06/08/2015 11:36 GMT+7

Báo Tuổi Trẻ kết nối những “ông bụt”, “bà tiên”

LÝ THỊ THỦY (Giáo viên trường THCS và THPT Võ Văn Kiệt,  huyện Sông Hinh, Phú Yên)
LÝ THỊ THỦY (Giáo viên trường THCS và THPT Võ Văn Kiệt, huyện Sông Hinh, Phú Yên)

TT - Tôi biết với sự ảnh hưởng của mình, báo Tuổi Trẻ sẽ còn tiếp tục kết nối nhiều, thật nhiều tấm lòng vàng của những “ông bụt", "bà tiên” trên khắp mọi miền đất nước để yêu thương ngày một lan tỏa.

Cô Lý Thị Thủy (bìa trái) cùng giáo viên chủ nhiệm mua sắm đồ dùng học tập cho em Hờ Hảo bằng số tiền bạn đọc gửi tặng - Ảnh do cô Thủy cung cấp

Một buổi sáng tháng 3-2014, khi bài “Xin đừng thu dép của em” tôi viết được đăng trên báo Tuổi Trẻ, ngay chiều hôm đó điện thoại của nhà trường, của tôi đổ chuông liên tục. Tôi và tất cả đồng nghiệp vỡ òa trong vui sướng.

Đầu dây bên kia của những cuộc điện thoại là bạn đọc báo Tuổi Trẻ trên khắp mọi miền đất nước với những lời yêu thương hỏi thăm em Hờ Hảo (nhân vật trong bài viết) về sức khỏe, về hoàn cảnh gia đình, về cách chữa trị căn bệnh lạ, kèm theo đó là những khoản tiền giúp đỡ.

Những ngày sau đó là những đôi dép, sách vở, quần áo, thuốc men và những khoản tiền lần lượt gửi đến kèm theo lời động viên em cố gắng vượt qua bệnh tật để tiếp tục đến trường.

Cứ thế, Hảo có tiền vào TP.HCM khám chữa bệnh. Suốt mấy tháng sau đó, bạn đọc vẫn quan tâm giúp đỡ em thông qua tòa soạn báo Tuổi Trẻ hoặc trực tiếp về trường trao tận tay em. Có những đại diện doanh nghiệp đến liên hệ trường để tiếp tục giúp đỡ những học sinh khó khăn còn lại.

Những món quà từ bạn đọc thường được thầy hiệu trưởng trao cho Hờ Hảo, cho những em học sinh nghèo vào sáng thứ hai đầu tuần với lời nhắn “Đây là những tấm lòng vàng bạn đọc báo Tuổi Trẻ gửi đến các em, mong các em cố gắng vượt qua khó khăn vươn lên trong học tập để trở thành người có ích cho xã hội”.

Phép mầu một lần nữa lại mỉm cười với những cô cậu học trò nghèo của tôi khi bài viết “Xin nghỉ học kiếm tiền chữa bệnh cho cha” của tôi được đăng vào tháng 9-2014. Hơn hẳn lần trước, bạn đọc cả nước lại chung tay giúp Bình (nhân vật trong bài viết) vượt qua khó khăn để đến trường.

Có gia đình bạn đọc bay từ TP.HCM ra tận nhà Bình thăm hỏi và trao cho em 15 triệu đồng với những lời dặn dò động viên rằng họ có mặt ở đây không chỉ để tặng một món tiền, mà hơn nữa đó là trao cho em niềm tin và ý chí để em vượt qua khó khăn.

Có gia đình đều đều chu cấp cho em mỗi tháng 1 triệu đồng đến hết năm học, rồi còn nhiều, nhiều lắm những món quà như sách vở, bút mực, quần áo... không chỉ cho Bình mà còn cho nhiều học sinh nghèo khác của trường. Những buổi chào cờ nhắc đến những tấm lòng vàng từ mọi miền đất nước, nhắc đến báo Tuổi Trẻ nhiều hơn.

Giờ đây Hờ Hảo đã khỏi bệnh, em đang hân hoan bắt đầu một năm học mới. Bình cũng đã đậu tốt nghiệp và sẽ trở thành tân sinh viên trong nay mai. Những cô cậu học trò nghèo khác của tôi cũng đã vượt qua khó khăn đến trường từng ngày.

Theo dõi qua từng trang báo, tôi nhận thấy không chỉ các học trò nghèo trường tôi mà nhiều nơi khác thông qua sự kết nối của báo Tuổi Trẻ, nhiều, rất nhiều hoàn cảnh khó khăn đã được bạn đọc kịp thời giúp đỡ để họ vươn lên trong cuộc sống.

Tôi luôn nghĩ câu chuyện của báo Tuổi Trẻ với những cô cậu học trò nghèo của tôi, với những mảnh đời cơ cực khác là những câu chuyện cổ tích thần kỳ, và bạn đọc báo Tuổi Trẻ là những “ông bụt", "bà tiên” giàu lòng nhân ái giữa đời thường.

Báo Tuổi Trẻ chính là nhịp cầu kết nối những “ông bụt", "bà tiên” ấy, như một phép mầu kết nối yêu thương để san sẻ với những mảnh đời còn nhiều gian khó.

Mời bạn đọc viết “Tuổi Trẻ 40 năm & Tôi”  

Trong suốt 40 năm hình thành và phát triển (2-9-1975 - 2-9-2015), báoTuổi Trẻ đã nhận được sự gắn bó, sẻ chia của biết bao thế hệ bạn đọc.

Không chỉ với tư cách người đọc báo mà bạn đọc còn cùng làm báo, góp sức, hiến kế để Tuổi Trẻ ngày càng lớn mạnh, vững vàng và chuyên nghiệp hơn.

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập báo, như một sự tri ân bạn đọc, tòa soạn báo Tuổi Trẻ tổ chức tuyến bài trên trang bạn đọc mang chủ đề “Tuổi Trẻ 40 năm & Tôi” để bạn đọc chia sẻ những câu chuyện kỷ niệm với Tuổi Trẻ.

Đó có thể là câu chuyện, là bài học rút ra từ chính những nhân vật của Tuổi Trẻ như những tân sinh viên nhận học bổng Tiếp sức đến trường, những nông dân chân chất với chương trình Tiếp sức nhà nông... chia sẻ những hỗ trợ để họ vượt qua lúc khó khăn nhất trong cuộc đời và bắt đầu gặt hái được thành công.

Đó có thể là câu chuyện của chính những người “Làm báo cùng Tuổi Trẻ” khi chia sẻ thông tin đến đường dây nóng, đồng thời lăn lóc cùng phóng viên Tuổi Trẻ thâm nhập thực tế với ước mong ngăn chặn cái xấu, tìm lại sự công bằng cho người yếu thế, những số phận kém may mắn.

Đó cũng có thể là những tâm tình của bạn đọc khi gửi gắm những kỳ vọng đến Tuổi Trẻ, khi cảm nhận được những điều mới mẻ từ những bài học vượt khó của các nhân vật mà Tuổi Trẻ giới thiệu.

Và đó cũng có thể là những hiến kế khả thi mà bạn đọc đề nghị báo Tuổi Trẻ thực hiện để góp phần nâng chất lượng tờ báo với mục tiêu phục vụ bạn đọc tốt hơn.

Báo Tuổi Trẻ hi vọng sẽ đón nhận được nhiều bài viết chia sẻ về chủ đề “Tuổi Trẻ 40 năm và Tôi”. Những bài viết hay, tâm huyết sẽ được chọn đăng trên báo Tuổi Trẻ và 20 tác giả có bài viết hay, hiến kế thiết thực sẽ tham gia giao lưu, nhận quà tặng trong dịp kỷ niệm 40 năm của Tuổi Trẻ.

Bài viết chia sẻ vui lòng gửi đến báo Tuổi Trẻ qua đường bưu điện: Báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM (ghi rõ: Tham gia "Tuổi Trẻ 40 năm & Tôi) hoặc gửi bằng thư điện tử đến địa chỉ nguyentran@tuoitre.com.vn.

Thời gian nhận bài từ ngày 1-8-2015 đến 22-8-2015.

 

LÝ THỊ THỦY (Giáo viên trường THCS và THPT Võ Văn Kiệt, huyện Sông Hinh, Phú Yên)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên