Ashleigh Barty với chức vô địch Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp - Ảnh: Reuters
Con đường "lên đỉnh" của Barty có rất nhiều điều kỳ lạ! Ban đầu, cô làm quen với thể thao bằng môn bóng lưới (netball) - môn thể thao tập thể, có hình thức thi đấu đơn giản là ném bóng vào rổ ghi điểm, tương tự như môn bóng rổ. Nhưng do môn thể thao này quá... "nữ tính" nên Barty đã từ bỏ để chuyển sang thi đấu quần vợt lúc 9 tuổi.
Những năm tháng đầu tiên đến với quần vợt, Barty không thi đấu với những đối thủ đồng trang lứa mà chỉ so tài với những tay vợt nam lớn hơn cô ít nhất 6 tuổi.
Năm 2010, Barty chính thức thi đấu chuyên nghiệp và được so sánh với "huyền thoại" Martina Hingis (Thụy Sĩ) bởi chỉ cao 1,66m cùng lối đánh linh hoạt. Ưu điểm của cô là những cú đánh thuận tay rất mạnh mẽ về hai góc cuối sân khiến đối thủ phải "chạy bở hơi tai" và những cú giao bóng hết sức lợi hại.
Nhưng khi mà sự nghiệp bắt đầu khởi sắc thì Barty lại bất ngờ từ bỏ làng banh nỉ vào năm 2014 với lý do: quần vợt là môn thể thao quá... cô đơn! Barty cho biết để theo đuổi quần vợt, cô phải liên tục tập luyện và thi đấu xa nhà, mỗi năm cô chỉ được ở nhà có... 27 ngày.
Lần này Barty chuyển sang cricket và khoác áo CLB Brisbane Heat, cô đã chơi tổng cộng 13 trận, ghi 100 điểm. Sau đó Barty cảm thấy chán nản, quyết định quay lại với quần vợt vào năm 2016 và tạm đứng thứ... 623 trên bảng xếp hạng của WTA.
Dường như những năm tháng rời xa quần vợt đã giúp Barty "lắng đọng" những khát khao và ước mơ, để rồi bộc phát trong lần trở lại này. Kể từ khi quay lại, Barty đã 9 lần vào chung kết các giải WTA và đoạt 5 chức vô địch, trong đó đỉnh cao là chức vô địch Roland Garros 2019.
Trong 3 năm qua, Barty từ hạng 623 đã vươn lên đứng thứ 8, với chức vô địch này cô sẽ vượt lên đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng WTA sẽ được công bố tuần này. Chiến tích đó cũng giúp Barty trở thành tay vợt người Úc đầu tiên vô địch Roland Garros kể từ khi Margaret Court đăng quang vào năm 1973.
Những nhà vô địch trẻ
Với việc Barty đăng quang tại Roland Garros 2019, làng banh nỉ thế giới chứng kiến làng sóng của các nhà vô địch trẻ. Cụ thể, 5/7 nhà vô địch nữ tại các giải quần vợt lớn kể từ đầu năm nay đều có độ tuổi từ 23 trở xuống. Chỉ có hai nhà vô địch Madrid Masters và Rome Masters là Kiki Bertens và Karolina Pliskova (cùng 27 tuổi) là lớn hơn 23 tuổi.
Trong 10 giải Grand Slam gần nhất chứng kiến 9 nhà vô địch đơn nữ khác nhau và 6 trong số đó có lần đầu đăng quang.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận