05/11/2008 12:00 GMT+7

Barack Obama trở thành tổng thống thứ 44 của Mỹ

T.VY (Theo BBC)
T.VY (Theo BBC)

TTO - Theo BBC, tính đến thời điểm 15g05 ngày 5-11, giờ VN, ông Barack Obama đã giành được 349 phiếu đại cử tri, vượt xa đối thủ của mình là McCain với 162 phiếu. Thượng nghị sĩ Barack Obama đã làm nên lịch sử khi trở thành tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ.

* Thượng nghị sĩ John McCain thừa nhận thất bại* Những hình ảnh người dân Mỹ sau bầu cử * Bầu cử tổng thống Mỹ và những cái "nhất" * Chùm ảnh “ngày hội” bầu cử Mỹ

MSWYRqJE.jpgPhóng to
Cuộc đua vào Nhà Trắng thu hút sự theo dõi của hàng triệu người trên thế giới - Ảnh: CBS News

“Đây là chiến thắng của các bạn. Đổi thay đã đến với nước Mỹ”, ông Barack Obama nói trước 125.000 người tham dự cuộc mít tinh mừng chiến thắng tại Grant Park, Chicago. "Con đường phía trước còn dài, chúng ta sẽ phải leo dốc. Chúng ta có thể không ở đỉnh dốc trong một năm hoặc thậm chí một nhiệm kỳ, nhưng tôi tin nước Mỹ của chúng ta sẽ đến đó".

"Nhiều người có thể không đồng ý với mọi quyết định hay chính sách mà tôi đưa ra với tư cách tổng thống, và chúng ta biết rằng chính phủ không thể giải quyết được mọi vấn đề. Nhưng tôi luôn thành thật với các bạn về những thách thức mà chúng tôi đối mặt", ông nói.

“Với những người dân Mỹ, những người mà tôi chưa nhận được sự ủng hộ, có thể tôi đã không nhận được phiếu bầu từ các bạn, nhưng tôi sẽ nghe các bạn nói, tôi cần sự giúp đỡ của các bạn và tôi cũng sẽ trở thành tổng thống của các bạn".

Thượng nghị sĩ Hillary Clinton, cựu đối thủ của ông Obama trong cuộc chạy đua tìm kiếm ứng viên của đảng Dân chủ phát biểu: “Chiến dịch tranh cử thật dài hơi và có nhiều khó khăn nhưng kết quả cuối cùng đã diễn ra tốt đẹp như mong đợi. Sắp tới, dưới sự lãnh đạo của tổng thống Barack Obama, phó tổng thống Joe Biden, chúng ta sẽ lập nên một biểu đồ mới tạo dựng nên kinh tế vững mạnh hơn".

Ông Obama cũng gửi lời cảm ơn đến ủy ban vận động tranh cử Đảng Dân chủ, vợ con và cả bà ngoại vừa mới qua đời của ông, những người mà "nhờ có họ mới có một Obama ngày hôm nay" và ông "mắc nợ họ không biết bao giờ mới có thể trả hết".

Ông cũng ca ngợi ông McCain đã chiến đấu không mệt mỏi trong suốt giai đoạn tranh cử, đồng thời bày tỏ mong muốn sớm được làm việc cùng ông McCain. Đối với các cử tri Đảng Cộng hòa, ông khẳng định dù không giành được phiếu bầu của họ, ông vẫn lắng nghe họ, cần họ giúp đỡ và sẽ là tổng thống của họ, tổng thống của tất cả người dân, không phân biệt đảng phái.

Obama đã gửi bức thông điệp tới các nước trên thế giới, trong đó bảo đảm rằng chính quyền mới của Mỹ sẽ cùng với các nước trên thế giới đấu tranh chống lại sự hủy diệt, đồng thời ủng hộ những gì mang lại hòa bình và an ninh cho toàn nhân loại.

Ngày hôm nay cũng đánh dấu sự kết thúc chiến dịch bầu cử kéo dài nhất trong lịch sử Mỹ - 21 tháng. Obama, 47 tuổi sẽ bắt đầu trở thành ông chủ mới của Nhà Trắng. Ông sẽ tuyên thệ nhậm chức, chính thức trở thành vị tổng thống thứ 44 của Mỹ vào ngày 20-1-2009

--------------------------------

11g50, BBC đã đưa tin ông Obama giành được 338 phiếu đại cử tri, còn ông McCain là 155. CNN cũng dự đoán Obama sẽ trở thành tổng thống thứ 44 của Mỹ khi cho biết Obama đã vượt qua số phiếu đại cử tri cần thiết là 270. CBS News thì dự đoán Obama giành được 333 phiếu, còn McCain là 155 phiếu.

Cũng theo CNN, Obama được dự đoán sẽ chiến thắng tại các bang Califorina, Washington, Oregon, Virginia và Hawaii. Virginia là bang được xem là không bầu cho ứng viên đảng Cộng hòa từ năm 1964.

Hãng tin này cũng cho biết Obama đã giành được 20 phiếu đại cử tri ở bang Ohio. Trong lịch sử bầu cử tổng thống Mỹ đến nay, chưa có ứng viên đảng Cộng hòa nào giành chiến thắng mà không chiến thắng tại bang Ohio.

Thượng nghị sĩ (TNS) John McCain đã lên tiếng chúc mừng với chiến thắng của TNS Barack Obama. Phát biểu với những người ủng hộ mình tại Phoenix, Arizona, ông McCain cho biết: "Tôi sẽ dốc hết sức mình để cùng với ông ấy giải quyết những khó khăn mà nước Mỹ đang phải đối mặt".

Người phụ trách vận động tranh cử của Obama cho biết ông McCain đã điện thoại chúc mừng Obama. Đương kim tổng thống George Bush cũng đã gọi điện thoại chúc mừng vị tổng thống da đen đầu tiên của nước Mỹ.

U9YtP9O7.jpgPhóng to
Ảnh BBC
Zgqxxpkm.jpgPhóng to

Ông Obama trìu mến chia sẻ niềm vui với vợ - bà Michelle - sau khi chính thức trở thành người chiến thắng trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ - Ảnh: Reuters.

RSNhfmCy.jpgPhóng to

Ông Barack Obama và vợ Michelle cùng hai con Malia và Sasha (thứ hai từ trái sang) vẫy chào người ủng hộ tại Chicago sau khi được tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2008 - Ảnh: Reuters

lJlX9DrM.jpgPhóng to

Nước mắt hạnh phúc của Jillian Marshall, một người ủng hộ ông Obama sau khi ông được tuyên bố giành chiến thắng - Ảnh: Reuters

Theo BBC đến thời điểm 11g, giờ VN, sáng 5-11 ông Obama đã giành được 297 phiếu đại cử tri, còn McCain là 145 phiếu. CNN cũng dự đoán Obama sẽ trở thành tổng thống thứ 44 của Mỹ khi cho biết Obama đã vượt qua số phiếu đại cử tri cần thiết là 270.

Trước đó 10g40, CNN đã dự đoán Obama được 207 phiếu và McCain là 135. Còn theo CBS News thì Obama được 206 và McCain là 141.

Tính đến 10g5 sáng nay 5-11 (giờ VN), theo Reuters dẫn các nguồn dự báo cho hay ứng viên Đảng Dân chủ được 203 phiếu đại cử tri, trong khi ứng viên Đảng Cộng hòa John McCain là 135 phiếu. Tuy nhiên, Trước đó 9g48, ứng viên Đảng Dân chủ giành được 196 phiếu đại cử tri, ứng viên Đảng Cộng hòa John McCain được 90 phiếu đại cử tri. Con số dự báo này ở CNN 194 với Obama và 69 với McCain. Lúc 9g, con số này là 191 cho Obama và 81 cho McCain. Còn với AP thì ông Obama đã giành được 195 phiếu đại cử tri, còn ông McCain được 70 phiếu.

Một ứng cử viên phải giành được sự ủng hộ của ít nhất 270 đại cử tri để giành chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.

c1bWGVFR.jpgPhóng to
Ông Barack Obama cùng vợ bỏ phiếu tại Chicago (trái), còn vợ chồng John McCain bỏ phiếu tại Phoenix - Ảnh: AP
Bd8PgHDh.jpgPhóng to
Bảng đồ số phiếu bầu cử tổng thống nước Mỹ - Ảnh chụp từ website Reuters lúc 10g25 (giờ VN)

CNN đăng kết quả thăm dò mới nhất ở bang Kentucky cho thấy ứng viên 72 tuổi dẫn trước đối thủ Đảng Dân chủ với tỉ lệ phiếu bầu 51-42%. Chiến thắng này dự kiến đem về cho ông McCain toàn bộ 8 đại cử tri của bang Kentucky, tiểu bang có lịch sử ủng hộ Cộng hòa hơn 40 năm qua.

Theo BBC, ông Obama được dự báo thắng tại: Vermont, New Hampshire, Pennsylvania, Illinois, Delaware, Massachusetts, Quận Columbia, Maryland, Connecticut, Maine, New Jersey, Michigan, Minnesota, Wisconsin, New York, đảo Rhode.

Ông McCain được dự báo thắng tại: Kentucky, Nam Carolina, Oklahoma, Tennessee, Arkansas, Alabama, Kansas, North Dakota, Wyoming, Georgia.

Fox News cũng dự báo ông Obama sẽ thắng tại Ohio và New Mexico, trong khi một số đài truyền hình Mỹ dự báo ông McCain thắng tại West Virginia.

Trong khi đó, kết quả thăm dò tại Vermont cho thấy Obama dẫn trước với tỉ lệ 57-36%, đồng nghĩa với 3 đại cử tri cho ứng cử viên tổng thống da đen đầu tiên của nước Mỹ.

Các điểm bỏ phiếu ở nhiều nơi tại Kentucky và Indiana bắt đầu đóng cửa vào lúc 23 GMT (6g sáng 5-11 giờ Việt Nam). Các tiểu bang còn lại sẽ lần lượt kết thúc giai đoạn bỏ phiếu trong vòng sáu giờ tới.

Kết quả khảo sát bên ngoài điểm bỏ phiếu phản ánh tình hình kinh tế vẫn là mối bận tâm lớn nhất của các cử tri. Có đến 62% người được hỏi khẳng định đó là vấn đề quan trọng nhất. 10% quan tâm nhiều hơn đến Iraq, trong khi 9% cử tri cho hay khủng bố và chăm sóc y tế là hai mối bận tâm hàng đầu.

Kinh tế cũng là chủ đề nổi bật trong nỗ lực vận động tranh cử cuối cùng khi thượng nghị sĩ (TNS) Barack Obama lẫn John McCain đều cố gắng thuyết phục cử tri mình là ứng viên tốt nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính.

TNS Barack Obama cùng vợ và hai cô con gái đến bỏ phiếu ở Chicago trước sự chào đón nồng nhiệt của người ủng hộ. "Đi bỏ phiếu với con gái tôi là việc có ý nghĩa rất quan trọng" - ứng cử viên 47 tuổi mỉm cười nói.

Trong khi đó, ông McCain, TNS bang Arizona, đã đến bỏ phiếu tại một điểm gần căn hộ của ông ở Phoenix. "Tôi rất vui khi thấy nhiều cử tri đi bỏ phiếu tại những bang mà chúng ta cần tỉ lệ bỏ phiếu cao" - ông McCain tuyên bố trước các tình nguyện viên tại New Mexico.

Các nhân viên công tác tại địa điểm bỏ phiếu cho biết tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt mức cao ở nhiều khu vực trên cả nước. Theo Reuters, ít nhất 130 triệu cử tri đã thực hiện quyền công dân của mình để chọn ra người thay thế tổng thống George W. Bush. Một số sơ suất nhỏ đã xảy ra tại vài điểm bỏ phiếu, như máy bỏ phiếu bị trục trặc ở Palm Beach, Florida, hoặc cử tri phải đội mưa đi bỏ phiếu ở Chesapeake, Virginia... Tại các bang chính yếu như Pennsylvania, Ohio và Virginia, các cử tri phải xếp hàng dài trong nhiều giờ đồng hồ.

Vài nét về ông Barack Obama

Barack Obama, tên đầy đủ là Barack Hussein Obama, sinh ngày 4-8-1961 tại thủ phủ Honolulu, tiểu bang Hawaii, Mỹ. Cha là người Kenya, mẹ là người Mỹ da trắng.

Ông Obama bị bố bỏ rơi khi chỉ mới 2 tuổi và sống trong hoàn cảnh thiếu thốn vật chất tại Hawaii (có lúc chuyển sang Honolulu và Indonesia). Ông tốt nghiệp Đại học Columbia với bằng cử nhân chính trị học chuyên ngành quan hệ quốc tế; tiếp đó vào Trường luật Harvard, trở thành người da màu đầu tiên được bầu làm chủ tịch Harvard Law Review trong lịch sử hơn 100 năm của Harvard.

Obama nói với các cử tri: “Tôi được người mẹ độc thân cùng ông bà ngoại nuôi nấng. Chúng tôi không sinh trong gia đình có tiền và đặc quyền. Những gì họ cho tôi là tình yêu, giáo dục và hi vọng”.

Barack Obama là thượng nghị sĩ Mỹ gốc Phi thứ 5 trong lịch sử Mỹ và là người Mỹ gốc Phi duy nhất hiện nay đang phục vụ tại nghị viện Hoa Kỳ.

Tư liệu Tuổi Trẻ

Tuy nhiên, nhiều người nói rằng sự chờ đợi là đáng giá bởi họ đã có cơ hội thực hiện quyền công dân của mình.

"Thật là tuyệt vời được làm một người Mỹ trong ngày hôm nay. Đây là thời khắc hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi" - thầy giáo môn xã hội lớp tám Jude Elliot, tại Orangeburg, South Carolina tâm sự.

Elliot cho hay trong các cuộc bầu cử trước, ông chỉ mất năm phút để bỏ phiếu, nhưng lần này mất khoảng 90 phút, dù ông đã có mặt từ 6g45 sáng.

"Điểm bỏ phiếu đông nghịt người. Trẻ có, già có, người da trắng, người da đen, người khuyết tật. Thật đáng kinh ngạc!" - Elliot xúc động nói.

Trong khi đó, Rick Garcia, một cử tri khác, đi bỏ phiếu vì lý do mang tính riêng tư hơn. Anh trai của anh, một quân nhân trong quân đội Mỹ, đã tử nạn tại Afghanistan hôm 1-8 vì trúng bom.

"Đó là lý do chính khiến tôi đi bỏ phiếu: nhân danh anh ấy", Garcia, sống tại West Palm Beach, Florida thổ lộ.

Ngày 5-11, Liên minh châu Âu (EU) đã hoan nghênh chiến thắng của ông Obama. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso bày tỏ hy vọng về một tương lai mới trong quan hệ giữa EU và Mỹ.

Ông cho rằng đây là thời điểm thích hợp để làm mới quan hệ giữa châu Âu và Mỹ và nhấn mạnh hai bên cần một thỏa thuận một cho một thế giới mới.

Chủ tịch Barroso hy vọng dưới chính quyền của tân tổng thống Obama, nước Mỹ sẽ cùng châu Âu hành động vì lợi ích của hai bên nói riêng và của thế giới nói chung.

ZhL66hr7.jpgPhóng to

Ông Barack Obama và vợ, bà Michelle, cùng vợ chồng "phó tướng" Joe Biden tại lễ mừng chiến thắng ở Chicago - Ảnh: AP

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, nước hiện đang giữ chức chủ tịch luân phiên EU, đã chúc mừng chiến thắng vang dội của ông Obama. Trong thư chúc mừng, ông Sarkozy khẳng định thành công của ông Obama là phần thưởng xứng đáng cho nỗ lực không mệt mỏi phục vụ người dân Mỹ.

Theo ông Sarkozy, với việc bỏ phiếu bầu cho thượng nghị sĩ da màu này, các cử tri Mỹ đã lựa chọn sự thay đổi với các chính sách cởi mở, mở ra những hy vọng mới cho thế giới trong bối cảnh ''cơn bão'' kinh tế đang lan rộng ra toàn cầu.

Ngoại trưởng Pháp Bernard Kouchner chúc ông Obama gặt hái nhiều thành công lớn. Ông khẳng định Pháp và EU sẵn sàng hợp tác với tổng thống và chính quyền mới của nước Mỹ để củng cố quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương. Theo ông, đây là cơ hội lịch sử để hai bên cùng nỗ lực đương đầu với các thách thức kinh tế, an ninh và biến đổi khí hậu.

REvfVHCP.jpgPhóng to

Thiếu nữ Nhật theo dõi kết quả bầu cử tổng thống Mỹ qua truyền hình tại Đại sứ quán Mỹ ở Tokyo sáng 5-11 - Ảnh: Reuters

Từ thủ đô Tokyo, Thủ tướng Nhật Taro Aso cam kết tiếp tục hợp tác với tân tổng thống Obama để củng cố liên minh Nhật-Mỹ và cùng giải quyết các vấn đề quốc tế. Tại Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào bày tỏ mong muốn quan hệ hợp tác giữa hai nước sẽ được "nâng lên một tầm cao mới trong một kỷ nguyên lịch sử mới".

Lãnh đạo các nước Canada, New Zealand, Úc, Pakistan, Israel, Indonesia, Philippines, Nam Phi, Kenya cũng đồng loạt chúc mừng ông Obama thắng cử và bày tỏ hy vọng các mối quan hệ song phương với Mỹ sẽ tiếp tục được củng cố dưới thời của ông Obama. Tại Kenya, Tổng thống Mwai Kibaki tuyên bố ngày mai (6-11) sẽ là ngày quốc lễ của Kenya để người dân nước này kỉ niệm chiến thắng của ông Obama.

1AfVgO5Y.jpgPhóng to

Thượng nghị sĩ John McCain (bìa trái) phát biểu thừa nhận thất bại trước ông Obama ở Phoenix. Cạnh Obama là vợ chồng thống đốc Sarah Palin - được ông chọn làm "phó tướng" và vợ ông, bà Cindy McCain - Ảnh: AP

Những hình ảnh bầu cử tổng thống Mỹ được ghi nhận:

oNTM7lfl.jpgPhóng to

Từ sáng sớm 4-11, các cử tri tại Arlington, Virginia đã xếp hàng chờ bỏ phiếu - Ảnh: Xinhua

Kbd4x0CO.jpgPhóng to

Các cử tri xếp hàng chờ bỏ phiếu tại Arlington, Virginia ngày 4-11 - Ảnh: Xinhua

XZSYtZxV.jpgPhóng to

Một cử tri tại Arlington, Virginia đang bỏ phiếu bầu - Ảnh: Xinhua

jt2b07e4.jpgPhóng to

Ông Barack Obama và vợ Michelle chuẩn bị bỏ phiếu tại điểm bỏ phiếu ở Chicago - Ảnh: AP

gRCEhtWQ.jpgPhóng to

Sinh viên Mỹ đang bầu cử - Ảnh: CNN

1TsJcJ36.jpgPhóng to

Ông Obama chụp ảnh lưu niệm với người ủng hộ tại Indianapolis hôm 4-11 - Ảnh: AP

Đi bầu cử trên... xe cấp cứu

Cụ Betty Owen, 92 tuổi, bị đột quỵ cách đây 4 năm, không thể đi lại và phải ăn uống thông qua ống dẫn. Tuy nhiên cụ đã không bỏ lỡ cơ hội bầu cử: ngày 4-11, cụ đã đến điểm bỏ phiếu bằng xe cấp cứu. Tại đây, cụ được quan chức phụ trách bầu cử và những người ủng hộ giúp bỏ phiếu bầu.

EDYT3jcB.jpgPhóng to
Ông Obama đã trở thành tổng thống thứ 44 của nước Mỹ - Ảnh: AP

Từng là cựu binh Thế chiến thứ hai, Owen đi bầu lần đầu tiên vào năm 1940, khi đó bà bỏ phiếu cho ứng viên Cộng hòa Wendell Willkie, đối thủ của ông Franklin D. Roosevelt.

Bà trở thành người ủng hộ Đảng Dân chủ sau khi bỏ phiếu cho John Kennedy vào năm 1960 và trong ngày bỏ phiếu 4-11, bà đã bỏ phiếu cho ông Obama.

T.VY (Theo BBC)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên