![]() |
Tham gia hội thảo có lãnh đạo Nhà hát Múa rối T.Ư, các chuyên gia nghệ thuật múa rối, đại diện các phường múa rối nước ở Thái Bình, Nam Ðịnh, Hà Nội, Hà Tây...
Sau bài phát biểu của GS Hoàng Chương về lịch sử, thực trạng và giải pháp bảo tồn và phát huy múa rối nước dân gian Việt Nam, các chuyên gia múa rối nước Ngô Quỳnh Giao, Vương Duy Biên, Phạm Văn Ngải... đã nêu ý kiến và hầu hết thống nhất cho rằng, múa rối nước phát triển rất nhanh, nhưng hướng khai thác vốn cổ chưa rõ nét.
Ðại diện các phường múa rối nước ở các tỉnh cho rằng: cái độc đáo, cái đặc sắc của các phường múa rối nước bây giờ không khai thác hết mà thường rập khuôn chương trình múa rối nước ở trung ương, mặt khác múa rối nước trung ương chủ yếu là dàn dựng các tiết mục hoành tráng như vở Ðức Thánh Trần (kết hợp cả múa rối nước, rối cạn và kịch nói) còn những tiết mục mang tính dân gian như Chuyện cổ Andersen gần đây thì rất hiếm.
Hội thảo cũng nêu ra những ý kiến tranh luận sôi nổi là có nên xây dựng các nhà hát thủy đình hiện đại không? Vì múa rối nước dân gian vốn sinh ra và tồn tại ở các ao làng, người xem ngồi trên những bãi cỏ dưới bóng cây trong môi trường làng xã.
Cũng tại hội thảo này, các đại biểu kiến nghị nên thành lập một hiệp hội múa rối nước để các phường có điểm tựa về định hướng trong việc bảo tồn và phát huy di sản nghệ thuật đặc sắc của cha ông, đồng thời góp phần cải thiện đời sống của các nghệ nhân múa rối nước đang còn gặp nhiều khó khăn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận