18/07/2012 07:57 GMT+7

Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của VN trên biển Đông

NGUYỄN THÁI LINH (thạc sĩ công pháp quốc tế, Quỹ nghiên cứu biển Đông, sống tại Ba Lan)
NGUYỄN THÁI LINH (thạc sĩ công pháp quốc tế, Quỹ nghiên cứu biển Đông, sống tại Ba Lan)

TT - Khi Luật biển VN được Quốc hội thông qua, VN đang ở tư thế thuận lợi hơn trong việc bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của mình trên biển Đông. Đây là một bước tiến lớn về pháp lý.

06Ba4DUJ.jpgPhóng to
Tàu cá Trung Quốc đang ở gần đảo Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của VN - Ảnh: THX

Luật biển VN tuân thủ các điều ước quốc tế mà VN là thành viên và được xây dựng phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS). Đây là một bước tiến lớn về pháp lý, đồng thời thể hiện tinh thần tôn trọng cộng đồng quốc tế và luật pháp quốc tế của VN.

Trước tình hình các tranh chấp trên biển Đông ngày một phức tạp do các động thái ngày một ngang ngược của Trung Quốc, VN càng cần tỏ ra bình tĩnh nhưng cương quyết, sử dụng những biện pháp hòa bình theo đúng Luật biển và luật pháp quốc tế, tránh gây xung đột và căng thẳng không cần thiết. Khi Trung Quốc dùng sức mạnh vũ lực, hung bạo và trắng trợn bất chấp pháp lý thì đối trọng lại, sức mạnh của VN chính là “sức mạnh mềm”, sức mạnh của lẽ phải, dựa trên pháp luật. VN cần kiên quyết và kiên trì với các biện pháp này đến cùng.

Một mặt, Nhà nước VN cần liên tục khẳng định chủ quyền và phản đối các hành động xâm phạm của Trung Quốc bằng các tuyên bố chính thức. Mặt khác, Nhà nước VN cần tích cực tìm cách giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình theo đúng tinh thần và luật pháp quốc tế như đàm phán, thương lượng, đưa ra trọng tài hay tòa án quốc tế.

Tuy nhiên, khó có thể đàm phán và thương lượng một cách công bằng khi yêu sách và tham vọng của Trung Quốc quá vô lý và ngang ngược. Trung Quốc lại cũng không bao giờ chịu chấp nhận thẩm quyền của bất cứ tòa án hay trọng tài quốc tế nào cho các tranh chấp trên biển Đông. Do vậy, điều cấp thiết là VN cùng các bên liên quan tìm cách ràng buộc Trung Quốc bằng một bộ quy tắc ứng xử (COC) có giá trị pháp lý.

Về phần mình, VN cần củng cố các cơ quan chấp pháp như cảnh sát biển, lực lượng hải quan, biên phòng, kiểm ngư... để có thể nắm rõ và chủ động xử lý các vi phạm trong vùng biển chủ quyền của mình, đồng thời có một hệ thống quản lý hoàn thiện trên biển. Ngoài ra, cần phổ biến và giáo dục Luật biển, UNCLOS và các kiến thức về luật pháp cho ngư dân, các lực lượng cảnh sát, vũ trang và các giới chấp pháp. Khi nắm vững luật pháp, họ sẽ tự tin hơn khi đối phó với kẻ xâm phạm biển.

Tuy nhiên, quan trọng nhất là VN cần ý thức được ngọn cờ chính nghĩa cùng tư thế chính đáng của mình trước thái độ bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc để xử lý các xâm phạm ngày một gia tăng của Trung Quốc một cách chủ động, bình tĩnh nhưng kiên quyết. Trong các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán của VN, chúng ta hoàn toàn có thể xử lý theo đúng các quy định của Luật biển và luật quốc tế.

Điều 73 khoản 1 của UNCLOS ghi rõ: “Trong việc thực hiện các quyền thuộc chủ quyền về thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên sinh vật của vùng đặc quyền về kinh tế, quốc gia ven biển có thể thi hành mọi biện pháp cần thiết, kể cả việc khám xét, kiểm tra, bắt giữ và khởi tố tư pháp để bảo đảm việc tôn trọng các luật và quy định mà mình đã ban hành theo đúng công ước”. Đối với các hành động xâm phạm mang tính chất kinh tế, dân sự và bán dân sự của Trung Quốc, VN có thể sử dụng các biện pháp pháp lý như truy đuổi, yêu cầu ngừng hành vi, phạt hành chính, khám xét, bắt giữ, lập biên bản, dẫn độ và khởi tố theo các điều khoản của Luật biển và luật quốc tế. Các biện pháp quân sự chỉ được sử dụng trong trường hợp phòng vệ chính đáng khi bị tấn công bằng vũ lực.

Rõ ràng là xâm phạm

Mạng báo Hải Nam ngày 17-7 cho biết 30 tàu cá Trung Quốc đang chia nhau ra đánh bắt trong phạm vi gần 10km ở quanh và mạn bắc đảo Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của VN, trong lúc tàu ngư chính 310 quần thảo liên tục quanh khu vực này. Các tàu này ban ngày nghỉ, đánh bắt vào ban đêm với những đèn công suất lớn.

Rõ ràng Trung Quốc đã có ý đồ xâm phạm biển Đông, thậm chí gây rối nếu cần thiết. Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV trắng trợn tuyên bố: “Đây cũng là một kiểu thể hiện chủ quyền ở Trường Sa”.

Cùng lúc, báo Quân Giải Phóng Trung Quốc cho biết sẽ thay thế sáu nhân sự cấp cao trong quân khu tỉnh Hải Nam để chuẩn bị ứng phó với tình hình đang căng thẳng ở biển Đông.

Bắc Kinh đang châm dầu vào lửa

Báo Sydney Morning Herald bình luận: “Thái độ hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông đang khiến những ai từng nghi ngờ âm mưu của Trung Quốc giờ hết cả nghi ngờ. 22 vụ va chạm trên biển Đông trong ba năm qua, chủ yếu do tàu của Trung Quốc gây ra ở những khu vực của Philippines và VN, là bằng chứng rõ ràng hơn bao giờ hết. Những thái độ mới nhất của Trung Quốc cho thấy nước này không hề có tư tưởng hòa giải nào trong đầu. Bắc Kinh chỉ cho thấy họ đang sẵn sàng châm dầu vào lửa”.

NGUYỄN THÁI LINH (thạc sĩ công pháp quốc tế, Quỹ nghiên cứu biển Đông, sống tại Ba Lan)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên