Cuối tháng 9, tổ chức này mời tôi tham dự và đọc tham luận tại Hội nghị Chống nói dóc thường niên năm 2013. Báo Tuổi Trẻ Cười cấp cho tôi 5.000 euro để mua vé máy bay và xài vặt, với lời dặn dò: “Ông nhớ nói rõ cho quốc tế biết là đất nước chúng ta không có tệ nạn nói dóc. Nhớ phải triệt cho bọn xấu đó cứng họng”. Tôi mang theo tinh thần ấy tới Kamacoutou.
Bài tham luận viết bằng thổ ngữ châu Phi đã được soạn sẵn và duyệt trước, tôi chỉ mang mắt kiếng và đọc, thỉnh thoảng có ngừng để vỗ tay, tưởng không có gì đáng để thuật lại. Tới buổi họp báo cuối hội nghị, ngài trưởng ban tổ chức đẩy tôi ra “ghế nóng” trả lời về thành tích chống nói dóc. Tôi vốn ngoan cường, trước đó lại có uống mấy liều sâm pha rượu nên hiên ngang bước lên diễn đàn, thổi phù phù vài cái vào micro, nói: “Xin mời quý vị đặt câu hỏi”.
Rừng ống kính thu hình chạy re re, máy ảnh bấm rẹt rẹt. Một nhà báo nữ hỏi: “Theo sự đánh giá của ông, nước nào ở châu Á thực hiện việc chống nói dóc tốt nhất?”. Tôi dõng dạc: “Việt Nam”. Một cha nhà báo có nước da hổ phách, hỏi tiếp: “Chúng tôi đọc thấy thông tin rằng có khoảng 30% công chức, cán bộ nước ông không làm được công việc gì cả. Ông bình luận sao về việc này?”. Tôi đáp nhanh như máy tính đã được lập trình, chỉ cần open: “Tôi chưa nắm được thông tin ấy. Tôi mong bạn giải thích rõ “không làm được việc gì cả” là sao?”.
Anh nhà báo không ngờ tôi chơi Thoái ảo cước của phái Thanh Thành, đặt ngược câu hỏi lại. Anh ta ấp úng: “Là… sáng 8 giờ sáng mới uống cà phê, 10 giờ ngồi vào bàn làm việc, 11 giờ đi khỏi cơ quan. Là buổi chiều… cầm vợt đi đánh tennis. Thông tin này đưa trên các báo nước ông rồi mà”. Đến đây thì tôi hơi ngọng; nhưng người quân tử lúc bí thì phải nghĩ ra kế mà thoát. Tôi cười một tràng cười Tào Tháo để câu giờ, rồi nói lấp lửng: “Quả thật, có tình trạng đó. Nhưng thưa với bạn, đất nước tôi là đất nước yêu thể thao, đặc biệt là phong trào tranh giải tennis trong công chức cán bộ từ cấp phường xã trở lên vô cùng sôi nổi. Có lẽ anh em báo chí bên tôi ghi nhận các điều này đúng vào mùa tranh giải tennis hàng năm được tổ chức khắp phường xã, quận huyện, tỉnh thành, ban ngành. Tôi cho rằng một người đánh tennis đến 12 giờ khuya thì 8 giờ sáng vào uống cà phê, 10 giờ ngồi vào bàn làm việc… là chuyện bình thường. Yêu tennis thì không thể nói là làm biếng, trốn tránh công việc cơ quan được”.
Các nhà báo hí hoáy ghi chép. Một tay nhà đài chụp lấy cái micro: “Vừa qua, ông bộ trưởng Bộ Nội vụ của nước ông ra trước Quốc hội, nói rằng chỉ có trên dưới 1% công chức cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ. Ông nghĩ sao về con số khiêm tốn ấy?”. Tôi thở một cái khì vì đã đúng… chỗ sướng nhất của mình:Xem tiếp trang 28
“Con số mà bộ trưởng đưa ra là hoàn toàn chính xác, được đúc kết trên cơ sở các báo cáo trung thực và nghiêm túc của các bộ ngành, địa phương. Công chức cán bộ của nước tôi chấp hành nghiêm nội qui cơ quan, làm việc tận tụy phục vụ nhân dân, thành tích năm sau cao hơn năm trước. Không ai có thể nghi ngờ về trinh tiết, xin lỗi, tinh thần cống hiến của họ”.
Tôi nói đến đây thì đám nhà báo quốc tế… ngủ gục hết. Tất nhiên, họ có quyền ngủ bởi lao động báo chí khá vất vả, ngủ một chút để lấy sức đưa tin, viết bài là một chuyện không tồi. Còn tôi cũng chỉ mong cho họ ngủ chứ cứ trả lời lôi thôi thì e cái danh hiệu chuyên gia chống nói dóc bậc 12/ 7 của mình sẽ lòi chành hết ráo.
Hỡi 30% công chức, cán bộ ham chơi, làm biếng, chỉ biết lãnh lương, không muốn làm việc! Tôi đã vì danh dự các vị mà xả thân, liều mình quần thảo với dư luận quốc tế, bảo vệ cho các vị tai qua nạn khỏi trước nhân dân. Tôi đã vì các vị mà nói dóc từ đầu tới đuôi, nói tầm bậy tầm bạ chẳng ra cái thống chế De Coux gì cả. Các vị ráng mà sửa đổi, đừng để bị đuổi việc thì ngặt nghèo cho tôi lắm, à nghen!
Tuổi Trẻ Cười số 486 ra ngày 15/10/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận