Phóng to |
Trong khuôn viên diện tích 3ha vốn là dinh thự của ông Nguyễn Hữu Hào, thân sinh của Nam Phương hoàng hậu, Bảo tàng Lâm Đồng nằm khuất mặt đường, ít gây chú ý. Ra đời từ năm 1978 với vai trò giới hạn của một nơi trưng bày hiện vật lịch sử cách mạng địa phương, bảo tàng này đã phải chuyển địa điểm hai lần cho đến năm 1999 mới chuyển về đây và phát triển thành một bảo tàng tổng hợp.
Với 20.000 hiện vật lưu giữ, Bảo tàng Lâm Đồng chỉ chính thức hoạt động từ cuối năm 2010 khi hoàn thành xây dựng khu tòa nhà mới màu hồng trải dài bên sườn đồi ngày xưa vốn là sân bóng cho nhân viên chơi thể thao.
Hồn của bảo tàng
So với 2,8 triệu lượt du khách đến Đà Lạt ước tính trong năm 2012 (theo báo Lâm Đồng), lượng khách tham quan Bảo tàng Lâm Đồng chỉ bằng 1%. Con số này phản ánh thực tế rằng sản phẩm văn hóa chưa phải là nhu cầu của đa số du khách nội địa đến Đà Lạt. Nhưng so với các bảo tàng địa phương cùng quy mô thì đạt tới lượng khách ấy chỉ sau hai năm hoạt động là một kỳ tích. Nhiều bảo tàng ở các nơi khác dù được đầu tư lớn cũng không chạm được tới mốc 10.000 lượt khách/năm và đa số chỉ dừng ở mức 5.000-6.000. |
Những hình nhân người dân di cư từ mọi miền đến Đà Lạt vào thế kỷ trước và sinh sống bằng nhiều nghề khác nhau là những trưng bày tạo nhiều cảm xúc cho người xem. Một bà cụ miền Bắc bán bánh cuốn, một phụ nữ miền Trung bán chuối nướng, một nữ sinh trong tà áo dài và áo len ôm cặp đi học... Đặc biệt, một con ngựa được nhồi rơm kéo một cỗ xe với người xà ích cầm roi là hình ảnh đập ngay vào mắt người xem khi vừa bước vào gian trưng bày này.
Để có một không gian trưng bày “coi được” như hiện nay, 30 cán bộ và nhân viên bảo tàng phải vận dụng hết trí tuệ và công sức. Anh Nguyễn Xuân Dũng, trưởng phòng trưng bày - tuyên truyền, cho biết: “Chúng tôi đã xây dựng đề cương từ trước khi động thổ xây tòa nhà này”. Chủ đề trưng bày của từng gian đều phải trù tính trước và phải xây dựng nhiều kịch bản tùy theo số hiện vật sẵn có và được bổ sung sau này. Ngay cả ý tưởng cũng thay đổi nhiều lần trong khi thi công công trình trong thời gian năm năm với kinh phí 20 tỉ đồng.
Được bàn giao tòa nhà hầu như chỉ có phần “xác”, các cán bộ bảo tàng dốc hết tâm sức trau chuốt cho phần “hồn” của nội thất trưng bày. Riêng con ngựa kéo xe trong gian “Đà Lạt xưa và nay” đã mất đến sáu năm trước khi khánh thành bảo tàng tháng 12-2010. Ý tưởng tái hiện không gian sống Đà Lạt xưa đã có từ lâu, nhưng phải mất nhiều thời gian mới có thể tìm mua được một con ngựa thật chỉ để lấy xác và thuê nhồi rơm. Cỗ xe ngựa đúng kiểu Đà Lạt thời Pháp cũng được dày công sưu tầm và sửa sang.
Để có những hình nhân sinh động, nhóm sáu người xây dựng đề cương phải cung cấp toàn bộ tư liệu hình ảnh và thông tin cho công ty thi công thực hiện sao cho đúng các tiêu chí khoa học về nhân chủng học, từ màu da đến kiểu tóc.
Phóng to |
Nội dung linh hoạt
Trên đường lên đỉnh đồi, hai nhà sàn đúng kiểu truyền thống Mạ và K’Ho được phục dựng cùng với đầy đủ đồ vật gia dụng để giới thiệu về văn hóa dân tộc. Một khu vực cạnh đó dành riêng cho những trò chơi dân gian như bập bênh, cầu thăng bằng, chơi ô ăn quan... Cô thuyết minh viên Len Ny, người dân tộc K’Ho, lộ rõ vẻ hớn hở khi chúng tôi leo qua các bậc thang gỗ. Cô cho biết: “Thường chỉ có khách nước ngoài mới quan tâm tìm hiểu kỹ về văn hóa dân tộc bản địa, còn khách trong nước thì lại tò mò về cung Nam Phương”.
Con đường len giữa ngàn thông hai bên dẫn lên đỉnh đồi, nơi tọa lạc ngôi biệt thự của vị hoàng hậu cuối cùng của triều Nguyễn. Dinh thự này được ông Nguyễn Hữu Hào, người được vua Bảo Đại phong tước Quận công của triều Nguyễn, xây tặng cho con gái là bà Nguyễn Hữu Thị Lan (Nam Phương hoàng hậu) vào đầu những năm 1930. Đây từng là nơi sinh sống của gia đình ông Nguyễn Hữu Hào, đồng thời là nơi chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng trong cuộc đời của ông bà cựu hoàng.
Tòa nhà còn giữ nguyên kiến trúc cũ khi được giao cho Bảo tàng Lâm Đồng vào năm 1999. Sau khi đã đưa tòa nhà trưng bày mới vào hoạt động, các cán bộ bảo tàng đã nghiên cứu tài liệu và biến ngôi biệt thự ba tầng với tổng diện tích sử dụng khoảng 500m2 thành một triển lãm sinh động về cuộc sống hằng ngày của gia đình hoàng tộc cuối cùng này và đưa vào phục vụ tham quan từ cuối năm 2011. Anh Dũng nhấn mạnh: “Bảo tàng phải là một sản phẩm sống. Nếu trưng bày không hề thay đổi thì có khách nào quay lại hai lần”.
Xuất thân từ những trường đào tạo chuyên ngành bảo tồn, văn hóa hay lịch sử, hầu hết cán bộ Bảo tàng Lâm Đồng đều đa năng. Anh Dũng giải thích: “Đặt vật gì ở đâu, chiếu sáng thế nào, bài trí ra sao... chúng tôi làm tất. Chúng tôi làm được hết từ điện tới mộc, kể cả chuyện quay video và các công tác mỹ thuật. Chuyện gì không làm được thì mới thuê ngoài”. Nhờ vậy, bảo tàng này chủ động được việc thay đổi cách trưng bày linh động trong các không gian cố định và nghĩ ra những ý tưởng nội dung mới. “Nội dung không tốt mà mời khách đến là nói dối” - anh Dũng nói.
Phóng to |
Kéo khách đến bảo tàng
Có kịch bản nội dung tốt và bài trí bắt mắt chính là thế mạnh mà Bảo tàng Lâm Đồng đang nỗ lực phát huy trong điều kiện kinh phí quảng bá eo hẹp. Một trang web với hai ngôn ngữ Việt - Anh đã được chuẩn bị nội dung từ trước khi khánh thành tòa nhà mới. Các nhân viên chủ động tiếp xúc với các công ty du lịch - lữ hành tại địa phương để thuyết phục họ đưa Bảo tàng Lâm Đồng vào các tour tham quan. Hệ thống trường học cũng được bảo tàng tiếp thị tích cực. Với công ty hay trường học ngoài tỉnh, các nhân viên gửi email tự giới thiệu và cung cấp đường dẫn đến trang web bảo tàng.
Trong khoảng 25.000 lượt khách đến tham quan Bảo tàng Lâm Đồng trong năm 2012, học sinh chiếm phân nửa. Trong khi gian “Thiên nhiên Lâm Đồng” hấp dẫn trẻ em nhất với nhiều loài chim, thú đặc trưng của địa phương, thì gian “Đà Lạt xưa và nay” cùng văn hóa sắc tộc bản địa lại thu hút du khách quốc tế hơn. Lonely Planet đã ngợi khen những trưng bày ở Bảo tàng Lâm Đồng về bác sĩ Alexandre Yersin và lịch sử Đà Lạt là những “informative exhibits” (những triển lãm giàu thông tin).
Bảo tàng tổng hợp vắng người xem là một thực tế phổ biến. Trong khi đó, Bảo tàng Lâm Đồng vẫn bán được vé dù với giá tượng trưng (6.000 đồng cho người lớn và 3.000 đồng cho trẻ em) và mở cửa liên tục suốt các ngày trong tuần.
Sau chuyến tham quan, bà Bùi Kim Chi, một giáo viên ở Hà Nội, hào hứng cầm bút ghi vào sổ cảm tưởng: “Chúng tôi muốn được thấy bảo tàng có nhiều khách viếng thăm hơn vì đây là một điểm đến tuyệt vời cho du khách tới Đà Lạt”. Bà không biết rằng ngay việc hoạt động cả vào những ngày nghỉ và ngày lễ là một hi sinh của những nhân viên bảo tàng yêu nghề. Họ không được hưởng quy chế lương làm ngoài giờ nên đành luân phiên nghỉ bù vào các ngày khác trong tuần. Thu nhập từ tiền bán vé, Bảo tàng Lâm Đồng chỉ được nhận 25% để bù chi phí và bồi dưỡng nhân sự.
Những ghi nhận của Lonely Planet góp phần lôi cuốn thêm nhiều du khách nước ngoài tự tìm đến đây. Trong sổ cảm tưởng của bảo tàng, chúng tôi đọc được những dòng ngợi khen của du khách Larry M. Johnson viết bằng tiếng Anh: “Bảo tàng đẹp. Tôi biết được nhiều về tỉnh Lâm Đồng”. Du khách F. Bensen cũng ghi lại cảm tưởng bằng tiếng Anh: “Rất thích thú. Bài trí tốt và giàu thông tin”. Một du khách không ghi tên viết bằng tiếng Pháp: “Chuyến viếng thăm hết sức thú vị. Hiện vật bảo tàng rất phong phú. Trưng bày rất tốt. Du khách hài lòng”.
Trước khi khai trương tòa nhà trưng bày mới, lượng khách đến bảo tàng này trong năm 2010 chỉ vào khoảng 14.000 lượt. Sau hai năm, lượng khách đã tăng gần gấp đôi. Ông Phạm Hữu Thọ, giám đốc bảo tàng, cho biết: “Trong hoạt động giao lưu với các bảo tàng địa phương khác, khi tôi nói Bảo tàng Lâm Đồng có hơn hai vạn lượt khách tham quan đến xem trưng bày và có bán vé thì ai cũng kinh ngạc”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận