01/08/2005 08:06 GMT+7

Bão số 2 tràn vào các tỉnh phía Bắc

K.HƯNG - T.PHÚ - L.HẢI - H.LỰC - HÀ ĐỒNG
K.HƯNG - T.PHÚ - L.HẢI - H.LỰC - HÀ ĐỒNG

TT - Tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết hôm qua (31-7), cơn bão số 2 đã đổ bộ vào đất liền thuộc địa phận các tỉnh Thái Bình, Nam Định và ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh thuộc Đông Bắc bộ.

* Thái Bình: 1 người chết, thiệt hại hơn 50 tỉ đồng Hải Phòng: vỡ 200m đê bao * Quảng Ninh: phà Bãi Cháy ngừng hoạt động

JQasK12y.jpgPhóng to
Cây và cột điện ngã đổ tại đường Nguyễn Đức Cảnh (Hải Phòng) - Ảnh: T.PHÚ
TT - Tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết hôm qua (31-7), cơn bão số 2 đã đổ bộ vào đất liền thuộc địa phận các tỉnh Thái Bình, Nam Định và ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh thuộc Đông Bắc bộ.

Bão số 2 đã gây ra gió mạnh cấp 9, giật trên cấp 10, cấp 11 ở vịnh Bắc bộ và gây gió mạnh cấp 8, cấp 9, giật trên cấp 9 ở vùng biển từ Hải Phòng đến Nam Định. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương dự báo trong ngày hôm nay (1-8), bão số 2 sẽ suy yếu sau khi di chuyển theo hướng tây tây bắc, đi sâu vào đất liền.

Thái Bình: 1 người chết, thiệt hại hơn 50 tỉ đồng

Trao đổi với Tuổi Trẻ vào chiều tối qua, ông Trần Xuân Thành, chủ tịch UBND huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, cho biết mặc dù gió không lớn, mưa không to nhưng cơn bão số 2 đổ vào huyện đúng lúc nước triều lên nên nước biển tại nhiều nơi dâng cao, có nơi cao tới 4m. Ông Thành cho biết đã có một người bị thiệt mạng. Đó là trường hợp ông Lê Ngọc Anh, 34 tuổi, thôn Tam Đồng, xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy. Ông Anh đã thiệt mạng trong khi nỗ lực cứu đầm tôm.

Ông Thành cho biết toàn bộ 1.200ha đầm tôm của ngư dân ven biển huyện Thái Thụy bị chìm trong biển nước. Trong số diện tích đầm tôm này, mới chỉ có 40% đã thu hoạch nên 60% diện tích chưa thu hoạch coi như mất trắng, ước tính thiệt hại 50 tỉ đồng. Ngoài ra, bão số 2 cũng làm hư hại một số lượng hoa màu khá lớn, ước tính thiệt hại 1-2 tỉ đồng.

Hải Phòng: vỡ 200m đê bao biển

MyXi6TdL.jpgPhóng to
Đảo Đình Vũ (quận Hải An, TP Hải Phòng) chìm trong biển nước
Tại Hải Phòng, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, nước biển dâng cao trên khu vực huyện đảo Cát Hải làm toàn bộ ao đầm nuôi trồng thủy sản của xã Phù Long bị mất trắng hoàn toàn.

Ông Nguyễn Hữu Khách, phó chủ tịch UBND huyện Cát Hải, cho biết tại hai xã Văn Phong và Hoàng Châu đã phát hiện 200m đê bị vỡ và 5km đê bị sạt lở, nước biển xoáy sâu xuống 1m. Nước biển sau đó đã tràn vào đảo gây ngập nhà dân, khu vực nuôi trồng thủy sản, đầm muối. Tính đến chiều 31-7, huyện đảo Cát Hải đã có hơn 100 nhà dân bị sập, 1/3 dân số không thể nấu ăn do không có địa điểm khô ráo và không có nước ngọt.

Vẫn trên vùng biển thuộc huyện Cát Hải, bão số 2 đã giật đứt dây neo ụ nổi dùng để trục vớt tàu Mỹ Đình, đánh dạt ụ này từ vùng biển Cát Bà trôi vào cọc 11 luồng Hải Phòng (cửa Nam Triệu). 30 công nhân trên ụ sau đó đã được cứu hộ đưa vào bờ an toàn. Ngoài ra, có hai người trên bè nuôi thủy sản ở phía nam vịnh Cát Bà đã bị đánh dạt ra biển, hiện vẫn chưa có thông tin về hai người này. Tại khu vực giáp ranh vùng biển Hải Phòng và Quảng Ninh, một tàu đánh cá trọng tải 5.000 tấn (trên tàu có 10 người) của Trung Quốc mang tên Changhai bị mất tích. Chiếc tàu này đã bị sóng biển đánh gãy đôi và mất liên lạc với đất liền.

Tại huyện đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), bão số 2 đổ bộ vào với sức gió mạnh cấp 10, cấp 11, giật trên cấp 11 (mạnh hơn dự báo hai cấp) làm nước tràn qua tuyến đê bao âu cảng. Các tàu đánh cá và tàu dịch vụ hậu cần đang neo đậu tránh bão bị va đập dữ dội khiến năm tàu đánh cá bị chìm, hai phao rùa bị cuốn trôi, một bè dịch vụ của Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá bị hỏng hoàn toàn. Tại Đồ Sơn, các đê biển 1, 2 cũng bị sạt, hư hỏng nghiêm trọng sau khi bão số 2 đổ bộ vào đất liền. Hàng trăm hecta nuôi trồng thủy sản tại khu vực Tràng Kênh bị thiệt hại nặng nề, nước dâng ngập trắng đầm, ao.

Nam Định: kịp thời xử lý sự cố đê

Bão số 2 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới

* Bắc bộ và Bắc Trung bộ tiếp tục có mưa vừa đến mưa to

nSIPDVeM.jpgPhóng to
Ảnh vệ tinh của áp thấp nhiệt đới lúc 22g đêm qua do Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cung cấp
Tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết sau khi vào đất liền, tối qua 31-7 bão số 2 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Hồi 19g, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 20,0 đến 21,0 độ vĩ bắc, 104,0 đến 105,0 độ kinh đông, trên vùng biên giới Việt - Lào.

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (39-61km/g), giật trên cấp 7. Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển về phía tây và suy yếu thêm.

Ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ hôm nay còn có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to.

PV

Bão số 2 đổ bộ vào Nam Định trong buổi sáng qua uy hiếp toàn bộ hệ thống đê biển của tỉnh. Tuy nhiên, đến 20g tối 31-7, ông Trần Đình Cao, giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển - nông thôn Nam Định, thông báo cho biết toàn bộ tuyến đê biển đều an toàn.

Trước đó, khoảng 300m đê biển thuộc địa phận huyện Giao Thủy đã gặp sự cố khi kè đá lát khan (kè đá không gắn ximăng) bị bung ra do sóng biển đánh vào. Ngay sau đó, tỉnh Nam Định đã huy động lực lượng dân quân xử lý khắc phục sự cố đảm bảo an toàn cho đoạn đê này.

Ông Cao cũng cho biết 1.200ha lúa trong tỉnh đã chìm trong nước mưa và do bão gây sự cố mất điện nên các trạm bơm đều không hoạt động, gây ngập úng nghiêm trọng.

Quảng Ninh: phà Bãi Cháy ngừng hoạt động

Tại Quảng Ninh, do ảnh hưởng của bão, nhiều cây cối và nhà cửa bị đổ và tốc mái. Mưa lớn đã gây sự cố tại trạm điện E52 Hà Khẩu khiến toàn TP Hạ Long, thị xã Cẩm Phả, thị xã Móng Cái và khu vực phía đông của tỉnh bị mất điện. Nhiều tuyến đường trong TP Hạ Long bị ngập trong nước, đường ra khu du lịch Tuần Châu bị sạt lở nhiều đoạn. Riêng bến phà Bãi Cháy đã phải ngừng hoạt động từ 9g-13g, gây ùn tắc giao thông dài tới 3,5km.

Theo ông Phạm Đình Hòa, chi cục trưởng Chi cục Phòng chống lụt bão và bảo vệ đê điều Quảng Ninh, có ít nhất ba tàu đánh cá trọng tải 30 tấn của các ngư dân trên huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) bị đắm tại cảng Vân Đồn (Quảng Ninh). Lực lượng biên phòng Quảng Ninh đã kịp thời cứu vớt được 18 người của các tàu này.

Thanh Hóa: mưa to, ngập lụt nhiều nơi

Do ảnh hưởng của cơn bão số 2, từ chiều 30 đến suốt ngày 31-7-2005, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có mưa lớn, gây ngập úng trên diện rộng. Những cơn mưa xối xả kéo dài gần 10 tiếng đồng hồ vào sáng 31-7 đã làm hầu hết các tuyến đường ở TP Thanh Hóa chìm trong biển nước, với mực nước ngập 40-50cm. Lượng mưa đo được lúc 13g trưa 31-7 là hơn 200mm. Mưa lớn, nước ngập cao đã gây ách tắc giao thông ở nhiều đoạn trên quốc lộ 1A qua TP Thanh Hóa và các tuyến đường Lê Hoàn, Nguyễn Trãi, Cao Thắng, Tống Duy Tân... Bên cạnh đó, mưa lớn cũng đã gây ngập úng cục bộ trên diện tích lúa mùa tại các huyện Thiệu Hóa, Yên Định, Triệu Sơn, Hà Trung...

K.HƯNG - T.PHÚ - L.HẢI - H.LỰC - HÀ ĐỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên