Bạn đọc trẻ giao lưu với tác giả Diệp Lạc Vô Tâm tại TP.HCM ngày 5-4 - Ảnh: Tiến Long |
Nhà triển lãm TP (92 Lê Thánh Tôn, Q.1, TP.HCM) trưa 5-4 không còn một chỗ... đứng. Không ngại nóng, chật, hàng ngàn người trẻ chen chúc xếp hàng chờ đợi giao lưu với tác giả Diệp Lạc Vô Tâm đến từ Trung Quốc.
Cô là một cây bút chuyên viết truyện ngôn tình - dòng truyện đang tràn ngập thị trường sách VN... Trước đó, buổi giao lưu của cô tại ĐH Văn hóa Hà Nội cũng đông nghịt người trẻ tham dự.
Trong các nhà sách, quầy sách ngôn tình với hàng trăm đầu sách in bìa bắt mắt bao giờ cũng tấp nập hơn cả.
Người mua sách chủ yếu là giới trẻ, không hiếm những độc giả còn mặc nguyên đồng phục học sinh THCS, THPT đến chọn mua.
Hàng ngàn người trẻ chen chúc xếp hàng chờ đợi giao lưu với tác giả Diệp Lạc Vô Tâm tại TP.HCM hôm 5-4 - Ảnh: Tiến Long |
Những lượt xem “khủng”
Nói đến sự bùng nổ của tiểu thuyết ngôn tình tại VN, bên cạnh sự nhanh nhạy của các đơn vị làm sách không thể không nhắc đến một yếu tố “thời đại”, đó là tốc độ phổ cập nhanh chóng của blog cá nhân và các diễn đàn trên mạng Internet, dẫn đến sự xuất hiện ồ ạt của đội ngũ dịch truyện online.
Chính họ là những người cập nhật nguồn truyện nhanh nhất và đa dạng nhất, góp phần đưa ngôn tình tiếp cận độc giả trên diện rộng.
Những dịch giả trên mạng như Yingli, Dennis Q, Greenrosetq... được hâm mộ không kém gì tác giả và truyện mà họ dịch, và đa số đều được các công ty sách trong nước khai thác triệt để để xuất bản.
Những tác phẩm ngôn tình đăng trên các diễn đàn bao giờ cũng nhận được lượt “view” (xem) và “comment” (bình luận) “khủng”.
Tại mục “Literature” (Văn học) của một diễn đàn khá nổi hiện nay, một truyện ngôn tình Trung Quốc đăng lên trung bình nhận được từ hàng trăm ngàn cho tới hàng triệu lượt xem, cá biệt có những truyện đạt được mười mấy triệu lượt xem với hàng ngàn bình luận, nhận xét...
Quả thật là một con số đáng kinh ngạc!
Cũng vì sức hút từ truyện ngôn tình lớn như vậy nên rất nhiều thành viên trên diễn đàn, dù không biết tiếng Trung Quốc nhưng cũng mày mò sử dụng các phần mềm dịch Việt - Trung (mà ngôn ngữ trên mạng gọi là “convert”), sau đó “biên tập” lại rồi chia sẻ lên diễn đàn, blog đọc cho đỡ ghiền.
Chất lượng của những bản truyện được biên tập nửa vời này quả thật không ai dám khen, có truyện hầu như giữ nguyên ngôn ngữ “convert” nhưng các độc giả online dường như “bất chấp” hết. Ðội ngũ “biên tập viên” bởi vậy ngày càng đông đảo.
Họ săn lùng truyện từ các trang văn học mạng của Trung Quốc, sử dụng “convert” rồi tự biên tập hoặc kêu gọi nhiều người lập thành những đội nhóm chuyên biên tập truyện ngôn tình, sau đó đóng thành các ebook đẹp đẽ để độc giả dễ dàng download về đọc trên máy tính hay điện thoại thông minh.
Cách đây khoảng 2-3 năm, giới làm sách trong nước có dự đoán về giai đoạn thoái trào của ngôn tình. Nhưng ngôn tình không những không biến mất mà ngày càng nở rộ bởi có một trào lưu đang trỗi dậy: trào lưu làm phim chuyển thể từ các tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc.
Hai năm gần đây được coi là thời gian bội thu của các tác phẩm chuyển thể, tiêu biểu như Năm tháng vội vã của Cửu Dạ Hồi, Anh có thích nước Mỹ không? của Tân Di Ổ (bản điện ảnh mang tên Tuổi thanh xuân do Triệu Vy làm đạo diễn), Bên nhau trọn đời của Cố Mạn, Tình yêu thứ ba của Tự Do Hành Tẩu...
Sự thành công của những bộ phim này một lần nữa lại làm cháy lên cơn sốt ngôn tình trong giới trẻ, các đầu sách được tái bản liên tục và thu hút thêm nhiều lượng độc giả mới tìm đến truyện vì tò mò sau khi đã xem phim.
Có thể nói, “cơn bão” ngôn tình tại thị trường sách VN vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống. Trong lịch phát hành tháng 1-2015 của thương hiệu Nanubook có bốn cuốn thì hết ba cuốn là ngôn tình Trung Quốc, một cuốn là truyện... kinh dị.
Sách của Amun phát hành trong tháng 2 và 3-2015 đếm sơ sơ cũng có năm cuốn ngôn tình trong tổng số khoảng bảy tác phẩm.
Độc giả chọn mua sách ngôn tình tại một cửa hiệu sách trên đường Trần Huy Liệu, Q.Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: Tiến Long |
Hay ít, dở quá nhiều
Nguyên nhân khiến ngôn tình lên “cơn sốt” tại VN đã được nhiều người mổ xẻ và có lẽ vẫn là lý do muôn thuở, món ăn bình dân bao giờ cũng hợp khẩu vị số đông hơn những thứ chính thống hay hàn lâm.
Sách không phải là ngoại lệ. Ngoài ra, cũng phải kể đến văn hóa thần tượng đang làm mưa làm gió trong đời sống tinh thần của giới trẻ ngày nay không ngừng “hình tượng hóa” các cá nhân, và những nhân vật này hoàn toàn trùng khớp với hình ảnh các “mỹ nam”, “mỹ nữ” hoàn hảo trong ngôn tình.
Khởi đầu chỉ là chuyện tình cảm Theo giới quan tâm đến truyện xuất xứ từ Trung Quốc, dòng truyện ngôn tình đã có từ lâu, nội dung thiên về tình cảm, như kiểu truyện Quỳnh Dao được nối dài tới thời nay vậy. “Ngôn tình” có nghĩa là “nói chuyện tình cảm”, tên gọi cũng toát lên một phần nội dung của loại truyện này, và vì lẽ đó, tác giả của dòng ngôn tình hầu hết là nữ. Lúc đầu, ngôn tình chỉ là dòng truyện với nhân vật mang mẫu hình lý tưởng, cả về hình thể, thân thế, gia cảnh, tính cách… đều hoàn hảo. Truyện phản ánh chính những mơ ước lắm khi là mơ mộng viển vông của tác giả. Tuy nhiên, đến nay ngôn tình đã chia thành ít nhất hai dòng. Một là những tác phẩm tình cảm nói chung, nhân vật dễ dãi trong các quan hệ, nhưng tác giả không lạm dụng mô tả các cảnh sex trong truyện. Hai là những tác giả cố tình khai thác các cảnh quan hệ tình dục với lối miêu tả trực quan, thậm chí thô thiển như một cách câu khách rẻ tiền. Những đoạn văn miêu tả dục tình như vậy được cộng đồng đọc ngôn tình gọi là “H văn”, với H là viết tắt của chữ “hot scene” = cảnh nóng (trong phim). |
Trên các phương tiện truyền thông và báo chí thời gian vừa qua có rất nhiều bài báo, phóng sự nhằm “mổ xẻ” ngôn tình, không ít bài khẳng định ngôn tình là rác văn hóa, là đồi bại, đầy tính dục hoặc là thứ “tiểu thuyết ba xu” sến, nhão tiêm nhiễm những điều lãng mạn hão huyền để đầu độc trí óc non nớt của giới trẻ. Phụ huynh nghe vậy thì phát hoảng...
Lo lắng không phải không có lý do. Nhưng ở một khía cạnh khác, những cuốn tiểu thuyết ngôn tình cũng tương tự như dòng tiểu thuyết tâm lý xã hội, dù các câu chuyện chủ yếu tập trung vào tình yêu đôi lứa và cách viết thì lãng mạn, dàn trải hơn.
Những câu chuyện tình yêu lồng trong các cốt truyện nhiều éo le với thắt nút, mở nút. Cách xây dựng tình huống qua từng chương khá giống với phim truyền hình, gợi sự tò mò nơi người đọc, chưa kể đến các nhân vật được tả trong ngôn tình chủ yếu là những chàng trai, cô gái xinh đẹp, lãng mạn, thế nên tính giải trí của ngôn tình rất cao.
Các tác giả viết ngôn tình đáng kể có thể kể đến Tân Di Ổ, Ðồng Hoa, Cố Mạn, Ðường Thất Công Tử, Phỉ Ngã Tư Tồn, Lâm Ðịch Nhi... Tân Di Ổ nổi tiếng nhất với tác phẩm Anh có thích nước Mỹ không? cùng một số tác phẩm khác như Ánh trăng không hiểu lòng tôi, Cho anh nhìn về em... có nội dung khá sâu, thường khắc họa đậm nét những mối xung đột giữa tình yêu với hôn nhân, tình yêu với lý tưởng và hoài bão của tuổi trẻ...
Truyện của Cố Mạn như Bên nhau trọn đời, Tôi như ánh dương rực rỡ... lại nhẹ nhàng, khơi gợi được những tình cảm ấm áp và lòng chung thủy.
Ðồng Hoa là một nữ tác giả có thế mạnh về miêu tả tâm lý nhân vật, trong khi truyện của Phỉ Ngã Tư Tồn khá gần với ngôn ngữ điện ảnh, giàu hình ảnh và cảm xúc.
Tuy nhiên điều đáng bàn ở đây, dẫu số lượng bản thảo từ phía các tác giả Trung Quốc khá dồi dào, nhưng với trào lưu nhà nhà làm sách ngôn tình ở VN hiện nay, nguồn sách dường như đã bị khai thác cạn kiệt.
Vì lợi nhuận, các đơn vị làm sách không ngần ngại cho in những đầu sách kém chất lượng chứa nội dung nhảm nhí, xa rời thực tế, tư tưởng thiển cận, kèm theo văn phong non nớt, ngây ngô.
Một bạn đọc ngôn tình từ những ngày đầu ở TP.HCM thất vọng vì chất lượng rất tệ của những cuốn ngôn tình in thời gian gần đây. Cô cho biết đã ngừng đọc ngôn tình vì không thể tìm thấy một tác phẩm ưng ý.
“Ði dạo qua quầy truyện, số lượng truyện mới xuất bản trong năm nay tạm đọc được chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mà so với những truyện xuất bản trước đây thì kém xa” - vị độc giả này cho biết.
Với tình trạng truyện hay thì ít mà truyện dở tràn lan như thế, ngôn tình khó tránh tình trạng bị quy chụp là độc hại, rẻ tiền... Lỗi một phần ở lòng tham và sự vô trách nhiệm bất chấp hậu quả của các đơn vị xuất bản, nhưng một phần cũng thuộc về người đọc quá dễ dãi.
Có người biết là dở, là “thứ phẩm” nhưng vì trót mê ngôn tình nên đành tặc lưỡi đọc tiếp vì “không đọc thì biết lấy cái gì đọc bây giờ”.
Viết truyện sex vì chiều người hâm mộ! Không thua kém bất cứ một ngôi sao ca nhạc nào, nữ tác giả dòng truyện ngôn tình Diệp Lạc Vô Tâm đã được rầm rộ chào đón ở buổi họp mặt giao lưu với độc giả chiều 5-4 tại TP.HCM bởi một lực lượng người hâm mộ hùng hậu đến kinh ngạc! Theo thông tin từ ban tổ chức chương trình - Công ty sách Đinh Tị, Diệp Lạc Vô Tâm (vốn là bút danh - tên thật và thông tin cá nhân của cô luôn được ghi trong phần giới thiệu là Bí Mật) là một trong những tác giả truyện ngôn tình được xếp vào hàng top 4 của Trung Quốc cùng với Tân Di Ổ, Cố Mạn và Phỉ Ngã Tư Tồn. Ở VN, những cuốn truyện có độ dài 500-700 trang giấy của Diệp Lạc Vô Tâm đã được dịch hàng loạt: Mãi mãi là bao xa, Gió mang ký ức thổi thành những cánh hoa, Ngủ cùng sói, Nụ hôn của sói, Động phòng hoa chúc cách vách, Chờ em lớn nhé, được không?... Tại buổi giao lưu, một câu hỏi được nhiều bạn trẻ quan tâm đã được đặt ra cho tác giả, rằng: Những trải nghiệm về sex được viết rất nhiều trong các tác phẩm của chị có phải là trải nghiệm bản thân? Vô Tâm đã thật thà trả lời cô hoàn toàn không có nhiều kinh nghiệm, có điều ngay khi những tác phẩm có đề cập vấn đề này được đăng tải online lần đầu tiên, hàng triệu người hâm mộ đã ủng hộ cô nhiệt tình, họ mong muốn được đọc nhiều hơn. Và thế là: “Tôi cố viết cho hay, dù mỗi lần viết những đoạn này tôi thường phải tìm một chỗ thật vắng để không ai để ý và dễ bề... tưởng tượng. Nhưng vì các bạn, tôi sẽ cố gắng!” - cô nói trong tiếng hò reo, vỗ tay ào ạt của hàng ngàn người hâm mộ Việt. Nữ tác giả cũng bày tỏ: trong tình yêu không có những người không hợp nhau, một khi đã xác định đó là người mình yêu thì mọi vấn đề khác đều không quan trọng... Vậy nên trong những tác phẩm của cô không khó để tìm thấy những mối quan hệ rất “đặc biệt” như tình yêu giữa cảnh sát và tội phạm, cha nuôi và con gái nuôi, thầy và trò... Quan điểm này xem ra rất hợp lòng những bạn trẻ “tuổi tím”, họ vỗ tay rầm rộ và liên tục hét to: “Má ơi con yêu má!” (người hâm mộ của Vô Tâm ở VN thường gọi cô là má). |
_________________
Kỳ 2: Biến tướng và hệ lụy
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận