dự án là gần 1.400 tỉ đồng nhưng sau khi mua tàu, đưa vào sử dụng, ông Phạm Thanh Bình (nguyên chủ tịch HĐQT Vinashin) đã điều chỉnh tổng mức đầu tư lên gần 1.500 tỉ đồng. Vào thời điểm đó, cơ quan chức năng xác định việc mua tàu Hoa Sen gây thiệt hại ít nhất 550 tỉ đồng.

Tại cơ quan điều tra, bước đầu Giang Kim Đạt đã khai nhận về hành vi phạm tội tham ô, chiếm đoạt số tiền lên tới gần 19 triệu USD.

Cùng bỏ trốn trong vụ án này còn có Hồ Ngọc Tùng, nguyên ủy viên HĐQT, trưởng ban kiểm soát tổng giám đốc tài chính của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin).

Được biết, khi ông Hồ Ngọc Tùng giữ cương vị tổng giám đốc Công ty tài chính TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy (VFC) đã cùng với bị can Trịnh Thị Hậu (khi đó là phó tổng giám đốc) đã chủ trương và ký duyệt giải ngân một số khoản cho vay vốn có tổng giá trị khoảng 60 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu quốc tế của Chính phủ trái quy định. Trong đó, một số khoản vay đã bị sử dụng vào mục đích khác không theo đúng dự án và kế hoạch ban đầu dẫn đến mất khả năng thu hồi vốn cho Nhà nước. Sau khi bỏ trốn, cả hai bị can đều bị Interpol ra lệnh truy nã quốc tế.

Với thành tích này, Bộ trưởng Bộ Công an, đại tướng Trần Đại Quang đã trực tiếp làm việc với ban chuyên án, biểu dương và thưởng “nóng” cho mỗi đơn vị tham gia chuyên án 10 triệu đồng.
MINH QUANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên