Ông Hoàng Anh Tuấn (thứ 3 từ trái) - giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM - giới thiệu chuyên đề Dáng ngọc tại buổi khai mạc - Ảnh: L.ĐIỀN
Đây là lần mở kho "trình hiện" đáng kể các tác phẩm trong toàn bộ sưu tập cổ ngọc Việt Nam có niên đại từ thời tiền Sơ Sử thuộc các nền văn hóa Đông Sơn, Sa Huỳnh, Đồng Nai đến đầu thế kỷ 20 và cổ ngọc Trung Quốc do Bảo tàng Lịch sử TP.HCM đang lưu giữ.
Trong đó, nổi bật là bộ sưu tập đá ngọc của Victor Thomas Holbé (1857-1927) sưu tầm vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, là một trong những tiền đề cho việc hình thành Bảo tàng Blanchard de la Brosse vào năm 1929 (nay là Bảo tàng Lịch sử TP.HCM) và sưu tập hiện vật ngọc của Dương Hà (tức vợ chồng giáo sư Dương Minh Thới và bà Hà Thị Ngọc - thân sinh của bác sĩ Dương Quỳnh Hoa) - trí thức Nam Bộ đầu thế kỷ 20.
Ngọc là khoáng chất quý hiếm có nguồn gốc từ thiên nhiên, được sử dụng từ thời đại Đá Mới cách nay khoảng 5.000 năm và có ý nghĩa quan trọng trong các nền văn minh cổ đại ở phương Đông và phương Tây.
Ở phương Đông, ngọc biểu trưng cho sự giàu có, quyền lực. Không chỉ quý hiếm về chất liệu và vẻ đẹp, ngọc còn được tôn sùng vì những giá trị, ý nghĩa tốt đẹp, sự vĩnh cửu, thần bí và phúc lành.
Triển lãm lần này giới thiệu các sản phẩm cổ ngọc theo từng nhóm nội dung:
Nhóm hiện vật là đồ đựng ngũ cốc dùng trong tế lễ (tiếng Hán là Quỹ), với phần quai cầm hai bên được trang trí bằng hình tượng rồng qua các thời kỳ văn hóa Trung Hoa.
Quỹ - đồ đựng ngũ cốc trong lễ tế
Nhóm hiện vật phục vụ cho việc thờ cúng (đỉnh trầm, lư hương, bình), trong đó nổi bật nhất là Bi và Cong - là hai hiện vật có ý nghĩa to lớn trong tín ngưỡng.
Bi và cong
Đặc biệt nhóm hiện vật thủy trì (chậu đựng nước rửa bút) bằng ngọc của giới thư phòng gồm nhiều đề tài và kỹ thuật chạm khắc khéo léo tinh xảo.
Thủy trì bằng ngọc tạc đề tài hoa lá sen
Nhóm hiện vật thể hiện quyền lực, địa vị cho người sử dụng như nhẫn cung thủ, gậy ngọc như ý.
Nhóm hiện vật vòng đeo, nhẫn
Nhóm hiện vật là các bức trấn phong dùng trong thư phòng với nhiều đề tài trang trí: cảnh sinh hoạt thường nhật, điển xưa tích cũ, bản kinh chữ Hán.
Bức trấn phong chất liệu ngọc khảm trên gỗ từ bộ sưu tập Dương Hà
Nhóm hiện vật gia dụng như móc thắt lưng, ngọc bội cũng có những sản phẩm từ bàn tay khéo léo của nghệ nhân xưa còn đủ sức gây kinh ngạc cho người hiện nay.
Chẳng hạn chiếc ngọc bội có hai dây xích được lộng ngọc để các khuyên móc vào nhau tự nhiên; và nhiều đề tài còn ẩn chứa nhiều thông điệp chưa khám phá / lý giải hết như đôi cá giao đuôi, con khỉ ngồi trên lưng cá, mảnh trang trí có hình tam ngư (ba con cá), song lộc (đôi nai)...
Miếng ngọc bội có dây khoen được chạm lộng tự nhiên
Ngoài ra, còn có các loại hình hiện vật khác như: con dấu, móc thắt lưng, khóa thắt lưng, mảnh trang trí… với kiểu dáng đa dạng, loại hình phong phú, được chạm khắc hết sức tinh tế bằng các kỹ thuật chạm chìm, chạm nổi, chạm lộng.
Ở đây, còn nhóm cổ ngọc là các chiếc gậy ngọc như ý khiến khách tham quan "tắc lưỡi như mối" do lẽ vừa là hiện vật độc đáo tinh xảo vừa tập trung nhiều kiểu mẫu. Vào thời phong kiến, gậy ngọc như ý được xem là vật bảo mang tính biểu tượng cho địa vị, quyền lực của vua chúa và quý tộc.
Bên cạnh đó, gậy ngọc như ý còn được xem là vật có khả năng mang lại những điều may mắn, cát tường cho người sở hữu. Tại Việt Nam, vào thời Nguyễn, gậy ngọc như ý còn là vật cầm của hoàng thái tử.
Gậy ngọc như ý
Chuyên đề "Dáng ngọc" mở cửa từ ngày 30-8 đến ngày 30-11-2022 tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM (số 02 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM).
Một số sản phẩm cổ ngọc đang được trưng bày:
Kiếm có chuôi bằng ngọc
Đôi cá giao đuôi
Chú khỉ ngồi trên lưng cá
Cụm ấn triện bằng ngọc
Tượng mục đồng
Móc thắt lưng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận