TT - Ngay trưởng ban tổ chức giải Dương Nghiệp Khôi cũng thừa nhận điều này trong buổi tổng kết lượt đi mùa giải 2011 do Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) tổ chức sáng 6-5 tại Hà Nội.
Đạo đức cầu thủ xuống cấp với những hình ảnh phản cảm xuất hiện trong mỗi vòng đấu, những tiếng còi “méo” của ông vua sân cỏ là vấn đề xuyên suốt ở lượt đi mùa giải năm nay.
Các CLB thi đấu ngày càng thật?
Phương án HLV tạm HLV Mai Đức Chung và Phan Thanh Hùng đã đồng ý làm HLV tạm thời cho đội tuyển quốc gia và Olympic trong trường hợp VFF chưa ký hợp đồng với HLV ngoại. Tuy nhiên, cả hai đề nghị VFF cần trao đổi với lãnh đạo CLB chủ quản của mình là Navibank Sài Gòn và Hà Nội T&T.N.Khôi |
Theo báo cáo của VFF, ở lượt đi các trận đấu đã diễn ra quyết liệt, sòng phẳng và không có chuyện nhường điểm, móc ngoặc. Theo đánh giá của ban tổ chức giải, ở lượt đi mùa này, công tác trọng tài cơ bản được đánh giá là hoàn thành nhiệm vụ và tốt hơn... năm ngoái.
Đánh giá này, theo lý giải của ông Khôi, xuất phát từ việc chỉ có hai trọng tài phạm lỗi nghiêm trọng (Ngô Quốc Hưng bắt trận SLNA - Thanh Hóa và Nguyễn Văn Quyết bắt trận Navibank Sài Gòn - SHB Đà Nẵng) và ba trọng tài bị treo còi mỗi người một trận.
Theo ông Khôi, con số hai trọng tài phạm lỗi nghiêm trọng trong 203 trận đấu đã diễn ra là không nhiều. Tuy ông Khôi cho rằng V-League thi đấu ngày càng “thật” so với trước kia, nhưng khi được một nhà báo yêu cầu dẫn chứng sự “không thật” của một trận đấu trước đây, ông Khôi lại cho rằng: “Tôi chưa bao giờ nói trận đấu nào không thật”.
Chủ tịch Hội đồng trọng tài quốc gia Nguyễn Văn Mùi cho biết công tác trọng tài đảm bảo tốt. Tuy số lượng thẻ phạt tăng so với mùa giải trước nhưng các trọng tài vẫn còn bỏ qua một số lỗi bạo lực và thiếu văn hóa trên sân.
Bạo lực làm xấu hình ảnh bóng đá
Một trong những vấn đề gây nhức nhối suốt giai đoạn lượt đi chính là những hình ảnh thiếu văn hóa của các cầu thủ trên sân. Hình ảnh cầu thủ chửi trọng tài, cầu thủ cởi và vứt áo khi rời sân, cầu thủ và ban huấn luyện đồng loạt phản ứng với quyết định của trọng tài, HLV trưởng miệt thị trọng tài... diễn ra thường xuyên trong mỗi vòng đấu. Một nhà báo đến từ chương trình thể thao 24/7 của VTV1 nói: “Tuần nào chúng tôi cũng có thể tìm được những hình ảnh phản cảm trên sân cỏ của cầu thủ để lên hình”.
Theo thống kê của VFF, kết thúc giai đoạn lượt đi đã có 29 thẻ đỏ tại V-League và 27 thẻ đỏ ở Giải hạng nhất. Bất ngờ là CLB có thành tích tốt như SLNA lại có nhiều cầu thủ nhận thẻ nhất. Kết thúc lượt đi, SLNA đã nhận 38 thẻ vàng.
Về số lượng thẻ phạt tăng so với mùa giải trước, ông Khôi giải thích: “Đó là do trọng tài quyết liệt hơn trong khi xử lý tình huống. Ngoài ra, việc ba trọng tài của FIFA đến để phổ biến những lỗi mới cho các trọng tài VN trước mùa giải cũng làm số lượng thẻ tăng lên. Trước giải, dù ban tổ chức đã đến các CLB tuyên truyền về văn hóa sân cỏ, cho cầu thủ xem lại những hình ảnh phản cảm trên sân để họ ý thức được điều đó, nhưng tôi cảm thấy rất buồn về những hình ảnh xấu trên sân cỏ”.
Than thở nhưng cũng thật ngạc nhiên khi ông Khôi cho rằng mọi án phạt liên quan đến cầu thủ, giới truyền thông hãy hỏi ban kỷ luật VFF, việc trọng tài đúng hay sai hãy hỏi Hội đồng trọng tài. Ban tổ chức giải chỉ lo công việc liên quan đến công tác tổ chức giải, hỗ trợ, giúp đỡ và phối hợp với các sân tổ chức các trận đấu chứ không liên quan gì đến án phạt cầu thủ, trọng tài phạm lỗi nặng hay nhẹ.
AVG lỗ 2 tỉ đồng trong mùa giải 2011 Tham dự hội nghị, ông Trần Đăng Tuấn, tổng giám đốc AVG - đơn vị nắm bản quyền truyền hình trong 20 mùa giải của bóng đá VN, đã có báo cáo liên quan đến công tác bản quyền truyền hình của mùa giải 2011. Theo ông Tuấn, ở lượt đi mùa giải 2011 chỉ có bốn trận đấu của V-League và 13 trận đấu của Giải hạng nhất không được THTT. Năm 2012 dự kiến toàn bộ 182 trận đấu của V-League sẽ được THTT. Do thu không đủ bù chi nên theo ông Tuấn, AVG lỗ khoảng 2 tỉ đồng trong mùa giải 2011. Trọng tài cần cải thiện thể lực Một đại biểu tham dự buổi sơ kết có hai đề nghị: 1. Trọng tài phải kiên quyết từ đầu đến cuối. Chúng tôi không sợ thẻ phạt nhưng trọng tài phải thổi đúng để tránh sự cố trên sân như từng xảy ra ở lượt đi. 2. Trọng tài cần thường xuyên tập luyện để có thể lực tốt hòng theo sát được những tình huống nóng trên sân bóng, tránh dẫn đến những sai sót như vừa qua. |
K.XUÂN
Để sân cỏ đẹp hơn Sau Tết Tân Mão, báo chí đồng loạt đưa tin chuyện cảnh sát giao thông Hà Nội ra quân chấn chỉnh tình trạng không đội mũ bảo hiểm. Chỉ trong một tuần, cảnh sát giao thông đã phạt gần 4.600 trường hợp không đội mũ bảo hiểm. Đặc biệt, trong một tuần cao điểm đó đã có hàng trăm trường hợp dám tấn công lại người thi hành công vụ như bẻ gậy, giật quân hàm cảnh sát giao thông... Người ta tranh cãi nhau rất nhiều xung quanh chuyện này: người bảo cảnh sát giao thông xứ mình bị xem thường là bởi “con sâu làm rầu nồi canh”; người bảo do nhiều thanh niên bây giờ xem thường pháp luật. Riêng bạn tôi, một Việt kiều Mỹ về quê ăn tết, cũng theo dõi kỹ chuyện này và bảo: ”Bên Mỹ mà thử bẻ gậy, giật quân hàm cảnh sát xem, nó bắn ngay. Không thể nói rằng do cảnh sát có người xấu để biện minh cho hành động chống người thi hành công vụ. Chuyện cảnh sát hư đã có nhiều nơi giám sát, và chỉ cần trưng ra bằng chứng một cảnh sát viên tiêu cực thì đến sếp anh ta cũng phải chịu trách nhiệm”. Tôi xin mở đầu câu chuyện xấu xí trong bóng đá VN gần đây bằng một câu chuyện không liên quan đến bóng đá nêu trên, nhưng lại rất tương đồng. Sau khi kết thúc lượt đi của V-League 2011, mọi người thống nhất với nhau rằng câu chuyện đáng nói nhất là mối quan hệ của trọng tài với cầu thủ ngày càng căng thẳng. Giới cầu thủ thì bảo nhiều trọng tài kém năng lực, có trọng tài đáng ngờ về mặt đạo đức và điều đó đã khiến kết quả trận đấu sai lệch, đánh đổ công sức của cả một đội bóng nên họ “tức nước vỡ bờ”. Ngược lại, chủ tịch Hội đồng trọng tài quốc gia thì cảnh báo đang có hiện tượng cầu thủ, HLV cố tình gây hấn trọng tài, cho rằng trọng tài ép mình nhằm biện minh cho sự yếu kém trước mặt các ông chủ! Trên thực tế cả hai đều đúng, đều có một vài dẫn chứng thuyết phục cho lý lẽ của mình, nhưng không tuyệt đối. Vậy phải giải quyết thế nào đây cho mối quan hệ này được êm ả hơn? Trước hết, không thể cảm thông được với những màn tấn công trọng tài bởi bất cứ lý do gì, nếu không sân cỏ sẽ loạn. Còn chuyện hư hỏng, yếu kém của trọng tài là vấn đề của báo chí (có chức năng phản ánh), giám sát trọng tài, Hội đồng trọng tài quốc gia, VFF (Liên đoàn Bóng đá quốc gia)... Có điều cách hành xử lâu nay của nhiều vị giám sát trọng tài, của Hội đồng trọng tài quốc gia, của VFF dễ khiến các đội, cầu thủ và HLV nghĩ rằng “phủ bênh phủ, huyện bênh huyện”. Trong khi kỷ luật cầu thủ, HLV thì công khai nhưng kỷ luật trọng tài thì bí mật (đến độ không biết có kỷ luật hay không). Có lẽ đã đến lúc nên tính tới việc xây dựng một quy chế thưởng phạt phân minh cho lực lượng trọng tài. Nếu họ làm tốt cần thưởng nhiều hơn, xứng đáng hơn; nhưng khi họ sai cũng cần công khai, sòng phẳng. TRƯỜNG HUY |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận