Thầy Huy chỉ bảo cặn kẽ Hồng Tươi từng động tác giao cầu. Ảnh: T.P |
Phụ trách tuyển cầu lông khuyết tật thành phố với mười mấy VĐV, số lượng học trò của HLV Nguyễn Huy thực chất nhiều hơn hẳn với lớp cầu lông miễn phí đặc biệt ở sân Tân Sơn.
Lý tưởng cuộc đời
Vào các đêm thứ ba, năm, bảy và chủ nhật, những hình ảnh xúc động lại ngập tràn tại nhà thi đấu Tân Sơn (quận Tân Bình), nơi có 4 khoảnh sân rộng rãi. Người tập tễnh trên đôi chân tật nguyền, có người vất vả hơn khi phải xoay trở trên chiếc xe lăn. Nhưng tất cả vui vẻ vì tại đây họ được sống với đam mê của mình.
Hơn 5 năm qua, cụm sân Tân Sơn đã trở thành mái nhà chung dành cho những người khuyết tật đam mê cầu lông. Trước đó, việc có được một sân chơi với các VĐV khuyết tật là điều xa xỉ. “Thường chỉ đến trước thềm giải đấu trong khoảng một tháng chúng tôi mới có được sân tập, mà cũng chỉ dành cho các VĐV trong tuyển. Trong khi đó, giấc mơ của tôi là mọi em khuyết tật đều có thể chơi thể thao để vừa rèn luyện thân thể, vừa giúp các em vượt qua mặc cảm tự ti” - HLV Nguyễn Huy tâm sự.
Với giấc mơ như thế, HLV Nguyễn Huy đã chạy ngược chạy xuôi suốt mười mấy năm trời, gánh lấy một công việc đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời mình. Cách đây hơn 20 năm, ông là giáo viên thể dục của Trường THCS Phạm Ngọc Thạch. Cộng tác với Trung tâm TDTT quận Tân Bình, ông Huy lần đầu được tiếp xúc với những người khuyết tật ở ngày hội văn hóa - thể thao dành cho người khuyết tật diễn ra ở Quảng Trị. “Từ lần đó, tôi cảm thấy lý tưởng cuộc đời mình là gắn chặt với các em khuyết tật. Nhìn thấy các em khuyết tật vui vẻ vô cùng khi chơi thể thao, tôi ấp ủ hi vọng có thể mang lại nhiều sân chơi hơn như vậy cho họ” - ông Nguyễn Huy kể.
Ngoài việc là HLV, ông Huy còn giữ vai trò lãnh đội mỗi khi đi đấu giải. Nhờ vậy mà ông Huy tiếp xúc với đông đảo giới VĐV khuyết tật, từ những người phải tập tễnh bước đi trên đôi chân dị tật cho đến các em khiếm thị, khiếm thính... Vị HLV giàu nhiệt huyết liên lạc với những mái ấm nuôi dạy trẻ khuyết tật khắp TP.HCM, đến từng nơi chiêu mộ VĐV rồi chạy vạy khắp nơi để có tiền thuê sân cho học trò tập luyện. Những người khuyết tật đều được ông Huy thuyết phục đến tập, và tất cả đều miễn phí!
“Gia đình của tôi”
Tuổi đã gần lục tuần, người thầy thân thiết của những VĐV khuyết tật vẫn tràn ngập đam mê và nhiệt huyết như thuở nào. Không lập gia đình, hơn 30 học trò khuyết tật chính là con, cháu trong gia đình của ông. Hầu hết thời gian trong ngày của ông Huy là dành cho các VĐV của mình, trăn trở từ chuyện ăn, chuyện học của từng người.
Chỉ riêng từng chiếc xe lăn, từng cây vợt trong lớp học cũng khiến ông Huy phải lo toan, tính toán chi li từng đồng một. Lớp học có 4 chiếc xe lăn thì có 2 do học trò cùng ông tự chế, còn 1 chiếc được ông mua rẻ tại Đài Loan. “Giá một chiếc xe lăn chuyên biệt lên đến 3.000-4.000 USD, bình thường làm sao mua nổi. Đợt đó tôi xem trên mạng thấy giá giảm còn 500 USD dành riêng cho người Đài Loan nhưng giá vận chuyển về VN cũng lên đến 500 USD. Tôi phải mua vé máy bay giá rẻ bay sang, nhờ một anh bạn Đài Loan đứng tên mua giùm rồi mang về VN” - ông Huy kể.
Nhờ có anh Phùng Văn Huyền - ông chủ cụm sân Tân Sơn - giúp đỡ, lớp học đặc biệt của HLV Nguyễn Huy mới có một sân chơi miễn phí đúng nghĩa. “Chơi cầu lông chung với anh Huy nhiều năm, tôi rất cảm động trước bầu nhiệt huyết, những hi sinh mà anh dành cho các em khuyết tật. Những đợt anh vận động giúp đỡ các em, tôi đều góp một phần để các em VĐV khuyết tật có thêm được nhiều điều kiện để tập luyện” - anh Huyền nói.
Nhờ có sân chơi cố định nên lượng học viên của ông Huy từ mười mấy người tăng lên khoảng 30. Ông Huy ôm ấp nhiều kế hoạch hơn nữa, như việc tài trợ cho các học sinh ở những mái ấm khuyết tật mỗi người một cây vợt rồi mua một chiếc xe chở các em đi tập... Để có tiền trang trải cho những kế hoạch đã và đang thực hiện đó, HLV Nguyễn Huy càng ra sức “cày ải” với những lớp cầu lông dạy cho người bình thường có thu học phí.
“Bạn bè, bà con cũng từng bảo sao việc gì tôi phải khổ vậy. Nhưng đây là niềm vui của tôi, là gia đình của tôi. Mặt khác, tôi cũng học được nhiều thứ từ những người khuyết tật. Sinh hoạt với người khuyết tật lâu năm, tôi biết họ có thể làm được nhiều việc mà người thường không thể làm được” - ông Huy nói.
“Thầy là ân nhân của tôi” Một trong những học trò thân thiết của thầy Huy là nhà vô địch cầu lông người khuyết tật VN Nguyễn Thị Hồng Tươi. Tươi nói: “Tôi lớn lên với lối sống khép kín trên đôi chân không lành lặn. Nhưng một lần biết thầy Huy cách đây 6 năm, tôi đã được thầy dạy cầu lông và hòa nhập hơn với xã hội. Thầy là ân nhân với VĐV khuyết tật chúng tôi. Chẳng những không tính học phí, thầy còn bỏ tiền túi thuê sân cho chúng tôi tập, bạn nào bị liệt thì thầy giúp mua xe lăn... Nhờ có thầy, tôi đã đoạt HCV đơn nữ cầu lông hạng thương tật SL3 trong 3 năm liên tục và sắp được thi đấu Para Games 2017, đó là điều mà tôi chưa từng mơ đến trước đây”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận