25/03/2011 07:07 GMT+7

Bất đồng về cuộc can thiệp ở Libya

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - Quân chính phủ tiếp tục tấn công những thành phố phía đông, bất chấp không kích của liên quân ngày càng tăng liên tiếp năm ngày qua. Trong lúc đó, tranh cãi về vị trí lãnh đạo chiến dịch can thiệp ở Libya vẫn chưa ngã ngũ.

Read this on Tuoitrenews.vn

V6EWhHLK.jpgPhóng to

Người tị nạn từ Libya nhận sữa tại trại tị nạn của Cao ủy về người tị nạn Liên Hiệp Quốc ở vùng biên giới Ras ngày 23-3 - Ảnh: Reuters

Reuters dẫn lời các nhân chứng cho biết xe tăng của lực lượng chính phủ Libya tiến vào thành phố Misrata rạng sáng 24-3, lợi dụng bóng tối để tránh những đợt không kích của máy bay liên quân. Hãng tin quốc gia Libya JANA đưa tin đợt oanh kích của phương Tây ở phía đông thủ đô Tripoli làm rất nhiều người thiệt mạng. Một số thành phố khác cũng trở thành mục tiêu của liên quân trong ngày 23-3 như Ajdabiyah, nơi một cứ điểm của ông Gaddafi bị tấn công, và Tajura.

Ngày 24-3, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon nhắc lại lời kêu gọi Libya ngừng bắn.

Tướng không quân Anh Greg Bagwell tuyên bố không quân Libya đã “bị xóa sổ hoàn toàn và không còn là một lực lượng chiến đấu”. Mỹ cũng xác nhận không còn máy bay nào của lực lượng ủng hộ ông Gaddafi trên bầu trời Libya. Dù vậy, ngày 24-3, Pháp cho biết các đợt không kích sẽ vẫn tiếp tục “đến khi nào còn cần thiết” nhằm bảo vệ thường dân. Mỹ điều thêm ba tàu chiến đến Libya. Ngoài ra, các tàu chiến NATO cũng đã bắt đầu tuần tra dọc bờ biển Libya nhằm thực thi lệnh cấm vận vũ khí cho Libya.

Mỹ sốt ruột chuyển giao vai trò lãnh đạo

Tranh cãi về vai trò lãnh đạo trong chiến dịch ở Libya vẫn tiếp diễn. Mỹ đã tỏ rõ dấu hiệu sốt ruột, như một nhà ngoại giao cho biết, và ngỏ ý sẵn sàng nhường trọng trách này lại cho NATO càng nhanh càng tốt trong một vài ngày tới. Tổng thống Mỹ Barack Obama đang phải đối mặt với những chỉ trích gay gắt ngay trong nước về vai trò của Mỹ trong các cuộc không kích, về sự kết thúc mơ hồ của chiến dịch can thiệp cùng chi phí của cuộc chiến này, trong khi nước Mỹ đang dính chân sâu vào hai cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq.

Nội bộ các nước thành viên NATO cũng chưa thống nhất về vai trò lãnh đạo chiến dịch ở Libya do sự phản đối từ Thổ Nhĩ Kỳ. Một nguồn tin từ NATO cho biết Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu liên quân hoàn tất chiến dịch không kích trước khi trao quyền điều hành lại cho NATO. Theo một nguồn tin ngoại giao, một thỏa hiệp với Thổ Nhĩ Kỳ đang được xúc tiến với nội dung “những nước nào muốn tham gia không kích Libya thì tham gia, còn những nước nào không muốn thì đừng làm”.

Cùng lúc, cuộc họp ở Brussels (Bỉ) của các nhà lãnh đạo châu Âu ngày 24-3 cũng diễn ra trong không khí căng thẳng do những bất đồng dai dẳng về cuộc can thiệp quân sự ở Libya, mục tiêu cuối cùng cũng như vai trò chính xác giao cho NATO là gì. Thủ tướng Luxembourg Jean- Claude Juncker “lấy làm tiếc về sự không ăn ý của châu Âu về vấn đề này” và hi vọng về một chính sách đối ngoại chung của châu Âu đã tan thành mây khói, hệt như trong cuộc chiến Iraq năm 2003.

Ít ra, như AFP ghi nhận, các nhà lãnh đạo châu Âu ở Brussels cũng thảo luận được về thời kỳ hậu Gaddafi. “Cuộc can thiệp quân sự không phải là mục đích tự thân, cần phải có một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng này. Hội đồng châu Âu (tức diễn đàn của các nhà lãnh đạo châu Âu) nên bắt đầu thảo luận và suy nghĩ về chuyện này” - một nguồn tin thân cận với Tổng thống Pháp Sarkozy cho biết.

Những vấn đề bị bỏ quên

Một vấn đề đang được đặt ra là Mỹ và các nước phương Tây tìm kiếm điều gì khác hơn “bảo vệ dân thường Libya” khi đặt quân đội vào chỗ nguy hiểm với những khoản chi phí quân sự không hề nhỏ, với mỗi tên lửa tự hành có giá hơn 500.000 USD. CNN dẫn lời hạ nghị sĩ bang Michigan Candice Miller chỉ trích Tổng thống Obama “đã không thể giải thích rõ ràng và thuyết phục là nước Mỹ có lợi ích quốc gia nào để can thiệp vào Libya”.

Đến nay, mục tiêu bảo vệ thường dân, theo Jeni Bilek trên trang islandpacket.com, là “không mấy thuyết phục”. Trang China.org.cn cũng đặt vấn đề về mục đích của Pháp muốn có thêm ảnh hưởng và lợi ích chiến lược tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi này.

Ngược lại, một vấn đề khác dường như lại bị bỏ quên chính là nguy cơ khủng hoảng nhân đạo tại Libya. Theo Washington Post, các nạn nhân bị thương do bạo lực được điều trị trong điều kiện hết sức tồi tệ như phải nằm trên sàn, thiếu thốn thiết bị y tế, thiếu nhiên liệu cho máy phát điện, trong khi nguồn nước đã bị cắt.

“Tôi đang lo xảy ra cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Misurata” - Mark Ward, quan chức cấp cao của Tổ chức Phát triển quốc tế tại Mỹ, cho biết. Các tổ chức cứu trợ thế giới hiện không thể đưa hàng hóa đến Misurata và các thị trấn khác do bạo lực. Ngoài ra, Abeer Etefa, người phát ngôn Chương trình Lương thực thế giới, cho biết việc nhiều cửa hàng đóng cửa cũng khiến nguồn lương thực trở nên khan hiếm. Một số nơi giá bột mì đã tăng gấp đôi, giá gạo tăng đến 88% và giá dầu ăn tăng 58%.

Báo Le Quotidien d’Oran của Algeria, trong bài viết “Pháp bị lên án là đang xâu xé Libya”, đã cho rằng đằng sau những bất đồng cũng như phản đối vai trò “cầm trịch” của Pháp trong cuộc can thiệp quốc tế ở Libya đang nổi lên ở nhiều nước còn có những bất đồng tuy không được nói ra nhưng lại có ý nghĩa quyết định, mà lý do sâu xa là lo sợ Pháp đang theo đuổi những mục tiêu đi ngược lại những lợi ích quốc gia của họ ở Libya.

Báo này giải thích: “Chính cái hậu Gaddafi đang khiến các nước thành viên chính của liên quân hành động và phản ứng ngay từ bây giờ. Trong những bất đồng đang làm rung động nội bộ liên quân và được chuyển vào bàn nghị sự của Liên minh châu Âu, người ta không hề thấy có cuộc thảo luận nào về cứu trợ nhân đạo cả, mà lẽ ra nó cần phải được nêu ra do việc sử dụng vũ lực quân sự quá mức ở Libya.

Lý do không được nói ra của những bất đồng chính là sự tranh giành để tìm kiếm vị trí và vai trò của mình trong tương lai ở Libya một khi gạt bỏ được Gaddafi. Vị trí và vai trò mà họ mong muốn có được chính là nguồn tài nguyên của đất nước này, là vị trí địa chiến lược ở Địa Trung Hải và châu Phi, là những cơ hội kinh doanh mở ra từ cuộc tái thiết hậu chiến sau khi triều đại của ông Gaddafi kết thúc.

Vạch rõ những “cái đằng sau” này, tờ báo ngậm ngùi kết luận: “Cho dù cuộc tranh cãi hiện giờ về Libya của phương Tây có đến đâu đi chăng nữa thì rốt cuộc phương Tây vẫn được hưởng lợi nhiều nhất, cả tài chính kinh tế và hơn thế nữa sau khi ông Gaddafi ra đi. Chính vì điều này mà phương Tây giờ đang chuẩn bị đón bắt lấy. Đó là “sự thay đổi” duy nhất, mà vì điều này phương Tây đang can thiệp vào Libya, nhưng nó lại được che đậy sau lớp áo “quyền của các dân tộc, tự do và dân chủ”.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên